Tina Yuan (tên thật là Nguyễn Thị Thương, 30 tuổi, mang trong mình hai dòng máu Việt – Trung) là gương mặt không còn xa lạ với cộng đồng người Việt tại Singapore. Suốt 4 năm qua, cô cùng với những tình nguyện viên người Việt, tình nguyện viên quốc tế đến từ Anh, Úc, Mỹ, Ấn Độ… mở lớp dạy song ngữ Anh – Việt miễn phí cho hơn 200 người, gồm cả trẻ em và người lao động Việt Nam lại Singapore.
Thương có bố là người Việt, mẹ người Trung Quốc, sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ. Cô sống ở Việt Nam đến hết lớp 4, sau đó liên tục chuyển nơi sống và học tập giữa 4 quốc gia: Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Mỹ. Cách đây 8 năm, Thương quyết định định cư tại Singapore. Cô thành thạo 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Đức.
Thương tự gọi mình là một “đứa trẻ ngoài ý muốn”. Cô hiểu rõ nỗi cô đơn khi mình là một đứa trẻ khác biệt, những tổn thương khiến cô trở nên nhạy cảm hơn. Có thể, chính phần tính cách này đã khiến Thương tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ở việc làm thiện nguyện.
Thương là cô gái bản lĩnh, tự tin nhưng cũng rất đỗi nhạy cảm
Cách đây 4 năm, Thương gặp nhiều cô gái Việt có con riêng, mang theo con sang Singapore tái hôn. Những đứa trẻ ấy, tiếng Việt chưa sõi, tiếng Anh thì hoàn toàn không biết nên rất khó để được đi học. Và vì không mang quốc tịch Singapore nên chúng không được hưởng chế độ đãi độ như những đứa trẻ khác.
Thông qua những cuộc giao lưu cộng đồng, Thương đề xuất dạy miễn phí tiếng Việt và tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam tại Singapore. Lớp học tình nguyện đầu tiên của cô gái trẻ chỉ vỏn vẹn 3 học sinh nhưng ngày càng đông dần vì được nhiều người giới thiệu.
Đối với công việc dạy học miễn phí, Thương vô cùng nghiêm túc. Dù sử dụng tiếng Anh thành thạo nhưng cô vẫn bỏ ra gần 7 triệu đồng, đăng ký một khoá học ngoại ngữ tại trung tâm để học hỏi phương pháp dạy. Cô còn không ngừng lên mạng tìm hiểu rồi tìm ra phương pháp phù hợp nhất để dạy trẻ em.
“Con người mình là vậy, đã làm gì phải làm ra trò, học ra học, dạy ra dạy. Mình không thể muốn dạy người khác nhưng chính bản thân lại không biết phải truyền tải kiến thức bằng cách nào. Làm thế sẽ lỡ mất thời gian và cơ hội của các em”, Thương chia sẻ.
Cô từng đặt chân đến 100 quốc gia trên thế giới
Cô giáo trẻ còn tự bỏ tiền mua sách vở và vé tháng đi xe bus cho các học trò. Giáo án của cô là những cuốn truyện cổ tích song ngữ vì cô cho rằng, đó là cách tốt nhất để các em gần gũi, hào hứng với việc học tiếng Anh.
Thương đặt ra mục tiêu, trong vòng 1 năm, các em có thể “tốt nghiệp lớp cô Thương” và điều kiện để tốt nghiệp là nghe, hiểu tiếng Anh, tiếng Việt ở mức cơ bản, đạt tiêu chuẩn đi học trường công lập tại Singapore. Rất nhiều em đã làm được việc đó và đối với Thương, đó là món quà quý giá nhất cô có được nhờ hoạt động thiện nguyện này.
Không chỉ trẻ em, Thương còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho người lao động, các cô dâu Việt Nam sống và làm việc tại Singapore. Việc dạy tiếng Anh cho người lớn cần phương pháp và giáo trình khác. Thương lại một lần nữa mày mò, tìm hiểu để việc học và dạy đạt hiệu quả cao nhất.
Một tuần 2 buổi, Thương mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Ngoài dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, Thương còn tạo cơ hội cho các học viên kết nối với các tình nguyện viên nước ngoài đến từ Anh, Úc, Mỹ… để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Thương cho rằng, chẳng có phương pháp dạy ngoại ngữ nào hiệu quả hơn việc tạo môi trường cho họ học và giao tiếp.
Thương luôn tranh thủ thời gian để học và làm việc
Miệt mài mở lớp, dạy học, suốt 4 năm qua, Thương đã dạy ngoại ngữ cho hơn 200 người. Hơn 200 người nhờ Thương mà có được công việc tốt hơn và một cuộc sống dễ dàng hơn ở xứ người.
Dịch COVID-19 lan rộng, Thương chuyển sang dạy online. Một tuần 6 buổi, sau khi làm xong công việc của mình, Thương chuẩn bị lên lớp buổi tối. Khi chuyển sang dạy online, lớp học của Thương đông hơn, mọi người dù không trực tiếp gặp gỡ nhau nhưng vẫn rất nghiêm túc trong việc học.
Thương là một cô gái tài giỏi. Cô hiện tại làm về mảng marketing cho một tập đoàn của Úc tại Singapore và mỗi cuối tuần còn học thêm Thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh. Không ít người thắc mắc, một cô gái nhỏ bé như vậy lấy đâu ra năng lượng để học tập và làm việc với cường độ như thế. Thương chỉ cười: “Mỗi người chỉ có một lần để sống”.
“Mình luôn cố gắng làm những việc mình yêu thích để tạo ra năng lượng, cân bằng cuộc sống. Làm sao để vừa làm, vừa học, vừa dạy, vừa có thời gian dành cho bản thân, gia đình và bạn bè. Chẳng hạn như, mình sẽ ngủ ít đi 2 tiếng mỗi ngày để có thêm thời gian học, tìm kiếm tài liệu. Quan điểm của mình là, khi chết, mình sẽ được ngủ mãi mãi, hiện tại còn trẻ và còn sống thì ngủ ít một chút cũng chẳng sao”, Thương nói.