Thấy nhiều ghê chưa các mẹ?
Mới đó mà cuộc tổng kiểm soát tuần tra ô tô, xe máy đã đi được nửa chặng đường. Theo con số thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông thì trong từ ngày 15/07/2019 đến hết ngày 29/07/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã tổng kiểm tra 344.930 phương tiện, trong đó có hơn 64.000 xe khách, gần 49.000 xe ô tô vận tải, container và hơn 224.000 xe mô tô.
Qua đó đã phát hiện và lập biên bản xử lý 147.808 phương tiện vi phạm, gồm 15.752 xe khách, 11.730 xe ô tô vận tải, container và 120.326 xe mô tô, trong đó đã tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 10.000 trường hợp, tạm giữ gần 22.000 phương tiện và phạt tiền gần 70 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là các lỗi vi phạm sau đây:
1. Lỗi không đội mũ bảo hiểm có đến 45.393 trường hợp.
2. Lỗi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (còn gọi là bảo hiểm xe) còn hiệu lực có đến 19.498 trường hợp.
* Nên nhớ rằng, nếu có mang theo bảo hiểm xe nhưng bảo hiểm không hợp lệ cũng bị tính như lỗi không có.
3. Lỗi không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp có đến 11.597 trường hợp.
* Không có Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông được xem là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp người lái xe gây ra tai nạn giao thông, mức án tối thiểu cũng là 03 năm tù theo Khoản 2 Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
4. Lỗi vi phạm tốc độ có đến 10.137 trường hợp.
5. Lỗi vi phạm nồng độ cồn do uống rượu bia có đến 6.624 trường hợp.
6. Lỗi vi phạm về việc sử dụng ma túy có 74 trường hợp.
Lóa mắt với số tiền thu về từ việc xử phạt vi phạm giao thông trong đợt tổng kiểm soát này, GẦN 70 TỶ ĐỒNG, nhiều người sẽ thắc mắc, số tiền này được sử dụng như thế nào? Vào mục đích gì?
Căn cứ quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BTC về việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì 70% số tiền thu từ việc xử phạt vi phạm giao thông được sử dụng cho việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, 30% còn lại cho Bộ Công an.
Trong đó, chi cho các khoản đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm chi tuyên truyền, phổ biến trật tự an toàn giao thông; chi tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ trực tiếp phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật hiện hành; chi thống kê, phân tích số liệu; chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, trong dịp Tết Nguyên Đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”; chi vận hành số điện thoại đường dây nóng về trật tự an toàn giao thông; chi chống ùn tắc giao thông…
Đặc biệt, một số khoản chi được quy định mức tiền cụ thể:
– Chi hỗ trợ nạn nhân bị tử vong trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: tối đa 5 triệu đồng/người.
– Chi hỗ trợ người bị thương nặng trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: tối đa 2 triệu đồng/người.
– Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết, bị thương nặng do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn trong 2 dịp là Tết Nguyên Đán và Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông: tối đa 2 triệu đồng/người.
– Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào ban đêm: tối đa 100.000 đồng/người/ca (Lưu ý: 01 ca phải từ đủ 04 giờ trở lên).