Thu nhập thấp vẫn có khoản tiết kiệm nhờ 7 mẹo đơn giản

Nếu chỉ có mức thu nhập tối thiểu nhưng vẫn muốn dành ra một khoản tiết kiệm mỗi tháng bạn hãy áp dụng 7 mẹo đơn giản sau đây.
Chia sẻ

Thu nhập thấp vẫn có khoản tiết kiệm nhờ 7 mẹo đơn giản - 1

Không cần phải có mức lương cao ngất ngưởng mới có thể dư ra một khoản để tích lũy mỗi tháng. Điều quan trọng là xác định rõ ưu tiên là gì, từ đó lập ra kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm phù hợp. Theo đó, ngay cả khi chỉ có đồng lương tối thiểu, bạn vẫn có thể tiết kiệm từng chút một với những mẹo dưới đây:

Ưu tiên trả các khoản nợ lãi suất cao

Để bắt đầu tiết kiệm, trước tiên bạn cần giải quyết các khoản nợ, nhất là các khoản vay lãi suất cao, thẻ tín dụng, bởi vì càng để lâu, số phí và lãi suất bạn phải trả càng nhiều.

Khi trả nợ, bạn cần vạch ra kế hoạch có thể thực hiện được chứ không phải là một kế hoạch phi thực tế. Hãy bắt đầu bằng việc thanh toán các khoản nợ có mức lãi suất cao nhất. Bên cạnh đó, trong quá trình trả nợ, cần tránh việc có thêm bất cứ khoản nợ lãi suất cao nào khác, đặc biệt là từ thẻ tín dụng.

Cắt giảm các chi phí lớn nhất

Thay vì cố gắng cắt giảm các chi phí nhỏ, tập trung vào những khoản lớn sẽ giúp bạn tạo ra tác động đáng kể.

Ví dụ nếu bạn thuê nhà, hãy nghĩ đến việc thuê một căn nhỏ hơn hoặc sống chung với ai đó để giảm tiền thuê. Nếu bạn có nhà riêng, có thể nghĩ đến việc cho thuê phòng, hoặc chỗ đỗ xe... để có thể có thêm thu nhập.

Cân nhắc kỹ trước khi mua sắm

Sự phát triển của thương mại điện tử khiến chúng ta dễ bị thu hút bởi những lời quảng cáo và hình ảnh hấp dẫn. Tuy nhiên, trước khi nhấp vào nút đặt hàng, hãy tự hỏi "Tôi có thực sự cần món đồ này không. Nếu không thấy quảng cáo này, liệu tôi có mua nó không?".

Nếu câu trả lời là “Có”, hãy thực hiện quy tắc 72 giờ, tức trì hoãn hành vi mua sắm lâu hơn 72 giờ. Sau khoảng thời gian này, nếu bạn vẫn muốn mua có nghĩa là bạn có nhu cầu thực sự. Rất nhiều người sau đó không mua hoặc đơn giản quên mất việc muốn mua món đồ đó sau 72 giờ.

Ngoài ra, bạn nên lập danh sách những đồ cần mua. Nếu không có danh sách, bạn dễ rơi vào tình trạng mua sắm bốc đồng hoặc mua hàng ngoài kế hoạch.

Theo dõi chi tiêu hàng tháng

Hãy ghi lại thời điểm nhận lương cũng như ngày thanh toán các hóa đơn. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng thể về tình hình chi tiêu trong tháng, đặc biệt là thời điểm tài chính eo hẹp nhất, từ đó điều chỉnh lại việc chi tiêu cho phù hợp.

Ví dụ, khi lĩnh lương, bạn nên lập tức dành ra một khoản thanh toán các hóa đơn quan trọng như hóa đơn điện, nước, Internet,… để tránh việc tiêu xài vào những thứ không cần thiết trong khi ngày thanh toán các hóa đơn chưa đến. Khi bạn quản lý được tiền của mình, bạn sẽ có sự cắt giảm phù hợp để tiết kiệm.

Bán những thứ bạn không cần đến

Nếu dành thời gian soạn lại đồ đạc trong nhà, chắc chắn bạn có thể tìm thấy một vài món đồ ít khi dùng tới, thậm chí còn mới nguyên. Bạn có thể bán lại các món đồ này. Không những thu được một khoản tiền nho nhỏ, bạn còn giúp căn nhà trở nên gọn gàng hơn, tiết kiệm được thời gian lựa chọn đồ đạc hoặc nhận ra mình không cần một ngôi nhà lớn như hiện tại.

Học cách tự sửa chữa đồ đạc trong nhà

Một trong những cách giúp bạn tiết kiệm tiền chính là học cách tự sửa chữa các thiết bị gia dụng hay xe cộ trong nhà. Thực tế chúng ta thường phải chi một khoản không nhỏ vì những sự cố do hỏng hóc đồ đạc.

Thay vì gọi cho một đơn vị dịch vụ sửa chữa, hãy mày mò sửa các thiết bị trong khả năng của bạn. Ngoài việc tiết kiệm tiền, việc học thêm kỹ năng sửa chữa có thể giúp bạn chủ động trong các tình huống cần khắc phục sự cố.

Nấu ăn tại nhà

Thu nhập thấp vẫn có khoản tiết kiệm nhờ 7 mẹo đơn giản - 2

Nấu ăn tại nhà không chỉ tiết kiệm tiền mà còn giúp bạn quản lí được nguồn dinh dưỡng nạp vào cơ thể. (Ảnh minh họa).

Một trong những cách hiệu quả để tiết kiệm tiền là nấu ăn tại nhà. Thay vì ra ngoài mua đồ ăn sẵn từ các cửa hàng, bạn hãy tự chọn lựa nguyên liệu và chế biến. Nếu không có nhiều thời gian, bạn nên làm các món ăn lành mạnh từ rau xanh như salad.

Tự chế biến bữa ăn từ A đến Z không chỉ tiết kiệm tiền mà còn giúp bạn quản lí được nguồn dinh dưỡng nạp vào cơ thể. Sẽ không còn nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm hay nhiễm độc từ chất bảo quản thực phẩm như trước nữa.