Đầu tư trọng tâm vào điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn?
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức ngày 20/12.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định qua 8 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, CNVH đã có sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới đòi hỏi các ngành CNVH Việt Nam phải có sự thay đổi từ nhận thức đến vị trí của các ngành CNVH.
"Những người xây dựng dự thảo chọn ra ngành được quan tâm để phát triển như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa... Dù điện ảnh có mức độ phát triển chưa cao, đóng góp vào GDP chưa lớn nhưng điện ảnh là ngành có tiềm năng, lợi thế để phát triển trong thời gian tới", Thứ trưởng Hồ An Phong nêu.
Dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 gồm 2 điều, 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành CNVH trọng tâm gắn với giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn. |
Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh ngành nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam có nhiều lợi thế, đặc biệt những concert được tổ chức gần đây có sức hút rất lớn.
"Hai chương trình có sức hút không kém gì BlackPink. Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai được yêu thích vì lồng ghép được những giá trị truyền thống, văn hóa dân gian. Các nhà nghiên cứu văn hóa cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về tác động của các chương trình này để có những định hướng phát triển. Nghệ thuật biểu diễn vẫn có tiềm năng, lợi thế và là món ăn tinh thần đặc sắc", Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.
Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh ngành nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam có rất nhiều lợi thế.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, các ngành CNVH đóng góp 7% GDP quốc gia. Trong đó, kỳ vọng doanh thu toàn ngành điện ảnh đạt khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng, phim Việt Nam đạt khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng, ngành nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt khoảng 770 tỷ đồng.
Xây dựng thương hiệu văn hóa Việt
Góp ý tại hội thảo, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - nhận định chiến lược còn dàn trải, chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng. Chuyên gia này cho rằng các mục tiêu hay đường lối trong chiến lược cần cụ thể hơn thay vì gắn với những cụm từ mang tính khẩu hiệu.
"Khi nhắc đến CNVH Hàn Quốc, chúng ta nghĩ đến ngay làn sóng Hallyu, Nhật Bản là anime, manga và Mỹ là điện ảnh, Hollywood... Việt Nam cũng cần sản phẩm mang tính thương hiệu", TS. Ngô Phương Lan nêu.
Làn sóng Hallyu là sản phẩm nổi bật của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc.
TS. Tom Fleming - nhà sáng lập và điều hành Tom Fleming Creative Consultancy (TFCC) - tổ chức quốc tế hàng đầu về tư vấn trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo - nhấn mạnh cần xây dựng được thương hiệu CNVH hoặc sản phẩm đặc trưng riêng của Việt Nam.
"CNVH của Thái, Nhật, Hàn đều có sự khác nhau và Việt Nam cũng vậy. CNVH luôn là ngành công nghiệp gắn với sự phối kết hợp giữa các lĩnh vực. Chúng ta cần định vị và quảng bá Việt Nam, các ngành CNVH Việt Nam trên thị trường thế giới một cách mạnh mẽ hơn. Không cần phải quá căng thẳng về việc chọn phát triển lĩnh vực nào mà cần chú tâm phát triển tài nguyên văn hóa của từng thành phố", TS. Tom Fleming nhận định.
Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 20/12.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khẳng định điểm yếu của Việt Nam khi xây dựng các dự án, đề án luôn là thiếu số liệu thực tế. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở thông tin đầu vào, dù đây là cơ sở để đo đạc, đánh giá thực trạng phát triển các ngành CNVH.
Trong thời gian tới, các vị chuyên gia cho rằng cần xây dựng một trung tâm dữ liệu về phát triển các ngành CNVH. Đây chính là cơ sở để mọi bước phát triển ngành trở nên vững vàng hơn. Ngoài ra, việc hợp tác công tư để phát triển ngành CNVH cũng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh.