Thực khách bị yêu cầu bồi thường 480.000 USD sau khi đăng tải clip liếm chai nước tương lên mạng xã hội

Chuỗi nhà hàng sushi Sushiro tại Nhật Bản đã kiện một thiếu niên và yêu cầu người này bồi thường thiệt hại lên đến 480.000 USD vì hành vi gây mất vệ sinh ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Công ty Akindo Sushiro Co. - nhà điều hành chuỗi nhà hàng sushi Akindo Sushiro ở Nhật Bản mới đây đã kiện một thực khách, yêu cầu bồi thường 67 triệu yên (480.000 USD) vì ghi lại hành vi mất vệ sinh và chia sẻ hình ảnh này trên Internet. Được biết nhà hàng đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận Osaka vào ngày 22/3.

Theo đơn kiện, ngày 3/1, cậu thiếu niên bị kiện đã đến nhà hàng Sushiro tại tỉnh Gifu cùng với một người bạn. Cậu này đã liếm một chai nước tương, một ly nước trà chưa được dùng, và chạm vào các đĩa trên băng chuyền với các ngón tay đầy nước bọt. Tất cả các hành vi trên đều được quay lại.

Video này sau đó được đăng tải lên mạng xã hội ngày 29/1. Cụ thể, trong video, nam khách hàng liếm nắp của một lọ nước chấm, đưa vành của một chiếc cốc chưa qua sử dụng vào miệng. Sau đó, vị khách liếm nước bọt lên tay và bôi vào một đĩa sushi, theo Japan Times.

Video đã có hơn 22 triệu lượt xem vào thời điểm đăng tải. Dù xử lý vụ việc kịp thời bằng cách nhờ lực lượng chức năng điều tra, thiệt hại tới việc kinh doanh vẫn xảy ra. Từ ngày 30 đến 31/1, Akindo Sushiro cũng chịu thiệt hại hơn 16 tỉ yên (hơn 100 triệu USD) giá trị vốn hóa thị trường.

Tập đoàn Food & Life Cos chủ sở hữu chuỗi Akindo Sushiro đã ngay lập tức báo cảnh sát sau khi vụ việc xảy ra vào ngày 1/2. Họ cho biết đã nhận được lời xin lỗi trực tiếp từ "chủ nhân" trò đùa và bố mẹ của nam khách hàng. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn tiếp tục nhờ đến pháp luật can thiệp do thiệt hại về tài chính quá lớn.

Ngoài ra, họ đã tạm thời hạn chế sử dụng băng chuyền để phục vụ đồ ăn. Thay vì cho khách hàng tự chọn và lấy đĩa sushi họ muốn, nhà hàng quyết định in ảnh món sushi đặt vào đĩa trống tương ứng trên đường băng để thực khách lựa chọn.

Akindo Sushiro cũng đã phải lắp đặt rào chắn nhựa tại hơn 600 nhà hàng Sushiro và thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo vệ sinh khác, gây thiệt hại hơn 90 triệu yên (gần 650.000 USD).

Trường hợp của Sushiro được gọi là "khủng bố sushi", chỉ những người tìm tới các nhà hàng nổi tiếng, tự làm những hành động vi phạm an toàn thực phẩm rồi tung lên mạng xã hội.

Hiện, cố vấn pháp lý của nam sinh trên đã viết thư tới tòa, yêu cầu bác bỏ đơn kiện. Luật sư cho hay, nam sinh trên đã thừa nhận và hối hận về hành động của mình và rằng, không có bằng chứng nào cho thấy hành động của nam sinh có liên quan tới sự sụt giảm khách hàng của chuỗi cửa hàng Sushiro.

Theo người đại diện pháp luật này, số lượng khách hàng của Sushiro sụt giảm có thể do sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành.

Hiện Công ty Akindo Sushiro từ chối bình luận về vụ việc này.