Thước phim ghi lại hành trình xê dịch của những đứa trẻ trên thế giới

Mỗi độ tuổi sẽ có sự nhìn nhận và thu hoạch khác nhau trên hành trình khám phá thế giới. Các kỹ năng mà trẻ có thể học được trong khi đi du lịch sẽ có ích suốt phần đời còn lại.

The New York Times đã dành rất nhiều thời gian để quay một hành trình xê dịch, sử dụng máy ảnh 360°, theo dõi trải nghiệm du lịch của 12 đứa trẻ, từ 3 đến 16 tuổi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những đứa trẻ này xuất thân khác nhau, lớn lên trong nền văn hóa khác nhau, cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ về thế giới muôn màu của chúng.

Các chuyên gia đã khách quan tái hiện lại thế giới đi du lịch từ quan điểm của trẻ em, và những gì người lớn nhìn thấy là khác nhau. 12 đứa trẻ, độ tuổi khác nhau, tầm nhìn khác nhau và trải nghiệm cũng khác nhau!

Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: Lo lắng lẫn thích thú khám phá thế giới bằng đôi mắt hiếu kỳ

Kobe, 3 tuổi, đi du lịch với gia đình ở Whistler, Canada. Trên cáp treo, cậu bé luôn tỏ ra sợ hãi vì đây là lần đầu tiên trong đời đi phương tiện trên cao như vậy.

Cậu bé lo lắng nhìn khắp nơi phía dưới, vẫn tựa vào trong ngực bố, không dám tin vào việc mình đang “di chuyển” trên không trung cách mặt đất một khoảng rất xa. Em căng thẳng đến mức môi không ngừng rung lên, nói những lời mà người lớn ngồi bên cạnh nghe không hiểu.

Biết con đang run rẩy trong lòng, bố chỉ có thể trấn an bé bằng những âm thanh vui nhộn mình tự phát ra từ miệng, đánh lạc hướng con bằng cách bảo bé nhìn phong cảnh bên ngoài.

So với nỗi sợ hãi của đứa trẻ ba tuổi, Nina, 5 tuổi, đã biểu hiện hoàn toàn khác. Hòa mình vào Công viên Quốc gia Joshua Tree ở California (Mỹ), Nina chơi đùa trong tâm thế tò mò và thích thú cùng bố mẹ.

Thước phim chuyển sang địa điểm du lịch khép kín hơn. Sasha, 4 tuổi, tham quan Bảo tàng Khám phá Khoa học ở San Francisco (Mỹ) với mẹ. Đứng dưới ánh đèn đỏ, cô bé phát hiện bàn tay mình biến thành màu đỏ, em mở to hai mắt trong sự ngạc nhiên thích thú, lật qua lật lại bàn tay của mình.

Trong hồ sơ của New York Times, đặc điểm du lịch của trẻ em từ 3 đến 5 tuổi chủ yếu là sự khám phá bất ngờ vì thế giới của các em đang còn nhỏ bé. Các em không có nhiều suy nghĩ, chỉ có thể khám phá nhờ vào sự hướng dẫn của bố mẹ và những gì phụ huynh muốn con cái của họ nhận thấy. Trẻ sẽ biểu hiện sự tận hưởng với những trải nghiệm mới mẻ, một động tác thoạt nhìn ngốc nghếch cũng có thể làm đi làm lại mấy chục lần trong sự thích chí.

Trẻ từ 7 đến 9 tuổi: Sự hiện diện của người lớn “không còn quá quan trọng”

Trẻ lớn hơn có còn sự hiếu kỳ với thế giới như trẻ 3-5 tuổi?

Với thắc mắc này, The New York Times đã tìm kiếm câu trả lời ở những đứa trẻ 7-9 tuổi.

Lily, 8 tuổi, cùng gia đình đi du lịch ở Dương Sóc, một huyện thuộc thánh địa du lịch Quế Lâm, Trung Quốc. Trước ống kính, cô bé háo hức kêu to, hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, hùng vĩ nơi đây.

Trẻ em ở độ tuổi này đương nhiên cũng có thể khám phá thế giới bằng tàu thuyền. Vì vậy, Nahala, 7 tuổi, đã có trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Tương tự, Julian cũng rất thích thú khi đứng trên tòa tháp cao ở thành phố tình yêu Paris, Pháp. Chuyên gia phát hiện hai đứa trẻ chơi đùa rất hăng say, hoàn toàn không cần sự tham gia của người lớn.

Du thuyền có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho nên Nahala cứ ríu rít không thôi, thảo luận và liên tục đưa ra quan điểm về tiết mục trước mặt với người bạn mới quen. Julian lại mạnh dạn “thống kê” những gì em quan sát từ trên cao với bố mẹ.

Theo The New York Times, trẻ em từ 7 đến 9 tuổi đã có khả năng cảm nhận thế giới một cách độc lập. Chúng thích đi du lịch với bạn bè, chỉ cần có nhiều trẻ em xung quanh, sự có mặt của người lớn lúc này dường như “không còn quá quan trọng”! Chúng sẽ trao đổi cảm nghĩ của mình trong chuyến đi bằng lời nói và viết, đây cũng là một trong những biểu hiện độc lập của trẻ trong độ tuổi này.

Trẻ từ 10 đến 16 tuổi: Đòi hỏi sự khác biệt và thể hiện quan điểm sở thích rõ ràng

Khi trẻ lớn hơn một chút, có lưu ý gì khi lựa chọn điểm đến du lịch không? Nếu như là một chuyến đi tham quan thành phố như thuở nhỏ thì sao? Những đứa trẻ trong hồ sơ của The New York Times ghi lại cho thấy chúng không mấy hứng thú!

Charlotte (13 tuổi), Victoria (13 tuổi), Felix (14 tuổi) thăm thú Moscow, Nga. Mera, 15 tuổi tham quan Tháp Eiffel ở Paris. Những đứa trẻ này ban đầu rất hào hứng vì lần đầu tiên đến thành phố lạ. Nhưng sau một hồi tham quan, chúng chỉ muốn trở về khách sạn để nghỉ ngơi trong khi vẫn chưa đi được bao nhiêu, cũng như thời gian du lịch khá hạn hẹp.

Chuyên gia phát hiện trẻ từ 10 đến 16 tuổi chỉ muốn nghỉ ngơi, vì đi du lịch khiến chúng bị tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Khi chứng kiến binh đoàn đất nung của Tần Thủy Hoàng ở Tây An (Trung Quốc), cô bé Mã Kim Tề, 15 tuổi, sốc đến nỗi không thể nói được gì.

Audrey, 12 tuổi, học cách nấu các món ăn Trung Quốc ở Dương Sóc (Quế Lâm, Trung Quốc). Em cảm thấy ẩm thực Trung Quốc rất mới lạ và thú vị, được giúp đỡ và hướng dẫn từng li từng tí nên em không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình trải nghiệm.

Trong hồ sơ của The New York Times, trẻ từ 10 đến 16 tuổi đòi hỏi có sự phong phú và mới lạ khác với nhận thức hiện tại của chúng. Các em sẵn sàng chia sẻ cảm nghĩ mới mẻ khi du lịch với bố mẹ, nhưng cũng có sở thích rõ ràng. Hơn nữa, ở giai đoạn này, trẻ hoàn toàn cảm thấy chúng không cần phải đi du lịch với bố mẹ, mà sẽ có xu hướng khám phá mạnh bạo hơn, độc lạ hơn.

Xã hội ngày càng đổi mới, tư tưởng của các bậc phụ huynh cũng tiến bộ hơn, nên xu thế cho trẻ xê dịch sớm đang phủ sóng toàn cầu.

Các kỹ năng mà trẻ có thể học được trong khi đi du lịch sẽ có ích suốt phần đời còn lại. Mỗi độ tuổi sẽ có sự nhìn nhận và thu hoạch khác nhau trên hành trình khám phá thế giới. Giữ gìn một trái tim luôn tò mò với thế giới sẽ giúp trẻ luôn biết cách đổi mới bản thân, mở rộng nhận thức và thế giới quan.