'Thương Tín suy sụp, chỉ còn da bọc xương'

Nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết những ngày qua, tinh thần Thương Tín sa sút do biết tin chân phải không thể hồi phục, có nguy cơ liệt vĩnh viễn.

Nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết sau khi hay tin nguy cơ tàn tật suốt đời, nghệ sĩ Thương Tín rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, không muốn ăn uống. "Tôi cố gắng động viên anh điều trị và nghỉ ngơi để có sức khỏe làm phẫu thuật," Tô Hiếu nói.

Hiện mỗi bữa Thương Tín chỉ ăn chút cơm hoặc uống sữa, nhưng đều phải thuyết phục. Ông thường ngồi thẫn thờ, suy nghĩ mông lung và hỏi vu vơ: "Có chữa được không?".

Nhạc sĩ xót xa khi chứng kiến Thương Tín gầy rộc chỉ sau vài ngày, giờ chỉ còn khoảng 40 kg, da dẻ vàng vọt. Dù muốn túc trực chăm sóc ông, Tô Hiếu vẫn phải bận rộn công việc nên nhờ người nhà trông nom, nhắc nhở ông ăn uống đều đặn. Anh cũng thường xuyên theo dõi qua camera, không khỏi lo lắng khi thấy Thương Tín ngồi lặng lẽ, gương mặt buồn bã.

"Bác sĩ yêu cầu anh Tín cần bồi bổ, cải thiện sức khỏe để đủ điều kiện phẫu thuật chân trái bị vỡ xương bánh chè. Nhưng tình trạng hiện tại rất đáng ngại vì anh ấy không thiết ăn uống, chỉ còn da bọc xương, tôi sợ anh khó lòng hồi phục," nhạc sĩ bày tỏ.

Trước đó, Thương Tín được người thân đưa lên TP HCM khám tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Sau nhiều ngày đau chân không dứt, ông được chẩn đoán vỡ xương bánh chè ở chân trái và chấn thương nặng đầu gối chân phải, không còn khả năng đi lại.

Nghệ sĩ bày tỏ nguyện vọng ở lại nhà Tô Hiếu tại Hóc Môn để dưỡng bệnh và nương tựa trong phần đời còn lại. Ông cho biết cuộc sống ở quê buồn tẻ, ăn uống không hợp khẩu vị nên sức khỏe ngày càng sa sút. Tuy nhiên, Tô Hiếu vẫn cân nhắc vì những mâu thuẫn trong quá khứ. Anh đồng ý để Thương Tín ở tạm vài ngày chờ tái khám trước khi quyết định.

Thương Tín và Tô Hiếu.

Thương Tín và Tô Hiếu.

Thương Tín, sinh năm 1956 tại Phan Rang, từng là gương mặt nổi bật của cả sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam. Ở tuổi 13, ông bỏ nhà theo gánh hát cải lương để được thỏa đam mê diễn xuất. Sau đó, ông được gia đình gửi vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, nơi tài năng của ông được mài giũa.

Tốt nghiệp, ông gia nhập Đoàn kịch nói Cửu Long Giang và Đoàn Kim Cương, ghi dấu ấn với các vở nổi tiếng như Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều caoHuyền thoại mẹ. Trong sự nghiệp sân khấu, ông hóa thân hơn 100 vai kịch, phần lớn là vai chính và kép độc.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Thương Tín tham gia hơn 200 bộ phim, nổi bật với Ván bài lật ngửa (thiếu tá Lưu Kỳ Vọng), SBC (tướng cướp Bạch Hải Đường), Biệt động Sài Gòn (Sáu Tâm) và Chiến trường chia nửa vầng trăng (Tám Thương).

Dù là ngôi sao một thời, Thương Tín về già sống cô đơn, gặp nhiều khó khăn. Ông từng được nhạc sĩ Tô Hiếu cưu mang trong hai năm tại Hóc Môn, nhưng sau đó vì mâu thuẫn, ông về quê nương tựa mẹ già và em gái. Hiện tại, vợ và con gái ông cũng không thường xuyên qua lại.