Tiểu hành tinh Bennu có thể va vào Trái Đất, gây tác động nghiêm trọng đến khí hậu

Các nhà khoa học cảnh báo tiểu hành tinh Bennu có khả năng va chạm với Trái Đất vào tháng 9/2182, gây ra những tác động nghiêm trọng đến khí hậu và hệ sinh thái toàn cầu.

Theo nghiên cứu mới nhất, Bennu - một tiểu hành tinh gần Trái Đất có đường kính khoảng 500 mét - dù nhỏ hơn nhiều so với thiên thạch từng dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long, vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn nếu va chạm với hành tinh của chúng ta. Các nhà thiên văn học ước tính xác suất xảy ra vụ va chạm này là 1/2.700, tương đương 0,037%.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình khí hậu và siêu máy tính để phân tích tác động của một vụ va chạm tiềm tàng. Kết quả cho thấy, nếu Bennu đâm vào Trái Đất, khối lượng bụi và khí thải lên tới 400 triệu tấn có thể bị đẩy vào bầu khí quyển, gây ra "mùa đông va chạm" kéo dài nhiều năm.

Tiểu hành tinh Bennu có thể va vào Trái Đất, gây tác động nghiêm trọng đến khí hậu- Ảnh 1.

Mẫu đá và bụi từ Bennu. (Ảnh: NASA)

Cụ thể, vụ nổ có thể tạo ra một làn sóng xung kích mạnh, gây động đất và phóng ra một lượng lớn khí bụi, làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Nếu va chạm xảy ra trên đại dương, nó có thể kích hoạt những đợt sóng thần khổng lồ và làm suy giảm tầng ozone trong nhiều năm.

Theo Tiến sĩ Lan Dai, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), nhiệt độ toàn cầu có thể giảm tới 4°C, lượng mưa giảm 15% và tầng ozone có thể bị suy giảm tới 32%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.

Tiểu hành tinh Bennu có thể va vào Trái Đất, gây tác động nghiêm trọng đến khí hậu- Ảnh 2.

Vụ va chạm tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. (Ảnh minh hoạ: Freepik)

Một phát hiện đáng chú ý trong nghiên cứu là sự thay đổi bất ngờ đối với hệ sinh thái biển. Các nhà khoa học dự đoán rằng bụi giàu sắt từ tiểu hành tinh Bennu có thể kích thích sự bùng nổ của các loài tảo biển, đặc biệt là tảo cát, kéo dài trong khoảng ba năm. Sự phát triển quá mức của tảo có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học đại dương và gây mất cân bằng sinh thái.

Tiến sĩ Axel Timmermann, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Phản ứng tích cực của các sinh vật biển nhỏ có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lương thực, nhưng cũng có nguy cơ làm suy giảm sự đa dạng sinh học của đại dương".

Tiểu hành tinh Bennu có thể va vào Trái Đất, gây tác động nghiêm trọng đến khí hậu- Ảnh 3.

(Minh họa núi lửa phun trào - Ảnh: Solarseven)

Nghiên cứu này gợi nhớ đến các thảm họa trong quá khứ, như vụ phun trào siêu núi lửa Toba cách đây 74.000 năm, từng làm suy giảm nhiệt độ toàn cầu và gây ra những thay đổi lớn đối với loài người thời kỳ đầu. Các nhà khoa học tin rằng những va chạm với thiên thạch cỡ trung bình như Bennu có thể đã ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của con người và sự phát triển của hệ sinh thái trong lịch sử Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu hiện đang tiếp tục mô phỏng phản ứng của con người thời kỳ cổ đại với các sự kiện va chạm thiên thạch. Tiến sĩ Nadja Drabon, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, nhấn mạnh: "Các vụ va chạm thiên thạch là điều không thể tránh khỏi. Dù những vụ va chạm lớn như vụ tiêu diệt khủng long rất hiếm, nhưng những va chạm nhỏ hơn vẫn có thể xảy ra và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng".