Đây được coi là bước đi cần thiết của Tiki và Sendo để tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ cực kỳ mạnh như Lazada được hậu thuẫn bởi "ông lớn" Alibaba và Shopee dưới trướng SEA.
(Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)
Hồi tháng 2 vừa qua, một nguồn tin rò rỉ cho biết 2 trang thương mại điện tử là Tiki và Sendo đang đàm phán để tiến đến việc "về chung một nhà". Mới đây nhất, DealStreetAsia cho biết 2 trang thương mại điện tử này đã đồng ý sáp nhập, nguồn tin được tiết lộ từ một trong những người liên quan đến thương vụ.
Theo báo điện tử Vietnamnet, cả Tiki và Sendo đều chưa xác nhận thông tin này, nhưng nếu thương vụ sáp nhập thành công sẽ là một sự thay đổi lớn cho cục diện của thị trường thương mại điện tử. Theo báo Tuổi Trẻ Online, một nguồn tin cho biết thông tin về Tiki sáp nhập với Sendo đã được trao đổi giữa các lãnh đạo cấp cao Tiki từ mấy tháng nay, hiện tại các quản lý cấp trung đã được thông báo và sẽ sớm có email nội bộ thông báo cho toàn công ty. Tuy nhiên, phía Tiki từ chối bình luận về thông tin này.
Theo báo điện tử Trí Thức Trẻ, tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng, còn Sendo lỗ gần 1.300 tỷ. Trong khi đó, lỗ luỹ kế của Shopee đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Riêng Lazada, tính đến 31/3/2019, lỗ của đơn vị này đã lên đến 7.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, Shopee hay Lazada đều có lợi thế cực kỳ mạnh về vốn từ công ty mẹ là Alibaba và SEA. Chỉ trong năm 2019, Shopee đã được SEA rót thêm gần 2.500 tỷ đồng.
(Đồ họa: CafeF)
Cũng theo Trí Thức Trẻ, thời gian qua Tiki và Sendo đã liên tục gọi vốn để tiếp tục duy trì hoạt động. Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C và nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa... tại Sendo. Tiki cũng có 2 lần tăng vốn trong năm 2019 vào tháng 6 và tháng 12 và hiện 2 cổ đông chính vẫn là VNG (24,6%) và JD.com (21,9%).
Theo Tuổi Trẻ Online, trong tốp các sàn thương mại điện tử Việt Nam, Tiki và Sendo nằm ở vị trí thứ 3 và thứ tư, xếp sau 2 sàn Shopee và Lazada. Thị trường của Tiki chủ yếu là ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, trong khi thị trường của Sendo phổ biến hơn với khách hàng khu vực nông thôn và ngoại ô các thành phố lớn.
Tuổi Trẻ Online đánh giá việc sáp nhập 2 sàn xếp vị trí thứ 3 và 4 này được cho là nhằm để giải quyết một số vấn đề. Cụ thể, SenMall của Sendo hiện vẫn chưa được đánh giá cao nhưng lượng truy cập rất cao, trong khi TikiNow lại rất tín nhiệm, nhất là hệ thống logistics, giao hàng nhanh chóng nên việc sáp nhập sẽ giải quyết được bài toán này./.