TikToker liệt kê những ngành học có bằng đại học vô dụng nhất, chuyên gia "vỗ mặt": Nói "bậy bạ"

"Học ngành gì cũng phải bỏ công sức để có kiến thức và kinh nghiệm sẽ tốt hơn nhiều so với việc không học", chuyên gia nhận định. 

Mới đây, một số tài khoản TikToker bất ngờ đăng tải clip liệt kê những ngành học có bằng đại học vô dụng nhất. Theo đó, những ngành học được đề cập gồm: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự.;

Việc xuất hiện nhiều clip hướng nghiệp với chủ đề "Những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam" gây nhiều tranh cãi và gây hoang mang khi mùa tuyển sinh đại học đã cận kề.

Chia sẻ về vấn đề này với VietNamNet, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, Tiktok là kênh dành cho trải nghiệm cá nhân chứ không phải quảng bá thương hiệu nhà trường. Bởi vậy, những nhận định của chủ kênh là vô căn cứ, "bậy bạ". 

“Những người này thường hay diễn giải về ngành nghề nhưng không biết về ngành nghề học như thế nào? Học ra trường để làm gì? Học có khó khăn hay không?

Do vậy, việc các TikToker nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ follow sẽ gây ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề của thí sinh”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, các TikToker có thể nói đúng trong một vài trường hợp chứ không phải đúng cho tất cả. Nhưng suy nghĩ của người trẻ hiện nay là "chắc TikToker đã nói là đúng", nên gây ra sự hiểu lầm khi lựa chọn ngành nghề.

Ông Sơn lo ngại những clip như vậy sẽ làm cho các bạn trẻ lung lay, thậm chí dẫn tới việc không học, không đi làm việc.

“Nói các ngành học trên 'vô dụng' là sai. Học ngành gì cũng phải bỏ công sức để có kiến thức và kinh nghiệm sẽ tốt hơn nhiều so với việc không học.

Không học không có kiến thức và kinh nghiệm, những người thành công thường học tập đàng hoàng hoặc phải bỏ công sức rất nhiều cộng với chút may mắn”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cho rằng, ở khía cạnh hướng nghiệp, định hướng ngành nghề cho học sinh, nhà trường sẽ căn cứ vào những thống kê trong đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và có việc làm để đánh giá các xu hướng nghề nghiệp phù hợp.

“Là trường có đào tạo các ngành này, chúng tôi cũng mong muốn các chuyên gia, cá nhân có nhận định, chia sẻ về xu hướng ngành nghề, định hướng công việc một cách tổng thể, mang tính định hướng cho các bạn trẻ nhiều hơn.

Từ đó có thể làm rõ những cốt lõi, bản chất của vấn đề, không nên chia sẻ, trao đổi chung chung hay cá nhân hóa để làm ảnh hưởng đến định hướng tương lai lâu dài của một con người”, bà Bích nói.

Theo bà Bích, các trường đại học, cao đẳng, kể cả trung cấp khi đào tạo một học sinh, sinh viên, mục tiêu hướng đến là mang đến cho người học kiến thức chuyên môn, khả năng thực hành, thực nghiệp khi ra trường.

Việc người học tiếp cận khối kiến thức, khả năng thực hành mà trường, đơn vị đào tạo sẽ là nỗ lực không ngừng nghỉ ở mỗi cá nhân.

Vì vậy nếu đánh giá ngành học, nghề học nào đó “vô dụng” chúng ta đang đánh giá chưa tích cực ở cả hai chiều, người học và cơ sở đào tạo.