Tú bên những sản phẩm của mình
Nữ thạc sĩ cho biết làm hết công suất nhưng vẫn không đủ hàng giao cho khách vào dịp Tết và đành hẹn lại sau Tết mới giao kịp.
Cô chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ
Tú chia sẻ rằng: "Làm nghề này đòi hỏi tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo đổi mới liên tục để ra nhiều sản phẩm mới, lạ. Hơn nữa, một điều vô cùng quan trọng là phải thổi hồn vào từng cánh hoa, cành lá, kể cả những chi tiết nhỏ nhất để sản phẩm sinh động”.
Tú kể, 3 năm trước xem trên mạng thấy hoa đất sét đẹp rồi dần tìm hiểu. Sau đó, đặt mua nguyên liệu, vật dụng từ TPHCM để làm thử. Lúc đầu, những cánh hoa chẳng ra màu mà cũng chẳng thành hình vì chưa biết xử lý độ ráo cho đất hay phối màu phù hợp. Sau nhiều lần thất bại và cuối cùng đã thành công, những chậu hoa tinh xảo lần lượt ra đời.
Cẩm Tú tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, sau đó cô học tiếp lên Thạc sỹ Tài chính ngân hàng (ĐH Cần Thơ) rồi về làm việc ở tỉnh Hậu Giang. Tháng 7/2020 cô quyết định xin nghỉ việc sau 4 năm để trở về nhà khởi nghiệp từ hoa đất sét.
Từ nhỏ Cẩm Tú đã thích vẽ, lúc rảnh rỗi lên mạng tìm hiểu, làm thủ công và tìm nguyên liệu từ đất sét. Ngày qua ngày tình yêu và niềm đam mê càng lớn dần, cô quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để thỏa niềm đam mê của mình.
Mâm trái cây ngũ quả từ đất sét
Mẹ Cẩm Tú phụ con nặn đất sét
Theo Tú, một trong những bí quyết để thành công chính là ở hai công đoạn pha đất và pha màu. Cụ thể, đất cán xong phải để đến độ ráo vừa phải, không bị nhão thì khi tạo hình mới chính xác, còn pha màu phải đúng với màu thực tế của loài hoa, cây muốn thể hiện.
Từ khi bắt đầu làm đến nay Tú đã tạo ra cả nghìn sản phẩm các loại, giá bán thấp nhất là 30.000 đồng/sản phẩm, còn cao nhất là 7,5 triệu đồng. Đó là chậu mai mà cô mất gần nửa tháng mới hoàn thành.