Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2018-2019, cả nước còn thiếu 49.000 giáo viên mầm non. Một số tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên như: Đồng Nai, Nam Định, Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Cá biệt, tỉnh Sơn La còn thiếu hơn 3.300 giáo viên mầm non; hai tỉnh Bình Dương, Thanh Hóa mỗi tỉnh còn thiếu hơn 2.800 giáo viên mầm non; tỉnh Vĩnh Phúc thiếu 2.300 giáo viên mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, việc thiếu giáo viên mầm non dẫn đến những áp lực lớn cho giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Một số giáo viên mầm non năng lực nghề nghiệp còn hạn chế, chưa khắc phục được những hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất; yếu kỹ năng sư phạm và cách xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Trong khi đó, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp. Một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là trường mầm non ở khu vực có khu công nghiệp.
Cả nước có gần 200.000 phòng học mầm non; trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75%, tăng hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Số phòng học tạm là gần 5.200 phòng, giảm hơn 1.500 phòng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhiều nơi còn thiếu phòng học để huy động trẻ đến trường, điển hình như tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 900 phòng học, Cà Mau thiếu hơn 800 phòng học, Hải Dương thiếu hơn 400 phòng học, Sơn La thiếu gần 400 phòng học, Kiên Giang thiếu gần 300 phòng học...