Mùa dịch này: Sao làm gì ở nhà? Cuộc sống giữa những ngày đại dịch ra sao? Có những kế hoạch gì sắp tới?
“Vẫn là em đây” - Chuyên đề đặc biệt giúp bạn update trực tiếp cuộc sống của các sao trong mùa dịch năm nay. Không chỉ trò chuyện, sẽ còn có những thử thách đặc biệt được đặt ra để gây một chút khó dễ với các ngôi sao đã lâu chúng ta không được gặp mặt!
(Toàn bộ hình ảnh trong bài viết được nhiếp ảnh thực hiện qua Facetime, và video clip được ghi hình qua Zoom).
Nếu giãn cách xã hội và ở nhà lâu ngày làm bạn cảm thấy tồi tệ, tôi khuyên bạn nên vào Facebook hoặc Insta của Tóc Tiên. Có thể bạn sẽ tìm được một công thức nấu ăn mới, một chút năng lượng tích cực mới, một vài story về mèo khiến bạn mỉm cười, hay đơn giản chỉ là sự đồng cảm khi biết được: Ở đâu đó, có một ngôi sao cũng lầy lội và lười biếng đi qua mùa dịch… như mình.
Những ngày này của Tiên thế nào? Mọi chuyện vẫn ổn chứ?
Thật ra cuộc sống của Tiên trong suốt 2 tháng nay rất rất bình thường. Trước đó, Tiên vừa kết thúc một dự án phim và đang comeback với âm nhạc một chút thì bùng dịch.
Hàng ngày, Tiên dậy lúc 6h sáng. Việc đầu tiên trong ngày là xuống nhà, làm bữa sáng và cho mèo ăn. Sau đó sẽ là thời gian dành cho một ly cafe. Đó là một thói quen, một dạng như lifestyle không thể thiếu được, chứ không hẳn là vì Tiên nghiện cafe đâu. Sau đó thì Tiên… ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây. Hôm nào mưa thì ngồi ngoài vườn lâu hơn một chút, nắng quá lại chui vào nhà coi từ thời sự tới phim.
Nghĩ hôm nay ăn gì, lên thực đơn ăn uống cũng là một đầu việc quan trọng. Nhà chỉ có 2 người nên việc nấu ăn cũng đơn giản và gọn lẹ. Hôm nào chủ đề là heo thì làm thịt heo cho cả ngày, cá thì cả ngày ăn cá, gà bò cũng vậy. Bây giờ là ăn để sống chứ không phải sống để ăn nữa, nên Tiên nấu hết trong buổi sáng và chiều chỉ cần cho lại hết vào lò vi sóng. Trước đây, buổi chiều Tiên hay dành để thu âm, nhưng giờ đang dịch sẽ không có người bấm máy thu âm tại nhà nên Tiên phải gác việc đó lại. Thay vào đó, Tiên dành thời gian ngồi coi YouTube, search một vài công thức bánh mới dễ làm, hoặc công thức pha cafe mới vì pha hoài một món cũng ngán. Nhà Tiên ăn tối sớm, nên từ 4h30 đến 5h là xong hết các bữa, sau đó sẽ xem TV một tí là hết ngày. Không có gì nhiều, chuỗi ngày cứ lặp đi lặp lại vậy thôi.
Mọi người thường hay khoe những ngày giãn cách làm việc hiệu quả, nấu nướng cả ngày, tập tành nghiêm túc, học một điều gì đó mới, không lãng phí một phút giây nào… - vậy kỳ giãn cách của chị có hiệu quả như thế không? Hay sự thật là…
Có chứ! Kỳ giãn cách năm ngoái Tiên cũng quyết định dành thời gian để học cái gì đó mới. Và Tiên quyết định sẽ học tiếng Hàn! Tiên học cũng khá chăm chỉ đấy, có mời cả giáo viên tới nhà dạy nữa (vì đợt dịch năm ngoái cũng không quá nặng nề). Nhưng mới học được chút xíu thì Tiên lại vướng phim ảnh nên lại phải ngưng hoàn toàn. Năm nay, dịch kéo dài hơn và cũng khó lường hơn, những giới hạn cũng nghiêm ngặt hơn, thế nên Tiên bắt đầu… lười. Mọi người ơi, Tiên rất cảm thông và cảm kích những bà nội trợ. Tại sao mọi người có thể vừa chăm sóc nhà cửa, nấu ăn cả ngày, sáng nghĩ một món, trưa một món và tối một món nữa? Trời ơi, Tiên cũng là người biết nấu ăn nhưng nấu 2 người nó khó ở chỗ là không thể nấu nhiều vì không ai ăn, nhưng nấu ít thì nồi cơm… không nhận được gạo. Quá nhiều vấn đề và Tiên cứ phải xà quần với những vấn đề đó mà cũng mất hết cả ngày.
Thời gian đầu, Tiên cũng tập tành rất chăm chỉ. Đợt chưa giãn cách căng thẳng, Tiên cũng có đạp xe 2-3 bữa/ tuần. Nhưng bây giờ thì không được ra ngoài nữa, nên ngoài nấu nướng ra thì Tiên chỉ… nằm thôi. Tiên cũng có cố chiêm nghiệm về cuộc đời đấy, thử đọc sách nữa, nhưng thật sự nó rất là… buồn ngủ. Rõ ràng, bình thường đầu óc mình hoạt động rất nhanh, nhưng chẳng hiểu sao đọc vài dòng mà không vào đầu được, có khi nào là do tuổi tác không ta?
Ngoài ra, một hoạt động khác của mình dịch này là: Lấy đồ ship! Đây là một hoạt động nổi trội trong những ngày tháng gần đây. Cũng may là Tiên ở nhà mặt đất, nên việc nhận đồ ship đơn giản hơn rất nhiều so với ở chung cư.
Lại nhắc đến đồ ship, món đồ vớ vẩn nhất mà chị đã mua trên các sàn thương mại điện tử là gì?
Tiên mua nhiều quá và thật sự rất tự tin là mình có rất nhiều kinh nghiệm trong việc này. Giờ là giai đoạn bớt mua những món nhảm nhí lại và tập trung vào những gì mình thực sự cần thôi. Nhưng, món gần đây nhất mà Tiên mua xong và cảm thấy hơi hối hận, đó là bộ khuôn làm kem các bạn ơi…
Tiên đọc trên mạng, có một công thức làm kem rất rất đơn giản thôi, nhưng thấy cũng ok nên ngay đêm đó Tiên order ngay lập tức, giao hỏa tốc ngay ngày hôm sau! Nhưng chỉ qua một đêm thôi, sáng hôm sau ngủ dậy là Tiên hối hận liền. 5 thì 10 họa mới ăn kem, Tiên còn không nghiền kem nữa, hết dịch ra ngoài mua thì đầy luôn. Giờ lại mua về rồi bày ra, dơ hầy… Đó, khuôn làm kem chính là món gần đây làm Tiên hối hận nhất.
Lại nói đến những món đồ vớ vẩn. Hôm trước, cũng 11h đêm, Tiên coi người ta trồng cây vui quá nên cũng quyết định là order một đống đồ hạt giống, đất, chậu, xúc, xơ dừa,... đủ hết! Order ngay trong đêm! Ship hỏa tốc! Tiên đinh ninh nghĩ là ngay hôm sau sẽ tới thôi, nhưng 1 tuần trôi qua rồi chưa thấy đâu. Vậy là mất hứng, từ bỏ luôn sự nghiệp trồng cây của mình. Thôi thì cây cối hãy tự sống đi, tui phải… sống đời mình trước đã.
Tiên có vẻ là một người rất biết tìm niềm vui cho cuộc sống của mình… Có khi nào xung quanh không có gì vui, Tiên tự lầy để mua vui cho mình không?
Tiên vốn rất nhiều năng lượng. Thế nên đợt này ở nhà, Tiên cũng phải tìm cách giải tỏa năng lượng đó. Coi YouTube với show nấu ăn nhiều quá nên Tiên hình thành một thói quen đó là tự thuyết minh lúc nấu ăn. Dù không ai quay lại và cũng chẳng ai coi, nhưng Tiên vẫn nhập vai như một YouTuber đích thực, vừa nấu vừa tự độc thoại cho mình nghe.
Hoặc nếu không độc thoại khi nấu ăn, thì một cách để giải tỏa nguồn năng lượng dư thừa nữa là Tiên sẽ độc thoại với… 3 con mèo. Tiên giả định luôn là tụi nó đang nói chuyện ngược lại với mình dù chính Tiên là người chọn câu trả lời cho tụi nó luôn.
Vậy ở nhà lâu quá, có khi nào Tiên bị ngán đến mức không muốn nhìn mặt "bạn cùng nhà" không?
Tiên hiểu cảm giác đó. Mùa dịch năm ngoái, Tiên vẫn còn ở chung cư thì đúng là vô cùng bí bách. Nhưng chính vì hiểu nên cả hai dành khá nhiều không gian riêng cho nhau. Năm ngoái, anh phải thuê một phòng khác để làm studio nên gần như dành hết thời gian ở đó, chỉ về nhà ăn uống và nghỉ ngơi, sinh hoạt như một ngày đi làm bình thường. Hơn nữa, thường anh cũng chỉ ở nhà làm việc trong studio chứ không phải ra ngoài nhiều nên việc cả 2 ở nhà trong một thời gian dài không phải điều gì quá lạ lẫm.
Năm nay, việc ở nhà mặt đất lại trở thành một may mắn khi có nhiều không gian riêng hơn. Anh vẫn chủ yếu sinh hoạt ở studio và phòng gym, Tiên "đóng đô" trong bếp và phòng ngủ. Sự bố trí đó trộm vía rất hòa bình. Việc nhà cũng được phân bổ đều, anh sẽ chăm cây thì Tiên chăm mèo, Tiên nấu ăn thì anh rửa bát.
Đã bao giờ hai người đổi vị trí cho nhau chưa? Homie đứng bếp và chị… đứng nhìn.
Anh biết nấu ăn và mấy lần Tiên than mệt, anh cũng nói để anh nấu. Nhưng các bạn ơi,Tiên bị OCD trong mọi khu vực của mình, đặc biệt là nhà bếp. Tiên… khó chịu khi có người nào vào đó bày biện trong cái bếp của mình, rồi đặt đồ không đúng chỗ. Người ta làm và người ta chắc chắn sẽ dọn thôi nhưng Tiên sẽ phải đứng canh, để rình coi xem cái món đồ nào đang không đúng vị trí để đi… đặt lại. Riết rồi Tiên lại nói để Tiên nấu cho rồi, đứng giải thích cái này ở đâu, cái kia ở đâu - mất hết thời gian.
Hỏi mấy câu vui vui rồi, giờ sâu sắc chút nè! Trải nghiệm khó khăn nhất trong mùa dịch này với Tiên là…
Điều này không hẳn là khó khăn, nhưng là điều luôn lấn cấn trong lòng Tiên. Suốt 1 tháng đầu, Tiên thấy mọi chuyện bình thường. Nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày lên mạng, đọc báo, dù đã cố không chọn đọc những tin tiêu cực nhưng chỉ nhìn vào con số của Sài Gòn mỗi ngày một tăng lên cũng đủ làm Tiên suy nghĩ rất nhiều. Nhất là những lúc vô tình đọc phải những câu chuyện về người lao động đang rất khổ cực ngoài kia. Điều đó làm Tiên nặng lòng. Nhưng rồi Tiên lại phải tự suy nghĩ, tự nói chuyện, tự thỏa hiệp với bản thân: Ok, ráng cố thôi!
Ngay cả người lạc quan nhất cũng khó để nói rằng mình lạc quan trong thời điểm này. Tiên không khuyên mọi người hãy lạc quan hơn hay vui lên, bởi làm sao ta có thể vui nổi với những gi đang diễn ra ngoài kia? Chúng ta đang rất may mắn khi không phải thức dậy và đối diện với câu hỏi: Hôm nay ăn gì? Tiền đâu mà ăn? Nên nếu có thể chia sẻ, thì Tiên mong mọi người hay thích nghi được với hoàn cảnh này.
Trong những ngày tăm tối, người ta thường nghĩ đến những điều mình biết ơn…
Tiên nghĩ, điểm sáng trong 2 tuần qua chính là cách mà cả thành phố cùng chung tay giúp đỡ lẫn nhau. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít lại đùm lá rách nhiều.
Tiên có đọc mẩu tin về một anh shipper rất nghèo và phải nuôi con, nhưng vẫn giúp đỡ người tử tù bằng một tấm lòng tử tế nhất. Các anh chị em nghệ sĩ cùng chung tay tương trợ lẫn nhau, các Mạnh thường quân, các y bác sĩ,... Nhà Tiên ở ngay gần một bệnh viện thu dung, nên Tiên có thể hiểu phần nào cuộc chiến căng thẳng của hàng nghìn con người đang cố gắng trong đó để mình có thể ở nhà. Đó là tất cả những điều tốt đẹp để mình nhìn vào và tiếp thêm niềm tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi chuyện.
Người ta cũng thường rút ra cho mình những bài học khi đối mặt với khủng hoảng. Vậy Tiên có tìm thấy một bài học nào cho mình chứ?
Cách đây vài hôm, Tiên cũng có nghĩ về việc này. Tiên vẫn nói với bạn bè của mình: Xã hội sẽ luôn có người này người kia và con người sẽ luôn lướt qua điều tốt mà chỉ tập trung chú ý vào điều xấu. Nên thôi, hãy cố gắng tin ở nhau. Hãy giữ niềm tin nơi sự tử tế và lòng tốt của nhau. Và đó chính là bài học lớn nhất mà Tiên học được.
Còn một bài học nữa Tiên đã tự đúc kết từ lâu rồi và lại càng cảm thấy nó đúng hơn: Trong mọi hoàn cảnh, người nào thích nghi được thì sẽ là người sống sót. Hãy thích nghi tốt nhất có thể, thậm chí tìm mọi cách để thích nghi. Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với đại dịch chứ không thể chấm dứt nó hoàn toàn. Cả thế giới đang làm vậy, và bây giờ chúng ta cũng cần phải xác định điều đó để sống tiếp.
Vậy những biến cố có mang đến cho Tiên sự thay đổi nào không?
Tiên thấy mình không thay đổi quá nhiều vì cũng là một người có nhiều trải nghiệm. Mọi người hay nói sống chậm hơn sau dịch, nhưng trước dịch Tiên cũng sống chậm rồi nên giờ còn sống… chậm hơn.
À, Tiên nghĩ ra rồi. Trước đó, Tiên không phải là một người quá thiên về vật chất. Nhưng như một lần Tiên có chia sẻ, Tiên bỗng nhận ra là mình có rất nhiều món đồ thừa thãi và sự hiện diện của nó là vô nghĩa trong hoàn cảnh này. Tiên không nói cụ thể là món đồ nào, nhưng Tiên đã có nhiều sự tiêu thụ vô nghĩa. Và Tiên quyết định biến sự vô nghĩa của mình thành điều có nghĩa hơn cho những cộng đồng khác. Và đó là trải nghiệm khiến Tiên thấy rằng: À, mình có ích hơn là chỉ ngồi im ở nhà.
Thậm chí, trước đây có nhiều người mà Tiên vì những mối quan hệ cá nhân nên không có một cái nhìn thiện cảm lắm về họ. Nhưng trong những ngày này, nhìn những sự san sẻ, những việc họ làm cho cộng đồng cũng khiến Tiên nhìn về họ khác đi. Nói là yêu thương nhau nhiều hơn thì hơi sến, nhưng những điều đó khiến Tiên bao dung hơn và gạt qua những cảm xúc xấu xí để nhìn về một cái chung. Đó là chúng ta đang cùng cố gắng để mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn.
Bước qua kỳ giãn cách, qua đại dịch, Tiên sẽ nhớ điều gì nhất về những ngày này?
Tiên nghĩ không chỉ riêng mình, mà ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Mọi điều ta nghe về đại dịch đều nằm ở quá khứ, trên sách vở từng học, là một thứ rất xa vời. Nó là trải nghiệm một lần trong đời, và giờ đây, chúng ta đang cùng trải qua và sau này sẽ kể lại với chính con cháu của mình (đừng thêm lần nào nữa, chắc chớt).
Nhưng nếu để nói về một điều Tiên nhớ, thì chắc là vì Tiên trước giờ sống chậm còn mọi người xung quanh sống nhanh quá nên Tiên thấy mình hơi bị thụt lùi. Nhờ đợt dịch này mà Tiên thấy, ai cũng chậm... giống mình. Tiên sẽ nhớ cảm giác một ngày thức dậy mà không phải suy nghĩ về việc sẽ làm gì tiếp theo với sự nghiệp của mình. Tiên vẫn có những kế hoạch, cũng có những ấp ủ, mọi thứ vẫn đang chạy đều, chỉ là nó không ở trong một cái guồng quay và mình không có nỗi sợ rằng nếu mình rời guồng quay đó thì mình sẽ bị tụt lại đằng sau. Mọi người đều đang phải chậm lại như nhau nên… ok tàng tàng chút cũng được. Đó chính là điều Tiên thấy đáng nhớ nhất.
Vậy nếu hết giãn cách, Tiên sẽ đi đâu đầu tiên?
Tiên sẽ không nghĩ đến việc đi nước nào đâu, Tiên sẽ đi Việt Nam trước. Cách đây mấy hôm, Tiên có nói chuyện với anh nhà về việc: Đại dịch khiến Tiên có một thôi thúc là sau khi hết dịch, có những gì mà Tiên không dám làm thì Tiên sẽ dám làm hơn. Bản thân Tiên cũng là một người thích thử thách rồi, giờ lại càng muốn trải nghiệm nhiều hơn nữa vì mình đâu biết được rằng liệu cơ hội ấy còn đến nữa hay không?
Đi xuyên Việt là một kế hoạch, một trải nghiệm mà cả anh lẫn Tiên đều muốn. Nghe thì nó rất bình thường đúng không, nhưng Tiên tin rằng nhiều người chưa có trải nghiệm đó. Tiên muốn một lần trong đời phải được đi xuyên Việt, muốn đi dọc hết bờ biển Việt Nam để biết đường bờ biển nước mình đẹp tới cỡ nào, tới những thị trấn, những thành phố mình chưa từng ghé qua. Rồi ra thăm Hà Nội nữa, trời ơi đã rất lâu rôi Tiên không được đi Hà Nội, Tiên nhớ Hà Nội rất nhiều.
Câu hỏi cuối cùng rất nhạt nhẽo: Tiên có gì muốn dặn dò bạn đọc trong những ngày này không?
Cuối tháng 5, có một lần Tiên và anh đi siêu thị. Về nhà đọc báo mới thấy tin: Những ai đi siêu thị đó vào ngày này thì phải khai báo y tế vì có F0 ở gian hàng này. Cả hai vợ chồng mới sững lại, lúc đó là lần đầu tiên trải qua cảm giác rối ren thực sự. Dịch đang ở kế bên mình luôn và dù trước đó, mình là người cực kỳ cẩn thận và tự tin vì đang sống trong một khu khá biệt lập. Lúc đó, Tiên mới thấy rằng mọi chuyện không chủ quan được nữa rồi. Tự dưng Tiên mới hiểu cảm giác băn khoăn lúc… khai báo y tế.Xin thề với mọi người, hết sức thông cảm nha vì lúc đó Tiên hoang mang quá. Chết cha rồi, mình khai báo y tế ở đâu đây? Phường nào? Siêu thị ở một phường, nhà lại ở một phường khác nữa, rồi cả trang khai báo online của chính phủ nữa? Thế là hai vợ chồng khai liền 3 nơi luôn, hoàn thành mọi thủ tục để cho mình yên tâm trước đã. Mình đã nói với mọi người là phải có trách nhiệm mà giờ mình không làm là không được.
Đó thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ và từ đó trở đi, Tiên không dám chủ quan nữa, không dám đi nơi đông người. Kể lại câu chuyện này, để nhắc mọi người điều đó, hãy cẩn thận và giữ sức khỏe của mình. Trong thời điểm hỗn loạn về tất cả mọi nguồn thông tin, hãy chắt lọc, loại bỏ bớt những thông tin tiêu cực và giữ cho mình bình tĩnh là điều khó khăn cực kỳ, nhưng hãy cố gắng bình tĩnh và tỉnh táo trong mọi tình huống nha!
Cảm ơn Tiên vì cuộc trò chuyện thú vị này và chúc Tiên vượt qua mùa dịch an toàn và lạc quan!