Bi kịch thầm lặng của “trẻ vệ tinh”
Xiaozhou, 24 tuổi, hiện là sinh viên năm hai tại một đại học hàng đầu ở bang California, Mỹ. Nhìn lại hành trình trưởng thành của mình, cậu cảm thán: “Tôi thấy mình như một con chó hoang, không có mái nhà thực sự.”
Sinh ra ở Mỹ, mới hai tháng tuổi, Xiaozhou đã bị gửi về Giang Tô (Trung Quốc) để ông bà nội chăm sóc. Mãi đến năm lớp 8, cậu mới trở lại Mỹ.

Ảnh minh họa
Trong thời gian sống với ông bà, cậu được nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy. Điều đó khiến cậu thiếu tính kỷ luật và hoàn toàn không có sự chuẩn bị cho cú sốc văn hóa khi trở lại với cha mẹ ruột.
Xiaozhou miêu tả cha mẹ là những người lạnh lùng, nghiêm khắc, thường xuyên chỉ trích cậu “không hiểu chuyện” mà không ai hướng dẫn cách hòa nhập lại với gia đình.
Cậu cũng không thể thích nghi với môi trường học đường: bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và khoảng cách trong mối quan hệ ruột thịt khiến cậu lạc lõng, sa sút tinh thần, dành phần lớn thời gian chơi điện tử.
Sau khi vật lộn để tốt nghiệp trung học, Xiaozhou theo học một trường cao đẳng cộng đồng, nhưng từng phải tạm nghỉ một năm vì trầm cảm.
Chỉ khi trưởng thành về tâm lý, cậu mới dần tìm lại bản thân và thi đỗ đại học danh tiếng. “Tôi từng tự hỏi: có phải cha mẹ không cần tôi không, khi mới sinh ra đã gửi tôi đi?”
Một thế hệ trẻ em lớn lên trong chia cắt
Hiện tượng “trẻ vệ tinh” (satellite babies) khá phổ biến trong các gia đình nhập cư gốc Hoa. Họ gửi con sơ sinh về Trung Quốc nhờ người thân nuôi, chỉ đón về Mỹ khi đến tuổi đi học.
Những đứa trẻ này hầu như không biết tiếng Anh, khó hòa nhập học đường và thiếu gắn bó với cha mẹ ruột, dẫn đến cảm giác cô lập và khó khăn tâm lý.
Bà Qin Huiyi – phụ trách giáo dục tại tổ chức Từ Tế ở New York – cho biết, sau đại dịch, hơn một nửa học sinh tại lớp học sau giờ ở Brooklyn 160 là “trẻ vệ tinh”.
Các em trở lại Mỹ khi đến tuổi đi học, nhưng rất khó bắt kịp ngôn ngữ và kiến thức, gặp nhiều khó khăn khi thích nghi.

Những đứa trẻ vệ tinh gặp phải tổn thương tinh thần sau khi quay trở về với bố mẹ. Ảnh: QQ News
Theo bà Nicole Huang – người sáng lập Hội phụ huynh tương trợ ở New York – hơn một nửa trong hơn 1.000 hội viên của tổ chức là các em từng sống xa cha mẹ. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong cộng đồng Phúc Châu, nơi việc gửi con về quê gần như là điều thường thấy.
Bà Iris Wu – đồng sáng lập Hội phụ huynh – cho biết, nhiều gia đình nhập cư không có giấy tờ hợp pháp, sống chật chội và gặp khó khăn tài chính, không thể tạo điều kiện sống phù hợp cho con. “Gửi con về Trung Quốc là lựa chọn bất đắc dĩ.”
Những vết sẹo vô hình và hành trình hàn gắn
Tuy nhiên, sự chia ly sớm để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Bà Shaobing Su, phó giáo sư tại Đại học Massachusetts (UMass), là học giả đầu tiên được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ để nghiên cứu về “trẻ vệ tinh”.
Qua khảo sát 24 gia đình, bà phát hiện nhiều trẻ mới trở lại Mỹ có biểu hiện thoái lui như chán ăn, mất ngủ, tiêu chảy, thậm chí mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Một số có hành vi cắn người, vô cớ khóc lóc hoặc nghiện thiết bị điện tử khi đến tuổi dậy thì – biểu hiện của sự bất mãn với thế giới thực.
Sự thiếu gắn bó tình cảm với cha mẹ là nguyên nhân gốc rễ. Bà Su cho biết, có em dù đã là thiếu niên vẫn không ngủ được nếu không có cha mẹ bên cạnh.
Bà nhấn mạnh: thay vì chỉ chăm chăm vào hành vi bề ngoài, cha mẹ nên hiểu những tổn thương bắt nguồn từ sự vắng mặt của chính họ trong những năm tháng đầu đời của con.
Tác động tiêu cực từ việc chia cách đôi khi gây hậu quả bi thảm. Bà Nicole Huang dẫn ví dụ một vụ việc chấn động: một người mẹ họ Li ở Brooklyn đã nhấn chìm con gái hai tuổi đến chết.
Bên cạnh đó là hàng loạt trường hợp trẻ vị thành niên gặp khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, dẫn đến đánh nhau, tự làm hại bản thân.

Nhiều bậc cha mẹ vì quá nghiêm khắc nên những đứa trẻ vệ tinh thường gặp về những vấn đề tâm lý. Ảnh: Aeon.co
Bà Iris Wu cho rằng nhiều cha mẹ đổ hết lỗi cho con. Khi con được chẩn đoán mắc ADHD, họ ép con uống thuốc mà không hề tự vấn liệu sự chia cách từ nhỏ có phải một phần nguyên nhân. Họ ít khi nghĩ đến việc chính mình đã từng bỏ rơi con.
Dẫu vậy, mọi thứ vẫn có thể thay đổi. Bà Nicole Huang kể về một phụ huynh từng gửi con về Trung Quốc. Khi con bước vào tuổi dậy thì thì mắc trầm cảm nặng, vì luôn cảm thấy mình không được cha mẹ coi trọng – nhất là khi em có thêm một đứa em gái được mẹ tự tay nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, người mẹ này đã chủ động hợp tác với nhà trường và đội ngũ trị liệu, tham gia tư vấn và hoạt động cộng đồng. Nhờ vậy, tâm lý của con được cải thiện, học hành tiến bộ.
Bà Qin Huiyi nhấn mạnh, ngoài thành tích học tập, cha mẹ cần chú trọng giáo dục đạo đức và cảm xúc. Thông qua các khóa học về nhân cách, học sinh từng xa cách với cha mẹ học được cách bày tỏ cảm xúc và lấy lại sự tự tin.
Theo bà Shen Hui – Giám đốc Quỹ Từ thiện Hội Y tế người Mỹ gốc Á – hiện nay các nguồn lực hỗ trợ “trẻ vệ tinh” còn rất hạn chế. Người gốc Á thường bị gắn nhãn là “nhóm kiểu mẫu”, nhưng thực tế họ gặp vô vàn khó khăn: rào cản ngôn ngữ, khủng hoảng tâm lý, bất lực trong cách nuôi dạy con.
Bà kêu gọi chính phủ Mỹ quan tâm hơn đến sức khỏe tâm lý thanh thiếu niên trong gia đình nhập cư, cung cấp dịch vụ song ngữ và hỗ trợ văn hóa để giúp các em vượt qua giai đoạn chuyển tiếp đầy thử thách.
“Vai trò của cha mẹ không thể thay thế. Chỉ khi có sự thấu hiểu và kết nối, mới có thể bù đắp những năm tháng đã mất”, bà nói.
(Theo QQ News)