Tôi thà độc thân đến già chứ không lấy người đàn ông nghèo

Đây là lời thú tội của một phụ nữ 33 tuổi, sau khi bị người nhà liên tục hối thúc chuyện cưới xin.

Một số phụ nữ khi bước sang tuổi 30 vẫn chưa chịu lấy chồng thường được gia đình xem như “quả bom nổ chậm” trong nhà. Gia đình liên tục đưa những lý do để ép buộc họ kết hôn, thậm chí còn nói rằng “thà kết hôn rồi ly hôn còn hơn là ế tới giàl”.

Có không ít phụ nữ rơi vào hoàn cảnh như vậy, họ chưa từng nghĩ tới chuyện cưới xin, chỉ muốn tận hưởng cuộc sống độc thân của mình. Nhưng cũng có những số khác dù muốn lấy chồng nhưng vì họ chưa chọn được đối tượng ưng ý nên cứ trì hoãn mãi.

Rõ ràng, những phụ nữ kiểu này hiểu biết về bản thân rất rõ, không ảo tưởng về hôn nhân, có yêu cầu thực tế về việc chọn bạn đời. Nếu không tìm được người đáp ứng được các tiêu chí của mình, họ nhất quyết không chọn vội một ai đó để kết hôn.

“Nếu muốn lấy tôi, họ phải có mức lương hằng năm khoảng 1,7 tỷ đồng”

Tôi có một người bạn cấp 3, năm nay cũng đã 33 tuổi, độc thân. Cách đây không lâu, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau và có dịp nói chuyện trong 2 ngày. Khi hỏi về lý do vì sao ở độ tuổi này vẫn độc thân, tôi mới bàng hoàng nhận ra cô ấy quá đòi hỏi về chồng tương lai.

Tiêu chí chọn bạn đời của cô ấy là: “Một người đàn ông có mức lương hằng năm khoảng 1,7 tỷ đồng. Tôi thà ế đến già còn hơn lấy một người nghèo”.

Tiêu chí của cô ấy vấp phải phản đối gay gắt từ phía gia đình. Họ cảm thấy rằng, cô là người sống quá vật chất. Dù sao, cô cũng đang làm việc ở thành phố, chỉ cần kiếm một người phù hợp, không cần quá giàu, yêu thương nhau thì cũng đã vẹn toàn rồi. Một cuộc hôn nhân đề cao vấn đề tiền bạc quá thường không có kết cục tốt đẹp.

Khi nghe những lời chỉ trích từ phía gia đình, cô ấy hỏi tôi rằng: “Tôi có gì sai không khi không muốn kết hôn với một người đàn ông nghèo”.

Trong 2 ngày nói chuyện, tôi chia sẻ quan điểm cho cô ấy nghe về hôn nhân và tình yêu. Tôi thấy rằng vấn đề không phải là đúng hay sai, mà quan điểm về hôn nhân của cô ấy đang đi chệch hướng.

Cô luôn cảm thấy việc mẹ cô lấy cha cô là sai lầm. Vì cha nghèo, không có khả năng kiếm tiền nên mới khiến mẹ cô sống khổ sở với ông cả đời.

Cô chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình của mình: “Tôi và em trai sống trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo, ngày Tết chẳng bao giờ có quần áo mới để mặc. Nhìn những đứa trẻ khác có đồ mới, tôi từng cãi nhau với mẹ tại sao mình cứ phải mặc đồ cũ hoài. Lúc đó, mẹ tôi đau khổ tới mức bật khóc nức nở. Tôi biết bà thương chúng tôi lắm. Người mẹ nào mà chẳng thương con, mong con có được bộ quần áo mới ngày Tết. Trong khi đó, cha tôi chẳng bao giờ đoái hoài đến việc gia đình mình có đủ tiền đủ mua gạo hôm nay không. Mỗi lần thấy vợ mình khóc vì khổ sở thiếu ăn thiếu mặc, ông xem những giọt nước mắt đó là đạo đức giả.

Khi tôi và em trai lớn dần, không cần ai trông coi nữa thì mẹ tôi đi làm ở một nhà máy gần nhà. Mỗi ngày kiếm được 100 nghìn, nhà tôi không còn lo cảnh chạy ăn từng bữa nữa. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết tiền tiêu vặt là gì”.

Khi nhắc về tuổi thơ của mình, cô ấy rất xúc động. Tôi hiểu rằng, khi lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, đàn ông trụ cột trong nhà mà không làm ra tiền sẽ khiến vợ con khổ sở vô cùng. Đó cũng là lý do khiến cô khao khát lấy được một người đàn ông giàu có, để có thể thoát khỏi những ám ảnh trong tuổi thơ.

Sau khi đi làm, một người đồng nghiệp của cô kể về tình yêu của bố mẹ mình. Gia đình đồng nghiệp này rất giàu có, người chồng rất lãng mạn, hay tặng hoa cho người vợ mỗi dịp lễ. Người vợ nghỉ hưu sớm, ở nhà làm nội trợ, tham gia vài lớp học theo sở thích, sống rất vui vẻ mỗi ngày.

Khi nghe kể như vậy, cô cảm thấy rất ghen tỵ với gia đình của người bạn đồng nghiệp, thậm chí còn kiên định với tiêu chí lấy người đàn ông giàu có của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế cô chỉ là một người bình thường, lương cũng chẳng được bao nhiêu, sau khi chi trả tiền thuê nhà và chi phí cá nhân cũng không dư được nhiều. Những đối tượng cô tiếp xúc xung quanh cũng chỉ là những người bình thường, không nổi trội.

Trong khi đó, người đàn ông trong mơ với mức lương 1,7 tỷ đồng có lẽ phải từ cấp bậc giám đốc trở lên. Một người như vậy làm sao cô có cơ hội tiếp xúc, làm quen, huống gì nói tới chuyện kết hôn?

Tôi hiểu rằng, do cô sống trong môi trường khiến bản thân nghĩ rằng, chỉ cần phụ nữ kết hôn với một người đàn ông giàu có sẽ thoát khỏi cuộc sống khổ cực. Nhưng không ai nói với cô rằng, lấy một người đàn ông đáng tin cậy, có động lực, chí cầu tiến, biết cách sống còn tốt gấp trăm lần lấy người đàn ông giàu có.

Có lẽ, những điều mà tôi chia sẻ đã từng có người nói nhưng cô ấy không nghe. Cô ấy tưởng tượng rằng, nếu mình may mắn thì có thể lấy được người đàn ông giàu có và thoát nghèo.

Tôi thực sự cảm thấy tiếc cho cô ấy bởi lẽ, cô ấy vẫn có khả năng lấy được chồng giàu nhưng với điều kiện là bản thân cũng phải trở nên xuất sắc, như vậy mới tương xứng với đối phương.