Trong những bộ phim cổ trang về triều đại nhà Thanh, khi những phi tần hoặc người trong hoàng gia mắc tội, họ thường được phán đưa tới Tông Nhân Phủ. Điểm kỳ lạ là vừa nghe cái tên này, họ kêu khóc rất thảm thiết, thà chết không muốn tới nơi này. Phải chăng Tông Nhân Phủ vô cùng đáng sợ nên những người đó mới có phản ứng như vậy?
Sự ra đời của Tông Nhân Phủ
Thực tế, Tông Nhân Phủ trong lịch sử nhà Thanh không phải là nơi đáng sợ như mô tả trong phim ảnh. Tông Nhân phủ còn gọi Tông Chính phủ hay Tôn Nhân phủ, là cơ quan quản lý nội bộ hoàng tộc thời quân chủ.
Tông Nhân Phủ được thiết lập từ thời nhà Minh, dưới triều đại của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Ban đầu cơ quan này được thành lập với tên gọi Đại Tông Chính viện, sang năm Hồng Vũ thứ 22 (1389), chính thức đổi tên thành Tông Nhân phủ.
Cơ quan này dựa trên cơ sở các cơ quan trước đó như Tông Chính tự của nhà Đường và Thái Tông Chính viện của nhà Nguyên. Dưới triều đại nhà Minh, ban đầu Phủ được đứng đầu bởi một Thân vương. Chức vị trong Tông Nhân Phủ có Tông Nhân lệnh, Tả Tông chính, Hữu Tông chính, Tả Tông nhân, Hữu Tông nhân.
Đây là cơ quan chuyên trách quản lý các sự vụ trong hoàng thất, như đăng ký hộ tịch, tổ chức hiếu hỷ, giáo dục, khen thưởng và phạt trước những sai phạm, cũng như ghi chép công lao, tội lỗi của các thành viên trong gia đình hoàng gia.
Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ chuyển đô đến Bắc Kinh, Tông Nhân Phủ tại Nam Kinh không còn quan trọng và thường chỉ để những người ít ảnh hưởng hoặc già yếu quản lý. Tông Nhân Phủ sau đó được quy về bộ Lễ và không còn do hoàng thất trực tiếp quản lý nữa.
Khi nhà Thanh lên nắm quyền, họ đã kế thừa và mở rộng chức năng của Tông Nhân Phủ, kết hợp chế độ triều Minh với chế độ Bát Kỳ của người Mãn. Cơ cấu Tông Nhân phủ thời nhà Thanh có phân ra phức tạp hơn , thuộc hai phạm trù Đường quan cùng Thuộc quan.
Trong đó, Đường quan gồm người đứng đầu là Tông lệnh, kế đó là Tả Hữu Tông chính, Tả Hữu Tông nhân, Phủ thừa. Còn Thuộc quan gồm Mãn đường chủ sự, Hán đường chủ sự, Kinh Lịch ti Kinh lịch, Tả Hữu nhị ti Lý Sự quan, Tả Hữu nhị ti Phó Lý Sự quan, Tả Hữu nhị ti Chủ sự , Tả Hữu nhị ti Ủy Thự Chủ sự, Tả Hữu nhị ti Bút thiếp thức, Tả Hữu nhị ti Hiệu Lực Bút thiếp thức.
Quyền hạn của Tông Nhân Phủ triều Thanh
Tông Nhân Phủ triều Thanh chịu trách nhiệm quản lý việc sinh hoạt hàng ngày của hoàng tộc, ghi chép nhân khẩu và hộ tịch, và được gia tộc Ái Tân Giác La trực tiếp quản lý. Họ cũng đảm nhiệm việc quản lý người Bát Kỳ sau khi tuyển chọn phi tần và cung nữ từ trong Bát Kỳ.
Tông Nhân Phủ triều Thanh nổi tiếng với việc ghi chép gia phả hoàng thất trong cuốn "Ngọc Điệp", và phụ trách việc đề ra và thực hiện các quy chế của gia tộc, lễ nghi, pháp luật, và chế độ thưởng phạt. Đồng thời, cơ quan này cũng quản lý các công việc liên quan đến tông miếu và tế bái.
Triều Thanh đã học được bài học từ triều Minh về việc quá nhiều thành viên trong hoàng tộc có thể dẫn đến sự suy yếu của vương triều. Họ thiết lập quy định giảm tước vị đối với những quý tộc không lập được công huân, nhằm kiểm soát sự gia tăng của hoàng tộc và giảm trợ cấp từ quốc gia.
Tông Nhân Phủ có quyền xử phạt các thành viên hoàng tộc vi phạm quy tắc, chỉ cần không phạm phải những tội lớn như phản quốc, đầu quân cho địch thì thông thường đều do cơ quan này xử lý chứ không giao cho bộ Hình.
Thế nhưng các hình phạt do Tông Nhân Phủ đưa ra thường không nghiêm khắc như trong phim. Hoàng tử nếu vi phạm sẽ bị giới hạn tự do nhưng vẫn được đối xử tử tế. Cuộc sống hàng ngày của họ vẫn được đảm bảo, thậm chí còn được tuyển phi đình kỳ. Đây giống như là một hình thức đóng cửa bảo nhau, tự xử lý việc nội bộ gia đình.
Như vậy, việc các phi tần hay thành viên hoàng thất trong phim cổ trang gào thét, van xin khi bị đưa tới Tông Nhân Phủ là chưa chính xác.
Tổng hợp