Nền kinh tế năm 2019 tiếp nối những thành công của 2018 chứng kiến nhiều thương vụ đình đám với trị giá lên tới hàng trăm triệu đô ở nhiều lĩnh vực.
Masan và Vingroup đã đi đến quyết định sẽ hợp nhất Vincomerce, VinEco với Masan Consumer Holdings để tạo nên công ty bán lẻ và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với những thương hiệu sở hữu như VinMart, VinMart+, Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi... Trước đó không lâu, Quỹ GIC của Chính phủ Singapore và Credit Suisse đã tiến hành đầu tư 500 triệu USD để mua 16,26% cổ phần của Vincommerce, tức định giá hệ thống bán lẻ này ở mức hơn 3 tỷ USD.
Tập đoàn bia Thái Lan Singha cũng từng định giá Masan Consumer Holding ở mức hơn 4 tỷ USD. Sau 5 năm hình thành và phát triển, VinCommerce hiện là hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô lớn nhất Việt Nam. Thương vụ lần này với Masan được kỳ vọng phát huy tối đa năng lực mỗi bên để tạo thành doanh nghiệp vượt trội.
2. Vingroup huy động 1 tỷ USD từ SK Group
SK Group được đánh giá là một trong những nhà đầu tư Hàn Quốc mạnh nhất đã đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, tập đoàn này đã tiếp tục chi 1 tỷ USD để mua 6% cổ phần của Vingroup, không lâu sau khi đầu tư 400 triệu USD vào Masan Group cuối năm 2018.
Thương vụ với SK chỉ là 1 trong 3 đợt gọi vốn quốc tế năm 2019 của Vingroup ngoài khoản vay quốc tế 360 triệu USD của Vinmec và bán lượng cổ phần VCM (công ty mẹ của Vincommerce) trị giá 500 triệu USD cho nhóm nhà đầu tư GIC/Credit Suisse.
3. KEB Hana và BIDV hoán tất vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng
Mới đây, BIDV đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, tổng số tiền thu về hơn 20.295 tỷ đồng (với giá bán 33.640 đồng/cp). Sau thương vụ này, KEB Hana trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% vốn của BIDV, đồng thời giúp ngân hàng tăng thêm 6.033 tỷ đồng vốn điều lệ, từ mức 34.187 tỷ lên 40.220 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.
Đây chính là thương vụ lớn nhất của một ngân hàng Hàn Quốc vào ngành ngân hàng tại Việt Nam. Trong năm 2019, Vietcombank cũng huy động được gần 300 triệu USD từ phát hành thêm cổ phần cho Mizuho và GIC.
4. SoftBank và GIC đầu tư 300 triệu USD vào VNPAY
Cuối tháng 7, SoftBank Vision Fund cam kết đầu tư tới 200 triệu USD vào VNPAY, trong khi GIC đã đề xuất khoản đầu tư 100 triệu USD. Mặc dù số tiền chính xác không được tiết lộ nhưng đại diện VNLIFE (công ty mẹ của VNPAY) sau đó có xác nhận đã hoàn tất việc gọi vốn từ SoftBank Vision Fund và quỹ GIC.
VNPAY là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng đang vận hành một ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn và đặt vé cũng như các cổng thanh toán khác. VNPAY đã liên kết thành công với hơn 40 ngân hàng Việt Nam, 5 công ty viễn thông và hiện đã có hơn 23.000 điểm chấp nhận thanh toán mã VNPAYQR trên toàn quốc.
5. Vinamilk nỗ lực thâu tóm GTN để tìm động tăng trưởng
Vinamilk trong công cuộc thâu tóm GTNFoods - chủ quản thương hiệu Sữa Mộc Châu đã tiêu hao không ít giấy bút của giới tài chính. Ngày 22/12 vừa qua, Vinamilk đã công bố mua thêm khoảng 79,6 triệu cổ phiếu GTN, chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 43,17% lên 75%. Cùng với đó, Vinamilk được ước tính đã chi ra tổng cộng 3.400 tỷ đồng để thực hiện trọn thương vụ trên.
Việc thâu tóm GTN sẽ mang tại nhiều lợi ích dài hạn cho Vinamilk. GTN đang ghi nhân doanh số bán sữa hàng năm khoảng 107 triệu USD - so với doanh số bán sữa trong nước khoảng 2 tỷ USD của Vinamilk trong năm 2019. Lợi ích thứ 2 của Vinamilk chính là gia tăng nguồn cung sữa đầu vào từ đàn bò sữa của GTN cũng như tiềm năng mở rộng chăn nuôi bò sữa.
Tuy nhiên, theo quan điểm của VCSC, hợp nhất GTN sẽ không có tác động đáng kể ngay lập tức lên tình hình tài chính của Vinamilk do doanh thu và lãi ròng của GTN còn khá nhỏ so với Vinamilk.
Thị trường còn chứng kiến nhiều câu chuyện đầu tư như việc tăng sở hữu tại Viglacera lên 25% của Gelex, các "tay chơi" ngoại tiếp tục đổ mạnh vốn thâu tóm công ty dược Việt Nam mà nổi trội năm 2019 có thương vụ Taisho rót thêm 100 triệu USD để nắm quyền kiểm soát tại Dược Hậu Giang (DHG), hay dòng tiền Hàn Quốc vẫn ồ ạt mua lại công ty chứng khoán Việt...
Theo Cafebiz.vn
* Nội dung liên quan: