Một Sài Gòn trong dòng chảy thời gian tròn 10 năm - 1 thập kỷ với đầy những đổi thay về cấu trúc đô thị, với nhiều công trình tầm cỡ quốc tế. Bước sang năm mới 2020, hãy cùng nhìn lại xem diện mạo Sài thành đã thay đổi như thế nào trong 10 năm qua.
Kể từ năm 2010 đến 2020, trong vòng 10 năm, Sài Gòn đã có những phát triển vượt bậc trong hạ tầng giao thông và những công trình làm thay đổi diện mạo của thành phố. Đó là những cây cầu vượt trăm tỷ, đường nội đô 12 làn xe, cao tốc đi Vũng Tàu, đường hầm sông Thủ Thiêm... Bên cạnh đó là những cuộc hồi sinh của Thuận Kiều Plaza hay Bưu điện TP HCM khi khoác lên mình chiếc áo mới...
Trong số các công trình thay đổi diện mạo TP HCM trong vòng 10 năm qua, đầu tiên phải kể đến toà nhà có hình búp sen độc đáo. Bitexco Financial Tower kể từ khi ra đời đến nay vẫn là biểu tượng của "Hòn ngọc viễn Đông".
Toạ lạc tại số 19-25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, toà tháp này thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản Bitexco Group có trụ sở tại Hà Nội. Tòa tháp được khởi công xây dựng vào tháng 5/2004, do kiến trúc sư người Mỹ Zapata thiết kế và khánh thành ngày 31/10/2010.
Tháp Bitexco có tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Ý tưởng thiết kế của công trình này được lấy cảm hứng từ hình ảnh của búp sen vươn lên bầu trời, thể hiện cho khát vọng vươn lên của đất nước, cho dân tộc Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn gìn giữ bản sắc.
Tòa nhà có độ cao là 269 m với 3 tầng hầm và 68 tầng lầu trên diện tích gần 6.100 m², được thiết kế bằng thép và kính đôi gia nhiệt, có hàm lượng sắt thấp. Đặc biệt, Bitexco có tầng 49 là đài quan sát Sài Gòn Skydeck và bãi đỗ trực thăng với chiều dài 40 m ở tầng thứ 52 của tòa tháp.
Năm mới 2020 đánh dấu tròn 10 năm hoạt động của toà tháp búp sen - một trong những biểu tượng của TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện tại, nơi này vẫn là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ kinh doanh sầm uất bậc nhất TP HCM.
2. Landmark 81
Nếu như Bitexco lập kỷ lục cao nhất TP HCM trong gần 1 thập kỷ thì Landmark 81 lập kỷ lục cao nhất Việt Nam, xoá ngôi vương của chính toà nhà hình búp sen. Landmark 81 là toà nhà chọc trời hình bó tre thuộc tổ hợp dự án Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TP HCM), một dự án có tổng mức đầu tư 300 triệu USD.
Landmark 81 được khởi công ngày 26/7/2014, sau hơn 1.000 ngày thi công, đến ngày 27/7/2018, Landmark 81 chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động hạng mục đầu tiên là Trung tâm thương maji Vincom Center Landmark 81. Đến ngày 28/4/2019, tòa tháp Landmark 81 đã tiếp tục khánh thành đài quan sát skyview cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á, thời điểm tòa nhà có 81 tầng với độ cao là 461,3 m.
Hiện tại, Landmark 81 là tòa nhà cao thứ 2 Đông Nam Á và thứ 16 trên thế giới. Landmark 81 có tổng diện tích sàn là 241.000 m2 với 3 tầng hầm Cấu trúc của tòa nhà gồm 36 khối có chiều cao khác nhau, được nhóm lại trong một ma trận 6x6, được thiết kế bởi một công ty của Anh.
Landmark 81 lấy cảm hứng từ những bó tre truyền thống, tượng trưng cho sức mạnh và sự đoàn kết trong văn hóa Việt Nam. Hầu hết các đỉnh khối hình ống đều thiết kế thêm các khu vườn ở bên trên, ngoại trừ những khối cao nhất. Tầng trệt của tòa nhà được sử dụng làm trung tâm mua sắm.
Sau khi toà nhà đi vào hoạt động, cứ đến dịp lễ Tết, nơi này luôn là địa điểm bắn pháo hoa được người dân yêu thích. Sự xuất hiện của Landmark 81 mang lại sự tươi mới và đầy sức sống, thể hiện sự vươn lên của người dân TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, xứng đáng là biểu tượng mới, năng động hiện đại và mang tầm vóc quốc tế.
Có thể nói, Landmark 81 là công trình hoàn hảo đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của TP HCM trong 10 năm qua, xứng đáng là đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước.
3. Hầm Thủ Thiêm
Sau khi toà tháp Bitexco hoạt động được 1 năm, đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn cũng chính thức được thông xe vào ngày 21/11/2011 sau gần 7 năm thi công và được xem là hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á. Đây là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đường hầm có 6 làn xe ô tô, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn (có ngầm đáy sông). Cửa hầm ở quận 1 nằm bên cạnh bến Chương Dương, nối với đại lộ Võ Văn Kiệt. Còn cửa hầm phía quận 2 nối với Đại lộ Đông Tây và đường Mai Chí Thọ đi ra ngã 3 Cát Lái.
Toàn bộ hầm có chiều dài gần 1,5 km gồm 3 đoạn chính là hầm dẫn phía quận 1 dài gần 585 m, hầm dẫn phía Quận 2 dài 535 m và đoạn hầm dìm dưới đáy sông với 4 đốt hầm dài 370 m. Hầm có chiều rộng 33 m với hai đường thoát hiểm và 38 cửa (mỗi cửa cách nhau 50 m) cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng; hệ thống cấp nước, chống cháy, đo đạc độ ô nhiễm không khí và hệ thống đếm xe...
Trải qua gần 1 thập kỷ hoạt động, hầm Thủ Thiêm đã giải toả được phần nào áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm giúp rút ngắn thời gian từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây lẫn miền Đông, tạo nền tảng phát huy giao thương liên tỉnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, số lượng phương tiện tăng dần khiến hầm Thủ Thiêm cũng gánh một phần không nhỏ về áp lực giao thông nên hầm từ 6 làn ô tô đã giảm còn 4 làn (2 chiều) để nhường 2 làn đường cho xe máy.
Qua công trình hầm Thủ Thiêm có thể thấy, TP HCM là một trong những thành phố có công trình giao thông đa dạng và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á khi vừa có cầu vượt sông, vừa có hầm chui vượt sông.
4. Đường Phạm Văn Đồng
Đường Phạm Văn Đồng bắt đầu từ vòng xoay công viên Gia Định (quận Gò Vấp) đến ngã tư Linh Xuân (quận Thủ Đức) thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD, do tập đoàn GS (Engineering Contruction - Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 6/2008,là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Tháng 9/2013, tuyến đường Phạm Văn Đồng chính thức được thông xe đợt 1 đoạn từ vòng xoay công viên Gia Định đến nút giao Bình Triệu dài 4,7 km. Sau đó, toàn tuyến được hoàn thành vào năm 2015 với độ dài 13,6 km.
Đây là tuyến đường nội đô được xem là đẹp nhất thành phố với thiết kế 12 làn xe (8 làn ô tô, 4 làn xe máy gồm cả 2 chiều), riêng đoạn từ đường số 20 đến chân cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức) có 10 làn xe trên đường Phạm Văn Đồng và 2 làn xe dưới đường Kha Vạn Cân. Ngoài ra, đoạn từ cổng sân bay Tân Sơn Nhất đến vòng xoay công viên Gia Định dài 1,53 km (gồm đường Bạch Đằng và Hồng Hà, quận Tân Bình) mỗi đường có 3 làn xe.
Từ khi được thông xe đến nay, toàn tuyến đã góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể cho khu vực nội thành và cửa ngõ Đông Bắc, tạo động lực cho chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM. Người dân từ khu vực thị xã Dĩ An (Bình Dương), quận Thủ Đức (TP HCM) nhờ đó có thể di chuyển vào trung tâm TP HCM và sân bay được thuận tiện hơn nhiều so với trước đó.
5. Cao tốc nối TP HCM - Vũng Tàu
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55 km, bắt đầu từ điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) đến ngã 3 Dầu Giây (huyện Dầu Giây, Đồng Nai), được khởi công xây dựng vào ngày tháng 10/2009 và thông xe vào ngày 8/2/2015 với quy mô 4 - 8 làn xe.
Dự án đường cao tốc này được chia thành 2 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần I (đoạn An Phú - Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h với 4 làn xe, rộng 26,5 m. Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h gồm 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 27,5 m.
Sau khi tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, từ TP HCM đi ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) để hướng lên Liên Khương (khu vực Tây Nguyên) đã rút ngắn được 20 km, chỉ còn 1h (trước đó 70 km mất 3h); đi huyện Long Thành (Đồng Nai) chỉ mất 20 phút và đặc biệt đi Vũng Tàu chỉ còn 1h20 phút, giảm 20 - 30% chi phí vận tải (trước đây phải mất hơn 2h).
Tuy nhiên, hiện nay vào các ngày lễ hay cuối tuần, cao tốc này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nên thời gian di chuyển không được nhanh như thời điểm mới thông xe. Mặc dù vậy, đây vẫn là công trình đường cao tốc hiện đại, được hội đồng nghiệm thu quốc gia đánh giá là dự án đạt chất lượng cao nhất từ trước đến nay.
Cao tốc này cũng góp phần làm thay đổi tích cực về diện mạo giao thông đô thị của TP HCM, giúp thành phố đông dân nhất Việt Nam - năng động nhất cả nước kết nối tốt hơn với các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như miền Trung - Tây Nguyên.
6. Những cây cầu vượt trăm tỷ đồng
Ngoài những tuyến đường nghìn tỷ hay hầm vượt sông thì những cây cầu vượt tại các ngã tư cũng góp một phần không nhỏ trong việc giảm ùn tắc giao thông ở thành phố đông dân nhất cả nước. Chính những cây cầu vượt này cũng đã làm thay đổi diện mạo của Sài Gòn trong dòng chảy thời gian 10 năm qua.
Phải kể đến đầu tiên là cầu vượt thép ngã tư Hàng Xanh - nút giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía đông thành phố với mật độ phương tiện luôn đông đúc. Cầu vượt thép Hàng Xanh được thông xe vào cuối tháng 1/2013, chỉ sau 3 tháng thi công, bắt qua ngã tư nối đường Xa lộ Hà Nội - Cầu Sài Gòn với đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Cầu vượt Hàng Xanh có tổng chiều dài 390 m, mặt cầu rộng 16 m cho 4 làn xe chạy 2 chiều với vận tốc 40 km/h và chỉ dành cho xe buýt, xe con và xe máy. Tổng mức đầu tư dự án là 188,5 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 159 tỷ đồng, phần còn lại chi phí giải tỏa công trình kỹ thuật, dự phòng phí... Đây là cầu vượt thép nhẹ thứ 2 được thông xe sau cầu vượt thép đầu tiên tại ngã tư Thủ Đức (Xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức).
Tiếp đến là cầu vượt thép Lăng Cha Cả (vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình) giảm tải được phần nào kẹt xe tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, khởi công và thông xe vào năm 2013, sau gần 3 tháng xây dựng với chiều dài 244,2 m, rộng 6,5 m, có 2 làn xe (ô tô và xe máy) một chiều hướng từ đường Cộng Hoà đi sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố.
Đây cũng là công trình đầu tiên tại Sài Gòn sử dụng đèn Led gắn trên lan can thay vì các trụ đèn chiếu sáng công cộng. Cầu có tổng vốn đầu tư 121,9 tỷ đồng.
Do sân bay Tân Sơn Nhất nằm gần trung tâm thành phố nên các tuyến đường cửa ngõ ra vào phi trường thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Vì thế, một số cầu vượt thép cũng được ra đời để giảm ùn tắc. Tiêu biểu là cầu vượt thép chữ Y trước cổng sân bay trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và cầu vượt thép chữ N tại vòng xoay công viên Gia Định (quận Gò Vấp).
Cả 2 cầu này được khởi công cùng lúc vào ngày 8/2/2017 với tổng vốn đầu tư hơn 746 tỷ đồng. 2 dự án sau khi hoàn thành giúp phân luồng giao thông thuận lợi hướng ra - vào sân bay Tân Sơn Nhất, tránh tập trung phương tiện dồn ứ ở nút giao Trường Sơn, nâng cao khả năng lưu thông, tránh dồn ứ, kẹt xe dây chuyền ở các tuyến đường quanh khu vực sân bay.
Cầu vượt thép chữ Y gồm 2 nhánh dẫn vào 2 ga quốc tế (dài hơn 300 m, rộng 10,75 m) và ga quốc nội (dài hơn 150 m, rộng 7,5 m), có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng. Cầu vượt này chính thức được thông xe vào tháng 7/2017 sau 5 tháng thi công, chỉ cho phép ô tô con, ô tô khách và xe buýt vào di chuyển từ đường Trường Sơn vào sân bay.
Còn cầu vượt thép chữ N tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (vòng xoay công viên Gia Định) có tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng,được xây dựng bằng thép có dạng hình chữ N với 3 nhánh cầu: nhánh 1 hướng từ đường Nguyễn Kiệm về đường Nguyễn Thái Sơn dài 367 m; nhánh 2 hướng từ đường Nguyễn Kiệm về đường Hoàng Minh Giám dài 367 m; nhánh 3 hướng từ đường Hoàng Minh Giám về Nguyễn Thái Sơn dài 362 m.
Các nhánh cầu vượt được thi công theo kết cấu nhịp dầm hộp thép liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép. Nhánh 2 và 3 được thông xe vào tháng 11/2017, nhánh 1 thông xe vào ngày 18/1/2019.
7. Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Đường Nguyễn Huệ đã khoác áo mới để trở thành Phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện đại nhất Việt Nam. Toạ lạc trước UBND TP HCM (quận 1), tuyến phố này được xem giống như "trái tim" của TP HCM vì khắc hoạ được nhịp sống vừa thanh bình nhưng phảng phất sự hối hả sôi động.
Cuối tháng 4/2015, Phố đi bộ Nguyễn Huệ chính thức khánh thành với chiều dài 670 m, rộng 64 m sau 7 tháng thi công, chỉnh trang với tổng kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng. Phố đi bộ Nguyễn Huệ gồm 2 phân đoạn: Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đường Lê Thánh Tôn (trước trụ sở UBND TP HCM) đến đường Lê Lợi và quảng trường Nguyễn Huệ từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng.
Toàn bộ tuyến phố được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh. Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại... Từ khi khánh thành, mỗi ngày tuyến phố có hàng nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh.
Theo thiết kế, hai bên đường của đại lộ Nguyễn Huệ (ngoại trừ buổi tối thứ Bảy và Chủ nhật) vẫn cho phép phương tiện xe máy và ô tô con, ô tô khách lưu thông. Đây là biểu tượng tham quan, du lịch lớn của thành phố khi ngày càng được nâng cấp cải thiện không gian đẹp hơn.
Nơi đây cũng gần các tòa nhà đẹp nhất nhì thành phố như Bitexco, Vicom Đồng Khởi, Time Square... Đặc biệt, phố đi bộ về đêm luôn thu hút đông người nhất vì thời tiết mát mẻ, thích hợp cho mọi người vui chơi thưởng thức ẩm thực, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoài ra, nơi đây cũng là địa điểm rất thích hợp tổ chức nhiều hoạt động mang tính cộng đồng bổ ích như xem bóng đá, ca nhạc... Nếu nói không quá thì trong 10 năm qua, nếu đường Nguyễn Huệ không khoác lên mình tấm áo Phố đi bộ thì TP HCM khó lòng là điểm đến du lịch hấp dẫn của bạn bè quốc tế.
8. Bưu điện Thành phố
Bưu điện Thành phố nằm trên đường Công trường Công xã Paris, bên cạnh đường sách Nguyễn Bình và Nhà thờ Đức Bà (quận 1), vốn là địa điểm quen thuộc của người dân Sài Gòn và là nơi luôn thu hút rất đông du khách các nước đến tham quan hàng ngày. Khi Sài Gòn bước sang năm 2020 cũng là lúc Bưu điện Thành phố bước qua tuổi 135.
Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886 - 1891 với phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí phương Đông. Phía trước tòa nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và điện. Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế, trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn. Bên trong tòa nhà còn giữ được những nét cổ kính.
Cuối năm 2014, đầu năm 2015, Bưu điện Thành phố bước vào cuộc đại trùng tu đầu tiên từ sau năm 1975. Sau 4 tháng sửa chữa, toà nhà này đã 2 lần thay áo mới với màu vàng nhạt.
Sau khi trùng tu, mọi hoa văn, phù điêu vẫn được giữ nguyên bản, sáng và nổi bật hơn trước. Kinh phí thay áo tòa nhà này cách đây 5 năm lên đến hàng tỷ đồng.
9. Thuận Kiều Plaza
Trong các sự thay đổi để bắt kịp nhịp sống thành phố hiện đại trong 10 năm qua, bất ngờ nhất vẫn là toà nhà với nhiều lời đồn đoán về phong thuỷ - toà nhà "3 cây nhang" Thuận Kiều Plaza.
Kể từ ngày 4/11/2017, toà nhà Thuận Kiều toạ lạc trên đường Hồng Bàng (quận 5) chính thức được xoá tên và thay bằng tên gọi mới là The Garden Mall. Nơi này hiện đang là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất của khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sự thay tên đã bước đầu làm cho toà nhà được đổi vận khi hoạt động buôn bán tại phần đế toà nhà trở lại nhộn nhịp từ đó đến nay.
Mặc dù vậy, về giai thoại của toà nhà này thì Thuận Kiều Plaza là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của TP HCM. Thuận Kiều Plaza được xây dựng trên khu đất vàng, có diện tích 9.971 m, được thiết kế gồm 3 tháp (kiểu một con thuyền với 3 ống khói hay ba cây nhang), mỗi tháp có 33 tầng.
Trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe. Sau khi trở nên rất phát triển rồi dần rơi vào cảnh hoang tàn, mãi đến gần 20 năm sau, một công ty mua lại Thuận Kiều với giá 600 tỷ đồng để cải tạo thành trung tâm thương mại mới như hiện tại. Nhiều người hy vọng Thuận Kiều sẽ không bị "ngủ quên" lần nữa sau khi "thức tỉnh" cách đây 2 năm.
Và dường như sự "hồi sinh" bất ngờ của toà nhà này trong dòng chảy 10 năm của Sài Gòn đã giúp The Garden Mall thu hút nhiều thương hiệu nổi tiếng đổ về đây kinh doanh. Màu áo xanh lá bên ngoài của The Garden Mall đã làm phai mờ đi màu áo hồng cũ kỹ của Thuận Kiều Plaza, khiến người Sài Gòn cảm thấy vui và tự hào hơn.
Năm 2020 đánh dấu một thập kỷ mới với nhiều cơ hội đưa TP HCM phát triển vượt bật hơn trước, xứng danh "Hòn ngọc viễn đông". Tin vui hơn nữa khi mới đây, InterNations đã công bố 30 thành phố tốt nhất để sống, làm việc và kết bạn vào năm 2020 và TP HCM lọt top 3.
Đây là kết quả thu được sau khi InterNations thực hiện khảo sát trong 20.000 người để bình chọn và xếp hạng. TP HCM đứng thứ 3 nhờ vào việc hầu hết người nước ngoài nhận định chi phí sinh hoạt tại đây tương tương đối thấp, dễ dàng tìm được nhà và đặc biệt là sự thân thiện của người dân.
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: