TP.HCM đề xuất sử dụng xe đạp công cộng

Theo đề án các doanh nghiệp đưa ra, giai đoạn đầu dự án dịch vụ xe đạp đô thị do doanh nghiệp đề xuất được thực hiện ở khu vực quận 1, tiếp đến là quận 3.

Nhiều người đi làm bằng xe đạp ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Dự án Mobike - dịch vụ xe đạp đô thị - do doanh nghiệp đề xuất sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân đi từ nhà, người đi làm ở các công sở đến các trạm xe buýt hoặc địa điểm cần đến trong phạm vi 3km” - ông Trần Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nói trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Vừa qua, có một số doanh nghiệp đề nghị mở dịch vụ sử dụng xe đạp, xe máy điện công cộng tại TP.HCM như Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam, Công ty Mobike, Công ty TNHH công nghệ IOT thông minh Việt Nam...

Ông Trần Chí Trung cho biết: "Theo đề án các doanh nghiệp đưa ra, giai đoạn đầu được thực hiện ở khu vực Q.1, tiếp đến là Q.3".

Du khách Pháp đi dạo một vòng Sài Gòn bằng xe đạp thuê ở khách sạn - Ảnh: T.T.D.

* Tại sao đề án muốn bắt đầu ở Q.1, thưa ông?

- Vì đây là quận trung tâm có nhiều cơ quan nhà nước, có nhiều trường học, bệnh viện và có đến 31 tuyến xe buýt đưa khách đến các nơi và ra vào cửa ngõ TP.HCM.

Dự kiến trong giai đoạn đầu đưa vào sử dụng 800 - 1.000 xe đạp công cộng được bố trí ở 70-80 vị trí bãi xe đạp.

Các bãi đậu xe đạp công cộng có diện tích 5-10m2 với số lượng 10-20 xe được bố trí trên vỉa hè gần các trạm xe buýt, địa điểm du lịch, trường học, ký túc xá, chung cư và ở các cơ quan đơn vị có mật độ người sử dụng đông.

* Nhà nước có trợ giá vé cho xe đạp công cộng hay không?

- Nhà nước sẽ không trợ giá vé. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp tìm vị trí làm bãi đậu xe và xây dựng khung giá vé.

Doanh nghiệp đề xuất miễn tiền thuê vỉa hè trong giai đoạn thí điểm của dự án để cung cấp cho người dân giá thuê xe hợp lý và nhằm thu hút người sử dụng.

 

Theo đề nghị của doanh nghiệp, giá vé sử dụng xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút.

Doanh nghiệp cho biết dự kiến trong thời gian đầu từ 1 đến 3 tháng sẽ miễn phí 15 phút sử dụng đầu tiên để khuyến khích nhiều người sử dụng.

Chúng tôi cũng đề nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu mở rộng thêm các khung thời gian để tính giá vé như 15 phút, 30 phút, 60 phút để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Nhà đầu tư cho biết sẽ nghiên cứu đa dạng các loại vé theo ngày, tháng, quý hoặc năm.

* Thực tế TP.HCM còn quá ít đường dành riêng cho xe đạp, như vậy dịch vụ này khả thi tới đâu?

- Đúng, hiện nay hạ tầng giao thông TP.HCM vẫn thiếu đường dành riêng cho xe đạp.

Có thể bố trí cho xe đạp chạy trên vỉa hè, trong đó vỉa hè ở Q.1 còn tương đối tốt hơn các quận khác. Nhưng vẫn còn những vỉa hè quá hẹp... cũng không thuận lợi lắm cho xe đạp.