Một công trường xây dựng chung cư ở phường Sumida, Tokyo. Ảnh: JT
Tại tòa nhà chung cư đang được xây dựng, chiếc nhiệt kế đặt ở tầng 1 dự báo một ngày nắng nóng khác sắp tới: Lúc 8h30 phút sáng, nhiệt độ đã ở mức 31 độ C với độ ẩm 71%. Cái nóng thậm chí còn gay gắt hơn trên tầng 3 không có mái che, nơi hàng chục công nhân - phần lớn là người trung niên - đang làm việc cật lực. Nhiều người ngồi bệt trên nền bê tông vừa đông lại, không chỉ phải hứng chịu chịu ánh nắng Mặt Trời mà còn cả sức nóng do bê tông phản xạ.
“Dạo này nóng hơn nhiều. Năm nào tôi cũng bị sốc nhiệt, mặc dù khá nhẹ”, công nhân 63 tuổi, đã làm việc trong ngành xây dựng 40 năm, cho biết.
Một công nhân điều phối giao thông 81 tuổi tại công trường chia sẻ: “Mùa hè khiến tôi khó chịu nhất”. Ông cho biết đã phải bỏ lỡ cuộc họp buổi sáng vì đã làm việc kiệt sức vào hôm trước.
Thời tiết khắc nghiệt ngày càng tồi tệ đang trở thành “bình thường mới” trên khắp thế giới do khủng hoảng khí hậu. Những quốc gia như Trung Quốc và Nam Âu đã chứng kiến những đợt nắng nóng dữ dội, điều vô cùng hiếm gặp, vào mùa hè này. Và dù vẫn chưa rõ biến đổi khí hậu có tác động ra sao với đợt nắng nóng ở Nhật Bản, nhưng Cơ quan Khí tượng nước này cho rằng nóng lên toàn cầu chính là yếu tố khiến nhiệt độ từ tháng 6 đến tháng 8 tăng cao. Cụ thể, nhiệt độ ở Tokyo vào giữa tháng 7 đã tăng vọt gần 9 độ C so với mức trung bình hàng năm. Hiện tượng khí hậu El Nino cũng góp phần gây ra nắng nóng như thiêu đốt ở quốc gia Đông Bắc Á này.
Người phụ nữ uống nước gần ga Fukushima ở thành phố Fukushima. Ảnh: Bloomberg
Tại Nhật Bản, những đợt nắng nóng kéo dài kết hợp với độ ẩm ngột ngạt đang trở thành nỗi ám ảnh đối với 36 triệu người trên 65 tuổi, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.
Khi Trái Đất tiếp tục nóng lên và dân số Nhật Bản đang già đi, các quan chức và chuyên gia y tế dã gióng lên hồi chuông cảnh báo và tìm cách giáo dục công chúng về các biện pháp phòng ngừa.
Biến đổi khí hậu và người cao tuổi
Nhân viên lắp điều hoà ở một tòa nhà chung cư Tokyo. Ảnh: Bloomberg
Các chuyên gia cho biết, nắng nóng gay gắt tác động nghiêm trọng đến trẻ em, người già và những người có bệnh lý nền. Ở Nhật Bản, người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến gần đây về phòng chống sốc nhiệt do Bộ Môi trường và Trung tâm Thích ứng Biến đổi Khí hậu tại Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia tổ chức, nhà nghiên cứu cấp cao Kazutaka Oka, cho biết dựa trên dữ liệu khí tượng, nhiệt độ trung bình của Nhật Bản đã tăng 1,3 độ C trong thế kỷ qua, với nhiệt độ cao hơn trở nên phổ biến hơn kể từ năm 1990.
Số ca tử vong do sốc nhiệt cũng tăng lên. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca tử vong liên quan đến say nắng trung bình trong 5 năm là 1.295 ca trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2022, trong khi từ năm 1995 đến 1999 là 201 ca.
Dữ liệu gần đây cũng cho thấy trên 80% trường hợp tử vong do sốc nhiệt là những người già trên 65 tuổi. Theo cuộc khảo sát khác được thực hiện ở Tokyo, những người trên 65 tuổi chiếm 90% tổng số ca tử vong do nắng nóng. Trong số đó, 90% tử vong trong nhà, chủ yếu là do không sử dụng điều hòa.
Người cao tuổi rất nhạy cảm với nắng nóng, song dường như họ chỉ nhận ra vấn đề sức khoẻ khi quá nóng hoặc bị mất nước.
Công nhân xây dựng tại một công trường ở Tokyo. Ảnh: JT
Ông Shoji Yokobori, Giáo sư khoa cấp cứu tại Trường Y khoa Nippon, cho biết không giống như người trẻ tuổi, người lớn tuổi có thể gặp phải các triệu chứng sốc nhiệt ngay cả khi họ không tập thể dục. Theo ông, những người lớn tuổi có hàm lượng nước trong cơ thể thấp hơn, đặc biệt là trong cơ bắp.
Giáo sư Yokobori giải thích cơ bắp càng lớn thì con người càng có nhiều nước và máu trong đó. Người già không có nhiều cơ bắp nên rất khó đổ mồ hôi và dễ bị mất nước.
Ngoài ra, một số người lớn tuổi bị huyết áp cao và cần dùng thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc khác cũng gây mất nước. Những người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác, cũng có lượng đường trong máu cao, khiến dễ bị mất nước.
Nhưng hầu hết mọi người đều có thể tránh được những tình huống cực đoan như vậy nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản, chẳng hạn ở trong không gian mát mẻ, có điều hoà và uống đủ nước và muối.
“Tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta thể ngăn ngừa sốc nhiệt”, ông Yokobori nói.
Bảo vệ 81 tuổi gác tại một công trường xây dựng ở phường Sumida, Tokyo. Ảnh: JT
Trở lại công trường xây dựng, Yuki Fujita, kỹ sư 36 tuổi, quản lý dự án, giải thích rằng công ty đã thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn ngừa nắng nóng, đặc biệt là do lực lượng lao động đang già đi. Hơn 1/3 công nhân xây dựng ở Nhật Bản hiện đã trên 55 tuổi và tỷ lệ công nhân lớn tuổi trong ngành cũng đang tăng lên.
Trên cả nước, có tới 909 công nhân xây dựng bị sốc nhiệt từ năm 2018 đến 2022, trong đó có 51 người tử vong. Theo Bộ Y tế, con số này cao hơn bất kỳ ngành nào khác.
Công trường của ông Fujita đã dành riêng một phòng điều hoà, làm mát ở 18 độ C, để công nhân có thể vào nghỉ ngơi bất cứ khi nào họ muốn. Gần đó cũng có máy làm mát nước và tủ đông đầy đá viên, cùng với các loại đồ uống khác được chuẩn bị cho công nhân.
Kỹ sư Fujita cũng nói rằng hầu hết các công nhân xây dựng đều mặc áo khoác polyester nhẹ với những chiếc quạt chạy bằng pin nhỏ tích hợp bên hông. Khi pin sạc đầy, nó có thể giúp người mặc mát mẻ cả ngày.
Giải pháp của Nhật Bản
Vòi nước gần ga Fukushima ở thành phố Fukushima. Ảnh: Bloomberg
Hồi tháng 5, Nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch 5 năm nhằm giảm một nửa số người tử vong vì nắng nóng vào năm 2030, từ 1.295 ca vào năm 2022.
Để chuẩn bị cho tình trạng nắng nóng thậm chí còn gay gắt hơn, Quốc hội đã thông qua dự luật thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 4 để tạo ra một “cảnh báo say nắng đặc biệt”, ngoài cảnh báo thông thường hiện có. Cảnh báo đặc biệt này, có hiệu lực từ mùa hè năm 2024, sẽ chỉ được ban hành khi dự kiến có “tổn hại sức khỏe nghiêm trọng do nhiệt độ cực cao”. Theo Bộ Môi trường, tình huống này có khả năng chỉ xảy ra vài năm một lần. Chi tiết về cách đưa ra cảnh báo cấp cao nhất vẫn chưa được quyết định.
Năm 2022, tổng cộng 889 cảnh báo đã được ban hành trên khắp Nhật Bản, tăng đáng kể so với 613 cảnh báo một năm trước đó. Năm nay, tổng cộng 394 cảnh báo đã được đưa ra tính đến ngày 30/7. Giới chức kêu gọi người dân đăng ký ứng dụng trên điện thoại thông minh nhận dự báo nhiệt độ cao hàng ngày qua email, Line.
Nhưng phần lớn người dân, đặc biệt là người cao tuổi, vẫn chưa quen với cảnh báo say nắng hoặc chỉ số nhiệt. Họ không được trang bị kiến thức phù hợp để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ sức khỏe khi sóng nhiệt kéo đến.
Biển báo tại một công trường xây dựng ở phía đông Tokyo cho thấy nguy cơ sốc nhiệt trong ngày ở mức cao nhất trong 5 cấp độ.Ảnh: JT
Theo nghiên cứu được công bố gần đây, các quận phía bắc như Hokkaido có tỷ lệ sốc nhiệt cao hơn các khu vực phía nam như Okinawa và các quận ở vùng Kyushu. Lý do là ở Hokkaido, chỉ có 70% hộ gia đình được lắp đặt máy điều hòa, trong khi tỷ lệ sử dụng điều hòa không khí ở các khu vực còn lại của đất nước là hơn 90%.
Một lý do khác có thể là do sinh lý, nơi người dân ở các vùng lạnh hơn khó thích nghi với nhiệt độ cao so với những người ở các vùng nhiệt đới của đất nước.
Nhà nghiên cứu Oka cho biết: “Thách thức sẽ là tuyên truyền cho người dân về các ngưỡng cảnh báo nhiệt khác nhau theo cách dễ hiểu. Biện pháp là kêu gọi mọi người đăng ký ứng dụng cảnh báo trên điện thoại thông minh. Nhưng một số người lớn tuổi có thể không quen sử dụng điện thoại thông minh, vì vậy họ sẽ cần sự hỗ trợ từ gia đình hoặc các chuyên gia chăm sóc.”
Cuối cùng, theo các chuyên gia, chìa khóa để ngăn ngừa sốc nhiệt dường như bắt nguồn từ sự tương tác giữa con người với nhau, mọi người nên quan tâm đến nhau hơn.
Nguồn: Japan Times