Đến với Hà Giang, đi men theo những sườn núi hùng vĩ sẽ được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên choáng ngợp! Tô điểm cho vẻ đẹp hùng vĩ ấy chính là những ngôi nhà màu nâu vàng làm từ tường đất nằm gọn bên trong tường rào đá màu xám của đồng bào Mông. Quang cảnh khoáng đạt của thiên nhiên cùng kiến trúc truyền thống của nhà trình tường đã tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí khiến bất cứ du khách nào đến đây cũng phải ngỡ ngàng.
Những năm gần đây, đa phần nhà truyền thống dân tộc Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn bị hư hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Nhà lợp tôn, nhà gạch lợp fibro... dần thay thế ngói âm dương truyền thống; hàng rào đá thay bằng tường rào xi măng; tường đất bị thay thế bằng gạch, bê tông cốt thép... Nhà trình tường có chăng chỉ còn nguyên vẹn ở những công trình sinh hoạt cộng đồng, homestay, làng văn hóa của người Mông tại xã Cán Tỷ và thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ; làng văn hóa tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, làng văn hóa Lũng Cẩm tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.
Không chỉ mất nét văn hóa công trình đặc trưng, gần đây trên một số huyện giáp biên giới thuộc tỉnh Hà Giang, các công trình lai căng sử dụng gạch ốp lát, ngói họa tiết Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Đại diện UBND huyện Đồng Văn cho biết, nếu như năm 2015 mới chỉ có 1, 2 công trình xây dựng lai căng dạng này thì đến nay con số đã lên đến hàng chục.
Để giữ được bản sắc kiến trúc nhà dân bản địa tại cao nguyên đá, từ năm 2019, tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chương trình 1953 nhằm hỗ trợ người dân bảo tồn, cải tạo, giữ gìn những ngôi nhà truyền thống, trung bình mỗi hộ dân được hỗ trợ 60 triệu đồng. Đối tượng hỗ trợ là người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở các xã biên giới, các huyện đã thực hiện đưa mẫu nhà này vào quy định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng như huyện Đồng Văn vẫn rất trăn trở về vấn đề bảo tồn nếp nhà truyền thống.
Ông Là Mí Kha, Chủ tịch UBND xã Sủng Là, huyện Đồng Văn cho biết, với khoản hỗ trợ nhỏ nên rất khó yêu cầu bà con làm nhà theo ý mình, nên chủ yếu xã vẫn thực hiện tuyên truyền, vận động là chính.
Mong mỏi bảo tồn nhà trình tường nguyên bản
Tự nhận mình là người “nghiện” văn hóa các dân tộc vùng miền, anh Nguyễn Mạnh Tùng (37 tuổi) đã gắn bó với vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn từ năm 2007. Từ chàng sinh viên địa chất lên huyện Đồng Văn thực tập, anh đã “cảm nắng” những ngôi nhà làm bằng tường đất.
Nhà trình tường cùng “Nhà của Pao” trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tại huyện Đồng Văn. Ảnh: Như Ý
Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu địa chất tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn, anh Tùng quyết định xây dựng lại nhà trình tường cho bà con, với mục tiêu làm sao để bà con xây nhà trình tường đúng nguyên bản chứ không phải là những căn nhà “giống nhà trình tường”. Từ năm 2017, anh đã đi tới cả trăm thôn, bản người Mông - nơi vẫn còn nhà trình tường để khảo sát từng ngôi nhà tường đất.
“Nhà truyền thống người Mông thường có ba gian hai cửa, gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là hai cửa sổ. Nhà trình tường vẫn được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của dân tộc Mông. Các công đoạn thi công được thực hiện một cách thủ công, tận dụng các vật liệu và dụng cụ sẵn có. Vì vậy, đa phần các công trình này thường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng”, anh Tùng nói.
Trên thực tế, tường nhà là hạng mục công trình dễ xuống cấp nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất tới độ bền và khả năng sử dụng của ngôi nhà. Nước mưa làm xói chân tường và mặt ngoài của tường; xuất hiện các vết nứt có chiều rộng tới cả chục cm do vật liệu xây dựng có hàm lượng sét cao khiến mỗi khi độ ẩm thay đổi khiến tường co ngót...
Quyết tâm xây dựng nhà trình tường đúng chất, mất 5 năm anh Tùng khảo sát hàng chục mỏ đất ở khu vực cao nguyên đá tìm chất liệu phù hợp, tìm phương pháp phối trộn đất hợp lý, liên hệ với chính quyền UBND tỉnh Hà Giang, huyện Đồng Văn, Mèo Vạc để thực hiện công trình. Cũng mất từng ấy thời gian để thuyết phục người dân bản địa cùng góp ngày công vì công trình phục vụ chính sinh kế của họ.
Từ những ngày tháng lên bản, thăm núi, nhà trình tường nguyên bản dần thành hình, công trình nhà trình tường đã hoàn thành vào tháng 5/2022 tại làng văn hóa thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ngôi nhà được chính đồng bào Mông ở thôn góp sức tháo dỡ nhà cũ, dỡ ngói, lợp ngói cho nhà mới...
Đến nay, công trình nhà trình tường tại thôn Lũng Cẩm đã trở thành nơi tham quan của du khách bên cạnh điểm du lịch “Nhà của Pao” nổi tiếng.
Nói về mong mỏi của mình, kỹ sư Nguyễn Mạnh Tùng mong muốn mọi người Mông đều được tiếp cận công nghệ trình tường của mình, để người Mông tự hào khi xây dựng những căn nhà truyền thống với giá không quá cao. Thời gian tới, ngoài công nghệ trình tường, anh Tùng đang cùng các cộng sự tại Viện Địa chất tiếp tục nghiên cứu sản xuất hàng loạt ngói âm dương với giá rẻ. Đây sẽ là nỗ lực để Hà Giang bảo tồn bền vững kiến trúc đặc sắc nhà trình tường. |
Theo anh Tùng, nhà trình tường với đất lấy từ mỏ ở cùng huyện, nên giá vật liệu chỉ tương đương xây dựng bằng tường gạch. Quan trọng hơn, tường nhà có độ dầy 40cm có cường độ và độ bền tương đương tường 20cm bằng gạch thông thường.
Ông Là Mí Kha, Chủ tịch xã Sủng Là cho biết, nhà trình tường được xây dựng trên đất của nhà văn hóa thôn cũ. Đến nay đã thành địa điểm tổ chức các hoạt động của thôn. Năm tới, xã sẽ hoàn thiện trang trí tầng 2 để bà con họp ở đó, còn tầng 1 sẽ cho trưng bày các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch, giao cho thôn trực tiếp vận hành.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang cho biết, khi nghiệm thu nhà trình tường tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là chúng tôi đã đánh giá được độ bền của tường. Với việc thêm phụ gia, thay đổi cách thi công, tường nhà có thể duy trì cả trăm năm mà không vấn đề gì.
Báo cáo nghiệm thu cũng đã có khuyến cáo các Sở ngành, các huyện có thể nhân rộng mô hình này để bảo tồn nhà trình tường. Đối tượng ban đầu có thể nhân rộng mô hình là những hộ có kinh tế khá, hoặc các doanh nghiệp muốn đầu tư nhà trình tường để làm du lịch.