Tràn ngập tin đồn thổi về vụ sập cầu Baltimore

Trước khi phần lớn người Mỹ thức dậy vào sáng 26/3 với thông tin về vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, hàng loạt thuyết âm mưu đã tràn lan trên mạng.
Tràn ngập tin đồn thổi về vụ sập cầu Baltimore - Ảnh 1.

Con tàu hàng khổng lồ đâm vào cây cầu ở Baltimore ngày 26/3. (Ảnh: Getty)

Đó là những thông tin cho rằng con tàu bị tấn công mạng, hay trưởng tàu mất khả năng điều khiển do tác dụng phụ của vắc xin COVID-19, thậm chí cho rằng Israel hay gia đình cựu Tổng thống Barack Obama liên quan đến vụ sập cầu .

Các quan chức điều tra vụ tai nạn khẳng định ngay từ đầu rằng không có dấu hiệu nào cho thấy đây là hành động cố ý. Nhưng điều đó không ngăn được các thuyết âm mưu lan truyền nhanh chóng trên internet, thu hút hàng chục triệu lượt xem.

Điều đó cho thấy sự xói mòn niềm tin của người Mỹ vào các tổ chức chính thống, đặc biệt là chính phủ và các phương tiện truyền thông, trong khi các nền tảng trực tuyến tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin sai lệch.

Những sự kiện thảm khốc gây chú ý của cả nước như vậy luôn tạo ra vô số thuyết âm mưu, sau đó được phát tán nhanh chóng khi những nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và X không kiểm tra mạnh mẽ.

Mới 7 giờ sáng 26/3, tức chưa đầy 6 giờ đồng hồ sau khi cây cầu bị sập, Andrew Tate, người có tài khoản thu hút hơn 9 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, viết rằng con tàu đã bị tấn công mạng và bị điều khiển để lao về phía cây cầu.

“Các đặc vụ nước ngoài tấn công hạ tầng kỹ thuật số”, Tate viết.

Tate đang chờ xét xử ở Romania với tội danh buôn người và hiếp dâm. Sau phiên tòa đó, đối tượng này dự kiến sẽ bị dẫn độ về Anh để đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục.

Đến ngày 27/3, tweet của Tate đã được xem hơn 18,5 triệu lần trên X, theo dữ liệu của công ty.

Từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản mạng xã hội này, X sử dụng ghi chú của cộng đồng như một cách để cộng đồng tự kiểm tra tính xác thực của thông tin. Ghi chú hiển thị bên dưới tweet của Tate ngày 26/3 mô tả tuyên bố này là “suy đoán”. Đến ngày 27/3, ghi chú được cập nhật để nêu rõ bài đăng của Tate “gây hiểu lầm”.

Hai giờ sau bài đăng của Tate, nhà lý thuyết âm mưu Alex Hook của Sandy Hook đăng đoạn video về vụ sập cầu kèm bình luận: “Nhìn có vẻ là hành động cố ý. Một cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. WW3 đã bắt đầu rồi.”

Trong nhiều năm, Jones và những người tin vào ngày tận thế khác luôn muốn mọi người tin rằng thế giới đang trên bờ vực thảm họa và họ cần chuẩn bị, như mua thực phẩm đông lạnh và bộ dụng cụ sinh tồn trị giá hàng nghìn đô la mà Jones đang bán.

Ngày 27/3, cảnh sát trưởng bang Maryland thông báo đội lặn đã vớt được thi thể của 2 người dưới sông, trong khi ít nhất 4 người khác vẫn chưa rõ ở đâu và có thể đã chết.

Thị trưởng Baltimore Brandon Scott kêu gọi mọi người phải có “một chút lịch sự và tôn trọng” khi thảo luận trên mạng về vụ sập cầu.

Bi kịch cũng trở thành cớ để một số người tấn công chính trị.

Một số người cánh hữu cho rằng chính sách Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI) góp phần gây ra vụ sập cầu, khi nhiều người có trình độ hơn đã phải chuyển việc để phục vụ chính sách đa dạng và hòa nhập, và điều này theo một cách nào đó đã góp phần hoặc gây ra vụ tai nạn.

Các chương trình DEI, nhằm thúc đẩy sự tham gia của những người thuộc các nhóm trước đây chưa được đánh giá đúng mức hoặc bị phân biệt đối xử, đã trở thành mặt trận mới nhất trong cuộc chiến văn hóa ở Mỹ. Các bang ủng hộ đảng Cộng hòa như Florida và Texas đã ký dự luật hạn chế triển khai sáng kiến này.

Dù nhiều người Mỹ có thể cười hoặc nhún vai khi nghe một số thuyết âm mưu này, nhưng hàng loạt thông tin sai lệch mỗi ngày đã định hình lại thế giới quan của hàng triệu người Mỹ khác.

Bằng chứng là 1/4 người Mỹ tin rằng chính sai lầm của FBI chứ không phải lực lượng ủng hộ ông Donald Trump đã kích động vụ tấn công vào Đồi Capitol ngày 6/1/2021. 1/3 thành viên đảng Cộng hòa tin vào thuyết âm mưu cho rằng Taylor Swift có thể điều khiển cả giải siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl để giúp Tổng thống Joe Biden.

Theo CNN