Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV

Nhiều năm “cầm trịch” các điểm cầu chung kết, anh đã lập kỷ lục 4 lần dẫn cầu truyền hình có nhà vô địch Olympia.
Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 1
Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 2

MC Trần Ngọc (tên thật là Trần Hồng Ngọc, sinh năm 1987) là gương mặt quen thuộc với khán giả VTV, gắn bó với các chương trình truyền hình nổi tiếng như: Ô cửa bí mật, Café sáng với VTV3, Rung chuông vàng… Ở mỗi chương trình, chàng MC trẻ đều gây ấn tượng bởi sự duyên dáng, trẻ trung cùng nụ cười dí dỏm.

MC Trần Ngọc còn được biết đến với biệt danh: “MC mát tay nhất Đường lên đỉnh Olympia”. Nhiều năm “cầm trịch” các điểm cầu chung kết, anh đã lập kỷ lục 4 lần dẫn cầu truyền hình có nhà vô địch Olympia. Gần đây nhất là chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 22, MC Trần dẫn cầu truyền hình ở trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình và nơi đã được đón nhận quán quân Olympia Đặng Lê Nguyên Vũ. Khán giả gọi Trần Ngọc là MC “mát tay”, dẫn đâu thắng đó.

Cùng trò chuyện với MC Trần Ngọc, nghe anh chia sẻ nhiều hơn về mối duyên đặc biệt này:

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 3

MC Trần Ngọc rất có duyên với cầu truyền hình chung kết Olympia

Anh có bất ngờ không khi mình có tới 4 lần dẫn cầu truyền hình Olympia có nhà vô địch?

Tôi rất bất ngờ luôn. Bản thân chúng tôi đến các điểm cầu chắc chắn sẽ mong thí sinh của mình thắng nhưng thắng nhiều  lần thế thì đúng là tôi không nghĩ đến thật.

MC Trần Ngọc được mệnh danh là “MC mát tay nhất Đường lên đỉnh Olympia”. Anh có cho rằng, sự dẫn dắt đầy nhiệt huyết của mình đã góp một phần nào đó cho chiến thắng của các quán quân?

Nói mát tay là mọi người động viên công việc của MC tôi thôi. Nhưng tôi thích cái nickname mới này, nghe cảm giác rất thuận lợi (cười).

Còn về phần đóng góp của chúng tôi cho chiến thắng của thí sinh, tôi nghĩ cũng có nhưng là phần rất nhỏ. Ở mỗi điểm cầu, chúng tôi đều nghĩ làm cách nào để thúc đẩy tinh thần của các em, bởi trong cuộc thi yếu tố phong độ của các em rất quan trọng, để phong độ tốt chắc chắn cần tinh thần tốt. Thế nên, từng hình ảnh và sự thể hiện của bản thân tôi đều mong thí sinh nhìn thấy được sự tin cậy của tôi, của người thân và bạn bè, thầy cô dành cho thí sinh của mình.

Tôi luôn nghĩ hai chiều, nếu tôi ở trong tâm trạng hồi hộp cao độ tôi cần nghe những điều gì để trấn tĩnh và từ đó đưa ra lời cổ vũ cho thí sinh.

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 4

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 5

MC Trần Ngọc chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi dẫn cầu truyền hình chung kết Olympia

Anh thường dành ra mấy ngày để chuẩn bị cho việc dẫn dắt cầu truyền hình chung kết Olympia và các khâu chuẩn bị diễn ra thế nào?

Tổng thời gian khoảng 1 tuần lễ. Trước ngày chung kết khoảng hơn 1 tháng đến 2 tháng, tôi sẽ nhận lời phân công của điểm cầu.

Thường tôi sẽ bỏ ra khoảng 2 ngày để tìm hiểu thí sinh của mình thông qua các tập phát sóng trước, đồng thời đọc các thông tin mà tôi có về em. Đến cách khoảng 5 ngày trước chung kết, tôi sẽ tập trung chuẩn bị, lúc còn khoảng 3-4 ngày chúng tôi sẽ có mặt ở địa phương để tập luyện cho điểm cầu, lắp ghép các bộ phận với địa phương và với các thầy cô, học sinh tại điểm trường.

Anh từng dẫn dắt cả ở trường quay Olympia lẫn cầu truyền hình trực tiếp. Anh thấy sự khác biệt ở hai vai trò này như thế nào?

Tôi không phải nhân sự toàn thời gian ở “Đường lên đỉnh Olympia” nhưng tôi đã gắn bó với chương trình này từ lâu. Lúc ngoài 20 tuổi, tôi từng nhiều lần làm công việc hướng dẫn khán giả ở trường quay Olympia. Tôi không phải người dẫn chính mà chỉ xuất hiện ở các điểm cầu chung kết thôi, nói thật là tôi cũng không nhớ hết mình đã dẫn bao nhiêu lần nữa (cười).

Tôi thích không khí tại các điểm cầu, bởi ở đó áp lực của chúng tôi nhẹ hơn ở trường quay chính, việc sáng tạo phong cách cổ vũ cũng đa dạng hơn và tính chất thì rất hợp với phong cách của tôi.

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 6

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 7

MC Trần Ngọc đã có 16 năm gắn bó với công việc dẫn chương trình

Chung kết “Đường lên đỉnh Olympia 2022” mắc phải một vài “hạt sạn” và gây chú ý nhất là việc trừ nhầm điểm của thí sinh. Anh đánh giá sao về việc này?

Nếu theo dõi từ xưa đến nay, bạn sẽ thấy ekip Olympia rất cầu thị và thẳng thắn nhận những đóng góp của khán giả. Chương trình có xảy ra những sự cố và ekip luôn kịp thời đính chính. Từ góc nhìn của mình, tôi thấy hơi tiếc một chút vì sự thiếu trọn vẹn, đồng thời tôi thấy thông cảm bởi công việc luôn tồn tại một phần rủi ro nhất là với những công việc cường độ quá cao như truyền hình.

Trên hết, tôi thấy ekip Olympia luôn tôn trọng và công bằng với thí sinh. Nếu bản thân tôi hay những nhân sự khác trong ekip vẫn còn điều chưa hoàn thiện, chúng tôi sẽ sửa chữa chúng để phục vụ khán giả.

Từng là sinh viên ngành Vật lý, tại sao anh lại rẽ hướng chuyển sang làm MC truyền hình?

Tôi đến trường quay của chương trình “Hãy chọn giá đúng” khi đang là sinh viên năm nhất. Các anh chị đã nhận tôi làm trợ lý trường quay để giúp việc cho ban biên tập. Tôi bị thu hút bởi môi trường làm việc và ánh đèn sân khấu. Việc làm MC cũng không phải lựa chọn tự thân của tôi mà cũng từ sự đánh giá và động viên của anh chị tiền bối. Mọi người nói tôi có thể làm được đấy hãy thử sức đi.

Sau đó, tôi đã được hướng dẫn kĩ càng bởi nhiều chuyên gia tại VTV và cả những chuyên gia nước ngoài thông qua đào tạo của Đài. Sau sự cố gắng thể hiện của bản thân, cuối cùng tôi đã được giao đảm nhận gameshow đầu tiên của mình là “Ô cửa bí mật”.

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 8

Anh luôn gây ấn tượng với lối dẫn dí dỏm

“Đặc sản” của MC Trần Ngọc là lối dẫn nhiệt huyết, dí dỏm, nụ cười luôn nở trên môi. Đó là tính cách vốn có của anh hay là phong cách anh tạo dựng cho mình trên sóng truyền hình?

Tôi không giỏi diễn xuất nên chỉ đơn giản tâm niệm hai điều khi lên sân khấu. Một là, hãy làm thật tốt công việc của mình, bởi mỗi lần lên sân khấu là một cơ hội và là trách nhiệm. Hai là, hãy nhớ khán giả không xem mình để buồn, họ cần niềm vui và năng lượng tích cực ở một người làm MC như tôi, nên hãy gửi đến họ điều đó một cách chân thành và thật nhất.

Từng từ chối rất nhiều cơ hội để gắn bó với công việc MC truyền hình, có bao giờ anh hối hận bởi quyết định này? Biết đâu đấy, khi một lần nữa rẽ hướng, anh sẽ có nhiều trải nghiệm tuyệt vời hơn?

Tôi có tiếc nhiều điều trong cuộc sống của mình. Tiếc nhất là tôi đã không đi du học để ngắm nhìn thế giới khi còn trẻ, mặc dù gia đình đã tạo mọi điều kiện cho tôi. Còn lại, tôi không hối hận khi chọn VTV hay chọn nghề MC bởi công việc này cho tôi được sống với chình bản thân mình và đã cho tôi quá nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Trong số những chương trình mình đã dẫn dắt, anh ấn tượng với chương trình nào nhất và chương trình nào cho anh nhiều cảm xúc tuyệt vời nhất?

Như đã chia sẻ, tôi yêu sân khấu, mỗi lần đều là cơ hội để tôi được sống với công việc yêu thích nên tôi không phân hạng các chương trình mà tôi từng làm. Tôi chỉ đơn giản là yêu nghề của mình thôi!

16 năm làm việc ở VTV, dẫn cả ở trường quay lẫn hiện trường, anh đã từng gặp sự cố hay mắc sai lầm nào lớn?

Làm nhiều thì sai nhiều, may mắn là tôi không mắc các lỗi quá nghiêm trọng nên cũng được khán giả và đồng nghiệp tha thứ để rút kinh nghiệm. Tôi từng đọc lộ giá khi dẫn “Hãy chọn giá đúng”, từng cắn vào lưỡi khi dẫn “Cà phê sáng với VTV3”, từng nói nhịu không ít lần… Hiện nay, dù đã dẫn chương trình sang đến năm thứ 16, tôi thấy mình vẫn tiếp tục cần học tập và hoàn thiện.

Trần Ngọc: Từ chàng sinh viên khoa Vật Lý và bước ngoặt trở thành MC VTV - 9

MC Trần Ngọc có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc

Không chỉ là MC nổi tiếng, Trần Ngọc còn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cuộc sống gia đình hạnh phúc. Vợ chồng anh có bí quyết đặc biệt nào trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình?

Duy trì tình cảm vợ chồng không dễ dàng gì trong xã hội hiện đại nhiều áp lực và bận rộn, tôi lại là người làm công việc đặc thù nên càng khó hơn.

Tôi và bà xã chọn cách thẳng thắn trao đổi, từ chuyện to tát như tài chính sự nghiệp cho đến chuyện nhỏ như thùng rác mua màu gì đều được chúng tôi lắng nghe nhau. Tôi nghĩ, chúng tôi đã làm tốt một việc là không để người kia có cảm giác một mình kể cả trong những lúc bận rộn nhất.

Vợ chồng anh đều làm những công việc hướng ngoại. Có khi nào hai người “ghen” với đối phương không?

Không ạ! Tôi với vợ tôi còn đang không đủ thời gian để chăm sóc người kia và mong muốn tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp hơn nữa nên không có thời gian để ghen!

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!