Tranh cãi việc ông nội "cai nghiện" điện thoại cho cháu bằng vật dụng không ai ngờ

Một cuộc tranh cãi nổ ra trên mạng xã hội Trung Quốc xoay quanh câu chuyện người ông cho cháu đeo vòng cổ của chó để cai nghiện điện thoại.

Báo Thanh niên dẫn nguồn trang South China Morning Post (SCMP), cho biết 1 người đàn ông ở thành phố Tây An (thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc), đã nảy ra ý tưởng cho cháu đeo vòng cổ của chó ngày 7/12 khi ông nhìn thấy cháu gái cứ cắm mặt vào điện thoại để chơi game trong lúc cả hai cùng ngồi trên ô tô.

Trên xe có một vòng cổ dành cho chó mới mua. Đây là thiết bị đeo quanh cổ, có dạng hình nón, thường được sử dụng để ngăn chó liếm vào vết thương của mình sau khi bị chấn thương hoặc sau khi phẫu thuật. Người ông đã lấy nó và cẩn thận đeo lên cổ của bé gái.

"Bé ban đầu nhất quyết không chịu đeo vì như vậy bé không thể nhìn vào điện thoại và vì biết đó là vòng cổ dành cho chó. Dù đó là chiếc vòng cổ mới, bé vẫn không chịu đeo", mẹ của bé gái cho hay.

Video ghi lại sự việc đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Video cho thấy cô bé ngồi trong ô tô cầm điện thoại, đeo thiết bị màu hồng quanh cổ và không chịu rời khỏi xe.

Cuối cùng, khi ông của bé gái lấy đi điện thoại và bế cô bé ra khỏi xe, cô bé phản đối với vẻ mặt buồn bã: "Không, không! Cái này dành cho chó!"

"Không, cái này đặc biệt mua cho con đó. Nó có màu hồng. Nó là của con mà", mẹ cô bé trấn an.

Người mẹ sau đó tiết lộ rằng cách làm này có hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc hạn chế chứng "nghiện" điện thoại của con gái.

Tranh cãi việc ông nội

Cô bé cảm thấy vô cùng khó chịu. Ảnh: SCMP

"Trong hai ngày tiếp theo, bất cứ khi nào bé muốn sử dụng điện thoại, tôi đều đeo vòng cổ đó cho bé. Sau khi đeo được hai hoặc ba ngày, bé không còn muốn chơi điện thoại nữa nên chúng tôi không còn làm vậy", người mẹ nói với một kênh truyền thông địa phương.

Giải pháp này nhận nhiều ý kiến trái chiều trên mạng. Một số ý kiến khen ông nội sáng tạo và khuyên nó nên được dùng cho các thanh niên nghiện điện thoại. Tuy nhiên nhiều ý kiến lại phản đối vì cho rằng đây không phải là cách hay.

Một người dùng mạng bình luận: "Chúng tôi đã áp dụng phương pháp này ở nhà cho con mình nhưng nó không hiệu quả. Sẽ hiệu quả hơn nếu người lớn làm gương và không sử dụng điện thoại".

Một người khác cũng chung quan điểm: "Cái này chỉ để gây cười thôi, nó không thực tế lắm. Để khiến trẻ không dùng điện thoại nữa thì cha mẹ cần chuyển hướng sự chú ý của con sang nuôi dưỡng các sở thích hữu ích khác".