Mới đây, một nữ sinh viên 24 tuổi người Trung Quốc, có biệt danh là Tatala, đã đăng bài lên Weibo với lời khẳng định: “Tôi quyết định không học tiếng Anh nữa”. Lời giải thích của Tatala về việc này đã được xem đến 110 triệu lượt với vô số người bình luận theo những chiều hướng khác nhau.
Bằng tiếng Anh rất trôi chảy, Tatala - học chuyên ngành giáo dục - giải thích rằng cô đã luôn rất chăm học tiếng Anh từ nhỏ, nhưng lại chưa bao giờ hoàn toàn tự tin vào các kỹ năng tiếng Anh của mình.
Ví dụ, năm 15 tuổi, Tatala hỏi một người bạn người Anh rằng chữ ham (thịt đùi heo) với turkey (thịt gà tây) khác gì nhau. Người bạn này phá lên cười và giải thích như thể Tatala là một đứa trẻ: “Ham là ụt ịt. Turkey là cục tác”.
Tatala cảm thấy bị chế giễu, vì “tôi chỉ không biết từ vựng, chứ không phải tôi dốt đến mức không phân biệt được các con vật”.
“Sự cố” này khiến Tatala càng cố học tiếng Anh nhiều hơn, nhưng vẫn cảm thấy mình “chỉ có thể đọc, nhưng không hoàn toàn hiểu” trong khi cô học trung học ở Úc. Cô cũng không vui vì giáo viên không cố phát âm tên tiếng Trung của cô mà lại đặt cho cô tên tiếng Anh là Wency - một từ mà chính Tatala rất khó đọc cho đúng.
Bài đăng của Tatala đã được xem cả trăm triệu lượt. Ảnh: Weibo.
Thế rồi, có thời điểm, Tatala học một khóa là “Phụ nữ trong văn học Trung Quốc”, trong đó tất cả các bài giảng gốc vốn là tiếng Trung, nhưng được dịch sang tiếng Anh.
Tatala kể: “Tôi đọc bản tiếng Trung, đọc được 3 chương mỗi giờ. Các bạn cùng lớp người Úc của tôi đọc bản tiếng Anh, đọc được một chương mỗi ngày. Một số bạn kêu ca là khóa học này khó ngoài sức tưởng tượng, một số bỏ học. Họ thấy không hoàn toàn thấu hiểu được. Nhưng đó là những gì tôi cảm thấy trong từng môn học ở đây”.
Lúc ấy, Tatala nhận ra rằng, vấn đề thực sự không phải là các kỹ năng của cô, mà là cô không hiểu được nhiều bối cảnh văn hóa khi dùng tiếng Anh.
Đó cũng là lúc Tatala quyết định không cố theo đuổi sự hoàn hảo về tiếng Anh của mình nữa: “Dù tiếng Anh của tôi không hoàn hảo thì có sao? Đó chỉ là ngôn ngữ thứ hai của tôi thôi”.
Tatala kết luận: "Dù tiếng Anh của tôi không hoàn hảo thì cũng có sao?". Ảnh: Weibo.
Netizen xứ Trung chia thành nhiều luồng ý kiến khi bình luận về câu chuyện của Tatala.
Nhiều người thấy thông cảm với cô và chia sẻ những khó khăn khi học tiếng Anh, đặc biệt là người Trung Quốc với hệ thống chữ viết rất khác thì học càng khó.
Nhưng cũng có những người phản đối ý kiến của Tatala, bảo rằng người như cô có rất nhiều lợi thế rồi, nói gì chẳng được. Họ viết:
“Tôi thấy chuyện này giống như nói rằng tôi quyết định không làm việc nữa đâu, trong khi tôi đang có tài sản hơn 100 triệu đôla rồi”.
“Tatala đạt 8,5 IELTS, đang học ở Harvard và rõ ràng có thể sống thoải mái ở một nước nói tiếng Anh. Cho nên cô ấy không cần học nữa thì cũng đã có trình độ tiếng Anh cao hơn hầu hết mọi người rồi”.
Nói chung, đã là sinh viên Harvard thì dù không cố học thêm tiếng Anh nữa cũng đã giỏi hơn nhiều người rồi. Ảnh: Paul Marotta/ AFP/ Getty.
Dù sao, đa số mọi người cũng có ý kiến hợp lý hơn, rằng chúng ta không thể nào hoàn toàn tự tin với một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng không ai nên thấy điều đó là đáng xấu hổ, mà cần chấp nhận và nâng cao khả năng tùy theo yêu cầu học tập/ công việc. Nói cho cùng, ngôn ngữ luôn là một công cụ thôi mà, điều quan trọng là có thể sử dụng được nó chứ không nhất thiết phải “trở thành người bản xứ” đâu.