Tranh luận về chức danh "Sao đỏ" trong trường học: Quyền lực có vào tay học trò quá sớm?

"Sao đỏ" là một chức vụ có quyền hành nhất định, giúp các thầy cô giám sát học sinh. Tuy nhiên, cũng chính vì những quyền hành này gây nên những tranh cãi.

"Sao đỏ" là chức vụ thường thấy ở các cấp Tiểu học và THCS khi một số học sinh được giáo viên giao làm nhiệm vụ giám sát mọi hoạt động của lớp rồi báo lại với nhà trường. Những học sinh được chọn thường là những bạn học giỏi, có hạnh kiểm từ khá trở lên, hầu như ai được nhận chức vụ này đều rất tự hào với chức danh của mình. 

Không chỉ ở Việt Nam, một số quốc gia cũng tồn tại đội ngũ tương tự trong nhà trường. Nhiều nơi đề cao việc phát huy vai trò tự quản của học sinh và cho rằng người lớn không thể nào làm tốt việc này hơn con trẻ. Tại Nhật Bản, các trường từ cấp 1 đến cấp 3 đều có đội ngũ tự quản, mỗi lớp có từ 1 - 2 học sinh được hướng dẫn và giao nhiệm vụ giám sát, chịu trách nhiệm phân công dọn dẹp, ghi nhận những mặt tích cực, tiêu cực của học sinh và đương nhiên có hội đồng chuyên theo dõi. 

"Sao đỏ" được coi là cánh tay đắc lực trong việc quán xuyến nội quy lớp học, giúp giáo viên sớm nhận ra các biểu hiện bất thường nếu có ở cả trong lẫn ngoài trường. Tuy các trường có nội dung thi đua khác nhau nhưng hầu hết đều chấm theo 2 nội dung là học tập và nề nếp. Việc đánh giá thi đua lớp học theo tuần/tháng/năm, thậm chí đánh giá năng lực của giáo viên, cũng phụ thuộc vào các chỉ số này nên đôi khi cả học sinh lẫn chủ nhiệm đều lo sợ vấn đề "Sao đỏ" trừ điểm.

Cô Mai Anh, một giáo viên cấp 2 tại Hà Nội, chia sẻ: "Tôi thấy về mặt bản chất, sự có mặt của Sao đỏ không có gì sai, giúp học sinh có nề nếp hơn, nhưng cách làm của nhiều trường học hiện nay đã làm mất đi những mặt tính cực của nó. Mọi vấn đề chấm điểm thi đua tuần, tháng đều do một tay Sao đỏ ghi chép lại, rồi những chỉ số này cũng được xem là tiêu chuẩn đánh giá giáo viên cuối năm. Bảo sao cả cô lẫn trò đều sợ bị sao đỏ trừ điểm!".

Cũng có những học sinh bị cô lập chỉ vì làm Sao đỏ. (Ảnh minh họa)

Đối với giáo viên là vậy còn đối với học trò thì hai từ "sao đỏ" lại càng trở nên ám ảnh. Nội quy nhiều, chỉ cần sơ sẩy chút như không đeo khăn quàng, cởi sơ vin một lúc cho mát... là cũng có ngay tên trong sổ trực. 

Thực tế, các trường không có khóa khuấn luyện "Sao đỏ", "Cờ đỏ", hầu hết học sinh làm chức vụ này hoàn toàn theo bản năng và sự chỉ dạy của anh chị đi trước. Nhiều bạn cũng vì thiếu sự hướng dẫn mà bất chấp quyền lực để nạt nộ bạn bè và đã có rất nhiều trường hợp vì quá sợ bị trừ điểm, "bêu" trước trường nên đã phải nghĩ cách lấy lòng "Sao đỏ".

Ở phía ngược lại, nhiều khi "Sao đỏ" cũng không thích chức vụ của mình vì việc ghi lỗi của lớp nhiều khi khiến học trò trở thành mục tiêu bắt nạt của các thành viên lớp khác. Chị Phùng Mai có con đang học lớp 3 một trường Tiểu học ở Hà Nội cho biết: "Mình có con làm Sao đỏ nhưng tuần trước vừa phải xin cho cháu nghỉ. Con kể chỉ làm theo lời cô giáo, ghi đúng người, đúng tội lớp hay quậy phá nên thành ra lớp đó đứng bét trường. Học sinh trong lớp đâm ra ghét, thấy mặt con mình là lại chặn cửa, dọa nạt. Con mình lớp 3 biết gì đâu, cô giáo bảo gì thì nghe nấy thôi chứ!".

Mới đây, vụ việc bé lớp 1 trường Tiểu học Quang Trung (Hải Phòng) nhận không dám vào trường tránh nắng vì sợ Sao đỏ hay trước đó, một cô giáo Quảng Bình phạt 231 học sinh lớp 6 vì bị đội Sao đỏ ghi vào sổ đã liên tiếp rấy nên tranh cãi về quyền lực Sao đỏ nơi trường học. Liệu Sao đỏ có bị biến chất và trở thành thế lực ngầm nơi giảng đường khiến cả giáo viên và học sinh phải lao đao?

Về bản chất, Sao đỏ chỉ là người giám sát và báo cáo lại công việc với thầy cô nhưng khi nhiệm vụ của đội này gắn chặt với các chỉ số thi đua thì vai trò của Sao đỏ được đẩy lên tầm cao mới. Những đứa trẻ chưa đầy đủ nhận thức mà được trao quyền vượt lên trên những học sinh khác thì liệu có chắc chắn về việc chúng sẽ sử dụng quyền lực một cách hiệu quả và công bằng? Còn các học sinh khác khi bị đối xử bất công sẽ mất đi niềm tin vào sự công bằng và có thể sinh ra oán giận.

Bạn Phan Linh, một sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương, bày tỏ quan điểm về vấn đề này: "Hồi xưa mình đi học chỉ gặp Sao đỏ ở cấp 1. Bản thân mình cũng từng làm dù chẳng có cơ to hay bố mẹ làm chức vụ gì trong trường. Việc chủ yếu là ghi lại mấy lớp không trực nhật hoặc đi muộn, bạn nào không đeo khăn quàng. Thấy Sao đỏ cũng bình thường mà nghe nhiều người kể chuyện bị Sao đỏ hành thế này, thế kia ghê quá!

Nếu đúng thì quả thực không nên trao quyền vào tay tụi trẻ, thuần túy chỉ ghi chép báo cáo thì được chứ cho quyền lực đuổi khỏi lớp, cấm vào trường... thì không nên đâu! Quyền lực làm tha hóa tâm lý là thí nghiệm đã được ghi nhận, cho trẻ con quyền lực sớm rất dễ trở nên khó dạy bởi tâm lý chưa đủ vững chống lại tác động tiêu cực".

Nếu không có sự đánh giá rõ ràng các tiêu chí thi đua và hướng dẫn bài bản thì chức danh Sao đỏ rất dễ trở nên phản tác dụng. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận Sao đỏ đã giúp việc quản lý học sinh, nhất là với thầy cô, tốt lên nhiều bởi họ cũng chỉ là người bình thường, không thể tai mắt 24/24 để ý đến từng học sinh.

Nếu học sinh nào cũng tự giác thì cần gì Sao đỏ! (Ảnh minh họa)

Bạn Nguyễn Tài, học sinh cấp 3 trường THPT Nguyễn Siêu, nêu ý kiến: "Giáo viên 1 người, lớp hơn 40 bé. Quản lý hết thì lấy đâu ra thời gian cho các cô làm việc khác như chấm điểm, soạn bài vở. Thầy cô cũng có cuộc sống riêng, phải chăm lo con cái đến trường nên mới cần những bạn Sao đỏ, những người có thể giúp thầy cô để mắt công việc.

Hãy đặt mình vào vị trí của người thầy, người cô để hiểu chứ chỉ nhìn phương diện phụ huynh, học sinh rằng giáo viên phải có trách nhiệm đến từng em một thì khổ cho nghề giáo quá. Thầy cô cũng chỉ có 2 tay 2 chân như người thường thôi, hãy hiểu cho họ!".

Việc đánh giá có cần thiết chức danh này không thì cần nhìn rộng khắp vùng miền và ý kiến của các thầy cô giáo. Nếu chỉ dạy trong phạm vi hẹp, mỗi học sinh có thể tự chủ và điều chỉnh hành vi thì giáo viên hoàn toàn có thể kiếm soát được. Còn với trường hợp các trường có biên chế vài chục lớp với sĩ số lên đến 40 - 60 học sinh mỗi lớp mà không có lực lượng chuyên viên giáo dục hay nhân viên tư vấn thì vẫn rất cần đội ngũ Sao đỏ. 

Nhưng mọi việc chỉ nên dừng ở việc báo cáo lỗi còn chấm điểm, đánh giá thi đua hay những trách nhiệm lớn lao như giao quyền đuổi khỏi lớp, cấm vào trường thì rất cần xem lại. Rõ ràng mối quan hệ thưởng, phạt học sinh luôn cần xem xét một cách cẩn trọng.

Nhà trường duy trì đội ngũ Sao đỏ nhưng phải có biện pháp tập huấn để Sao đỏ làm đúng chức năng của mình. Trường học là nơi quy tụ những học sinh tích cực, hướng đến cái tốt giúp bạn bè cùng tiến bộ chứ không phải chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của người khác để báo cáo thành tích.

Theo Kenh14.vn