Mùa hè năm 2025, nhiều quốc gia châu Âu đang trải qua những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài cả ngày lẫn đêm, với nhiệt độ tại một số nơi vượt quá 40°C. Tuy nhiên, điều hòa nhiệt độ vẫn không phải là giải pháp phổ biến để làm mát của người dân nơi đây, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc có nên mở rộng sử dụng thiết bị này hay không.
Theo thống kê, chỉ khoảng 20% hộ gia đình ở châu Âu sử dụng điều hòa. Phần lớn người dân vẫn dựa vào quạt điện hoặc tắm nước lạnh để hạ nhiệt. Ông Filippo Bellone, một người dân tại Italy, chia sẻ: “Nếu bạn không có gì để làm mát, bạn có thể vã mồ hôi tới kiệt sức”.
Nguyên nhân chính đến từ yếu tố lịch sử và hạ tầng. Châu Âu vốn hiếm khi trải qua những đợt nắng nóng kéo dài trong quá khứ, nên nhiều công trình không được thiết kế để chống nóng. Việc lắp đặt hệ thống làm mát trung tâm trong các tòa nhà cũ gặp nhiều trở ngại, từ chi phí cao đến các quy định về bảo tồn kiến trúc. Tại Anh, chính quyền đôi khi từ chối lắp điều hòa trong khu bảo tồn do lo ngại ảnh hưởng thẩm mỹ. Ở Tây Ban Nha, máy lạnh nơi công cộng bị giới hạn không được đặt dưới 27°C.

Các cô gái hóng mát bên hồ Ada Ciganlija trong ngày nắng nóng tại Belgrade, Serbia, ngày 25/7/2025. (Ảnh: AP)
Ông Lionel Desveaux, quản lý một cửa hàng điện máy tại Pháp, cho biết năm nay nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn khiến nhu cầu mua thiết bị làm mát tăng mạnh. Tuy nhiên, do thiết kế nhà cửa không cách nhiệt tốt, nhiệt độ trong nhà có lúc vượt 30°C, gây khó chịu cho người dân.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ các cam kết khí hậu. Liên minh châu Âu đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nên các nước thành viên không khuyến khích việc phổ biến thiết bị tiêu thụ điện năng lớn như điều hòa. Các chuyên gia cảnh báo, nếu xu hướng nóng lên toàn cầu tiếp diễn, điều hòa có thể trở thành nhu cầu thiết yếu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn hàng nghìn ca tử vong do nắng nóng cực đoan.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết châu Âu là lục địa có tốc độ tăng nhiệt nhanh nhất toàn cầu. Tháng 6 vừa qua là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận tại Tây Âu, cho thấy mùa hè năm nay có thể là bước ngoặt buộc các thành phố châu Âu phải thay đổi. Một số quốc gia đang cân nhắc lại chính sách, giữa hai lựa chọn: mở rộng sử dụng điều hòa gắn với giải pháp “xanh hóa” năng lượng, hoặc đẩy nhanh cải tạo hạ tầng và phát triển đô thị bền vững để nâng cao khả năng chịu nhiệt của người dân.