Nhiệt độ chênh lệch ngày đêm trong thời gian chuyển mùa gần đây dễ gây co mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim cấp tính hoặc đột quỵ. Bác sĩ Giang Mạnh Tranh - bác sĩ điều trị tại Khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Đại Giáp Lý, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, cách đây vài ngày, một người đàn ông khoảng 30 tuổi nhập viện, anh không hề biết mình bị cao huyết áp, có sở thích ăn lẩu. Gần đây trời chuyển lạnh, người đàn ông này ăn lẩu thường xuyên.
Khi vào viện, bệnh nhân cho biết, vài ngày trở lại đây anh bị tức ngực và khó chịu, ban đầu anh không coi trọng, chịu đựng cơn đau và đi làm như bình thường, không ngờ cơn đau dữ dội ở ngực lại càng ngày càng nghiêm trọng, thêm hiện tượng đổ mồ hôi đêm, đau đến mức gần như không thể chịu đựng được, kèm theo khó thở.
Cảm thấy bệnh nặng, bệnh nhân xin nghỉ việc và ngay lập tức đến bệnh viện để điều trị. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện anh mắc bệnh nhồi máu cơ tim, muộn hơn chút nữa là khó sống. Trong thời gian vàng, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu đặt stent thông tắc, sau khi điều trị và dùng thuốc, anh qua cơn nguy kịch, cơ thể đang dần hồi phục.
Qua trường hợp này, bác sĩ Giang Mạnh Thành chỉ ra, thời tiết chuyển lạnh là nhiều người thích dùng các món nóng như ăn lẩu, tuy nhiên, hầu hết các món lẩu đều có chỉ số đạm cao, các loại nước chấm cũng pha nhiều gia vị, dầu mỡ, cực dễ ảnh hưởng đến mạch máu.
Đối với những người có vấn đề về mạch máu, huyết áp, trong mùa này có khả năng khởi phát các bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ dưới sự co bóp quá sức của mạch máu.
Các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim thường xuất hiện là tức ngực, đau ngực, đổ mồ hôi ban đêm, khó thở, đau thắt ngực không rõ nguyên nhân. Các triệu chứng cấp tính bao gồm đổ mồ hôi lạnh do khó thở, kéo dài trong thời gian dài... Quá 15 phút mà không thấy thuyên giảm thì nên đi khám ngay, không được chậm trễ.