Trung Quốc bán vé du lịch vũ trụ trên Taobao: Hơn 7 tỷ đồng trải nghiệm 12 phút, vẫn quá hời so với Mỹ

Công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ Trung Quốc Deep Blue Aerospace đang chào bán thêm 20 vé du lịch vũ trụ với giá hơn 7 tỷ VNĐ, sau khi hai vé giảm giá đầu tiên đã được bán hết.

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, tại cửa hàng chính thức trên nền tảng thương mại điện tử Taobao (Trung Quốc), Deep Blue Aerospace định giá chuyến du lịch là 2 triệu nhân dân tệ (RMB, khoảng 7,1 tỷ VNĐ), sau khi bán được hai vé trong buổi phát sóng trực tiếp hôm 24/10 với giá giảm một nửa.

Khi được SCMP liên hệ vào ngày 26/10, bộ phận hỗ trợ khách hàng của Deep Blue Aerospace trên Taobao cho biết còn 20 vé nữa, và những người mua - những người cần đặt cọc trực tuyến 100.000 RMB/vé (356 triệu VNĐ) - phải đến trung tâm nghiên cứu của công ty tại Bắc Kinh để ký hợp đồng và thanh toán phần còn lại.

Trung Quốc bán vé du lịch vũ trụ trên Taobao: Hơn 7 tỷ đồng trải nghiệm 12 phút, vẫn quá hời so với Mỹ- Ảnh 1.

Hình ảnh quảng cáo về buổi phát sóng trực tiếp giới thiệu chuyến du lịch vũ trụ của Deep Blue Aerospace.

Theo thông tin khuyến mại của Deep Blue Aerospace, chuyến du lịch cận quỹ đạo dự kiến khởi hành vào năm 2027, sẽ kéo dài khoảng 12 phút, lên độ cao tối đa là 150 km, bao gồm trải nghiệm không trọng lực kéo dài ít nhất 5 phút.

Hành khách “sẽ được trải nghiệm sự bao la và bí ẩn của vũ trụ và chứng kiến cảnh quan tráng lệ bên ngoài Trái Đất. Đây sẽ là một hành trình không gian toàn diện, đa giác quan, không thể nào quên trong suốt cuộc đời", Deep Blue Aerospace viết.

Deep Blue Aerospace sử dụng tên lửa đẩy Nebula-1 kết hợp với tàu vũ trụ Rocketaholic có thể chở 6 người, ngắm không gian qua 6 cửa sổ toàn cảnh. Chuyến trở về Trái đất của tàu vũ trụ sẽ được hỗ trợ bởi một chiếc dù được thiết kế để tái sử dụng hơn 50 lần.

Deep Blue Aerospace khuyến nghị hành khách, lý tưởng nhất là những người từ 18 đến 60 tuổi, nên tham gia khóa đào tạo an toàn một tháng trước chuyến đi.

"Hành khách được khuyến cáo mạnh mẽ nên mua bảo hiểm riêng phù hợp cho du lịch vũ trụ", công ty cho biết trên tài khoản WeChat của mình hôm 23/10, một ngày trước buổi phát sóng trực tiếp.

Deep Blue Aerospace cho biết thời gian chờ đợi 3 năm cho chuyến bay là do "thấu hiểu sâu sắc về sự phức tạp và rủi ro của công nghệ tên lửa".

Công ty cho biết thêm rằng, "trong thời gian này, công ty sẽ dành toàn bộ nỗ lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, thử nghiệm xác minh và tối ưu hóa hiệu suất để đảm bảo tên lửa đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất".

Trong bài đăng trên mạng xã hội WeChat, Deep Blue Aerospace cho biết có kế hoạch tiến hành "nhiều lần thử nghiệm phục hồi và tái sử dụng" trên Nebula-1 vào năm 2025.

Theo SCMP, Deep Blue Aerospace - được thành lập vào năm 2016 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) - đã gia nhập một nhóm các công ty tiên phong về thương mại vũ trụ trên thế giới để đưa những người bình thường vượt qua ranh giới Karman - ranh giới phân chia bầu khí quyển của Trái Đất và không gian bên ngoài.

Blue Origin của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos là một trong hai công ty đã đưa khách hàng trả tiền lên không gian dưới quỹ đạo. Công ty còn lại là Virgin Galactic (Mỹ); công ty này vận hành một máy bay vũ trụ được triển khai từ một máy bay vận tải trên không trung và quay trở lại Trái Đất để hạ cánh trên đường băng. Virgin Galactic hiện tính phí 450.000 USD/vé (11,4 tỷ VNĐ); còn Blue Origin chưa tiết lộ giá vé.

Trung Quốc bán vé du lịch vũ trụ trên Taobao: Hơn 7 tỷ đồng trải nghiệm 12 phút, vẫn quá hời so với Mỹ- Ảnh 2.

Hành khách trên máy bay vũ trụ của công ty Virgin Galactic. Ảnh: Virgin Galactic

Theo tờ Times of India (Ấn Độ), cũng đã có một số công ty đã gia nhập ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Trung Quốc trong những năm gần đây. Vào tháng 5, CAS Space tiết lộ ý định cung cấp các chuyến du lịch vũ trụ vào năm 2028, góp phần cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với loại hình du lịch này tại Trung Quốc.

Trong khi các công ty thương mại đạt được những bước tiến, chương trình vũ trụ do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cũng có những kế hoạch đầy tham vọng của riêng mình. Nước này đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030, với mục tiêu dài hạn là xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng.

Những diễn biến này phản ánh cam kết ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc tăng cường sự hiện diện trong không gian, cả về mặt thương mại và thông qua các sáng kiến do nhà nước chỉ đạo, khi nước này tìm cách trở thành một thế lực toàn cầu trong cuộc đua không gian.