Hơn 200 trẻ mẫu giáo đã bị phát hiện có dấu hiệu nhiễm độc chì sau khi ăn bánh ngọt và bánh ngô tại trường. Cảnh sát đã bắt giữ hiệu trưởng trường cùng nhiều người liên quan.

(Ảnh minh họa: AFP)
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), cuộc điều tra được tiến hành tại Trường mẫu giáo Peixin sau khi có nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng con em họ bị đau bụng, buồn nôn, thậm chí có trẻ răng chuyển màu đen bất thường.
Kết quả kiểm tra cho thấy 233 em nhỏ có hàm lượng chì trong máu ở mức "bất thường", trong đó 201 em đang được điều trị tại bệnh viện. Tất cả đều là học sinh của trường mẫu giáo Peixin.
Qua điều tra ban đầu, nguyên nhân khiến các em nhỏ nhiễm độc được xác định là do thực phẩm nhiễm chì nghiêm trọng. Các mẫu bánh được phục vụ trong bữa ăn tại trường, cụ thể là bánh chà là ba màu và bánh ngô, được phát hiện chứa hàm lượng chì cao gấp hơn 2.000 lần mức cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia.
Theo hồ sơ của chính phủ Trung Quốc, giới hạn cho phép đối với chì trong các sản phẩm làm từ bột mì và tinh bột là 0,5mg/kg. Tuy nhiên, bánh chà là được phát hiện chứa tới 1.052mg/kg, còn bánh ngô lên tới 1.340mg/kg.
Một đoạn video trích xuất từ camera an ninh cho thấy nhân viên bếp của trường đã trộn chất tạo màu vàng có nguồn gốc không rõ ràng vào bột để làm các món bánh này.
Đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn nguồn tin điều tra cho biết, bà Zhu, hiệu trưởng trường mẫu giáo Peixin, cùng ông Li, một nhà đầu tư của trường, đã bị bắt giữ cùng với 6 người khác có liên quan. Ngoài ra, hai đối tượng khác hiện đang được tại ngoại để chờ xét xử.
Cơ quan chức năng cáo buộc bà Zhu và ông Li đã cho phép nhà bếp sử dụng loại bột màu công nghiệp mua qua mạng, không được phép dùng trong thực phẩm và có chứa hàm lượng chì cao. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến hàng trăm trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe.
Cũng theo kết quả điều tra ban đầu, các trường mẫu giáo khác có liên kết với hệ thống của Peixin không ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm độc.

Bên ngoài trường mẫu giáo Peixin ở thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. (Ảnh: Handout)
Vụ việc lần này một lần nữa gợi nhắc nỗi ám ảnh của người dân Trung Quốc về những bê bối thực phẩm từng làm rúng động đất nước. Còn nhớ năm 2008, vụ sữa bột nhiễm melamine đã khiến hơn 300.000 trẻ em bị bệnh, ít nhất 6 em thiệt mạng, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp nơi.
Tuy Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp cải thiện trong giám sát và nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, nhưng các vụ việc mới vẫn liên tục bị phát hiện. Chỉ trong năm ngoái, thông tin dầu ăn được vận chuyển bằng các bồn chứa từng dùng để chở nhiên liệu đã khiến cư dân mạng phẫn nộ và hoài nghi sâu sắc về sự an toàn trong bếp ăn công nghiệp.
Gần đây, Trung Quốc cũng mở cuộc điều tra về tình trạng nhiễm hóa chất trong quả kỷ tử - một loại dược liệu phổ biến và ra lệnh thu hồi loại kẹo "chai sáp" sau khi phát hiện chất tạo mùi có hại trong sản phẩm này.
Vụ nhiễm độc chì ở thành phố Thiên Thủy một lần nữa cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục mầm non - nơi lẽ ra phải được giám sát chặt chẽ hơn cả vì đối tượng phục vụ là trẻ em.
Một số phụ huynh chia sẻ với báo chí nhà nước rằng họ không hề được thông báo chính thức từ nhà trường cho đến khi con họ phải nhập viện. "Cháu kêu đau bụng, nôn mửa liên tục, răng bị đen, mà nhà trường thì chỉ nói là 'bình thường do thời tiết'", một phụ huynh bức xúc kể lại trên trang Jimu News.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng chì là kim loại nặng đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ vì có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh và ảnh hưởng phát triển lâu dài. "Dù chỉ nhiễm chì ở mức thấp, nhưng nếu kéo dài, trẻ có thể gặp vấn đề về hành vi, học tập và suy giảm trí tuệ", một bác sĩ nhi khoa tại Bắc Kinh cho biết.
Cộng đồng mạng Trung Quốc đang kêu gọi xử lý nghiêm những người liên quan và yêu cầu tăng cường giám sát bếp ăn học đường trên toàn quốc. Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết đang tiếp tục xét nghiệm, theo dõi sức khỏe các em nhỏ và mở rộng điều tra các nhà cung cấp nguyên liệu.