Theo số liệu vừa công bố sáng 19/12 của Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc đã báo cáo 2 ca tử vong do Covid-19 trong cộng đồng một ngày trước đó ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là các trường hợp tử vong đầu tiên kể từ khi nước này công bố thêm 10 biện pháp tối ưu hóa công tác phòng chống dịch vào ngày 7/12 và cũng là những ca tử vong đầu tiên sau 2 tuần. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 11 ca bệnh nặng. Trong 2 tuần qua, Trung Quốc cũng có một vài ca tử vong được đăng trên truyền thông mạng và báo chí địa phương, nhưng không được đưa vào số liệu thống kê.
Cư dân địa phương nhận thuốc tại một phòng khám sốt cơ sở được chuyển đổi từ trạm xét nghiệm PCR ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 18/12. Ảnh: IC.
Mặc dù số ca bệnh cộng đồng trong ngày 18/12 vẫn thấp, chỉ 1.918 trường hợp, song tình trạng thiếu nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện địa phương đang trở nên trầm trọng do nhiều người trong số họ cũng mắc Covid-19. Bên cạnh đó, do số bệnh nhân nhập viện gia tăng, hệ thống y tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Theo tờ The Paper, hàng loạt cơ sở y tế, như Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Cát Lâm, Bệnh viện Nhân dân số 4 của thành phố Hoành Thủy, tỉnh Hà Bắc hay Bệnh viện Đa khoa Cấp cứu Bắc Kinh, những ngày qua liên tiếp đăng thông tin cho biết, do dịch bệnh phát triển nhanh chóng, các bệnh viện này đang phải đối mặt với áp lực rất lớn chỉ trong thời gian ngắn. Kể từ khi thực hiện “20 biện pháp” và “10 biện pháp mới” nới lỏng phòng chống dịch, một lượng lớn bệnh nhân, trong đó có nhiều người dương tính với Covid-19 đã đổ về các bệnh viện này, trong khi tỷ lệ mắc bệnh trong đội ngũ nhân viên y tế cũng tăng rất nhiều, khiến số người làm việc tại chỗ giảm mạnh.
Tuy nhiên, các bệnh viện cũng ý thức được rằng đỉnh dịch thực sự vẫn chưa đến, trong vòng 1-2 tháng tới, thậm chí lâu hơn mới là “thời điểm khó khăn” đối với các cơ sở và nhân viên y tế Trung Quốc. Do vậy, để đối phó với tình trạng thiếu nhân sự, ngoài việc các nhân viên tự nguyện làm thêm giờ và chi viện tuyến đầu, một số bệnh viện còn đưa ra đề xuất, kêu gọi những người mắc bệnh nhẹ và không có triệu chứng tiếp tục làm việc, những nhân viên có triệu chứng nặng trở lại làm việc ngay sau khi hết các triệu chứng.
Bệnh viện bà mẹ trẻ em ở Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc còn viết thư ngỏ nêu rõ, để chủ động ứng phó với đỉnh dịch có thể xảy ra trong dịp Năm mới và Tết Nguyên đán, cũng như đảm bảo hoạt động bình thường của đơn vị, bệnh viện này đề nghị nhân viên “không rời hỏa tuyến khi bệnh nhẹ”, những người mắc Covid-19 không có triệu chứng được sắp xếp làm việc ở các khu có bệnh nhân dương tính, những người có triệu chứng sốt về nguyên tắc chỉ nghỉ 3 ngày, tối đa không quá 5 ngày.
Bệnh viện Nhân dân quận Đồng Nam, thành phố Trùng Khánh cũng ra bản kiến nghị, nhấn mạnh các nhân viên y tế khi nhiễm bệnh có thể đau đầu, sốt, đau nhức cơ thể, nhưng thời điểm này họ không thể “ngã xuống”, không dám “ngã xuống”, càng không thể “ngã xuống” tập thể, đồng thời kêu gọi họ trở lại làm việc ngay sau khi các triệu chứng được cải thiện và tích cực tham gia điều trị bệnh nhân.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhân dân huyện Nghi Chương, tỉnh Hồ Nam, ngoài việc vận động nhân viên không rời hỏa tuyến, còn kêu gọi các nhân viên hành chính “dũng cảm xông pha ra tuyến đầu”, cán bộ đảng viên phát huy vai trò đi đầu, bám chắc trận địa.
Trước đó, hôm 15/12, hệ thống y tế tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc cũng tuyên bố ở trong tình trạng trực chiến cấp độ một, xác định các cơ sở y tế là “trận địa chính” trong phòng chống Covid-19, do vậy từ nay đến hết tháng 3/2023, hệ thống y tế trên toàn tỉnh sẽ hủy bỏ tất cả các ngày nghỉ lễ và bố trí trực 24/24, nhằm bảo đảm vượt qua “thời kỳ quá độ” một cách bình ổn, tạo nền tảng vững chắc cho thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Theo giáo sư Trương Văn Hồng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán, trong thời gian tới, các bác sĩ cơ sở ở cấp cộng đồng sẽ phải gánh chịu hơn 99% áp lực phòng chống dịch, nhằm tránh để người bệnh tràn lên các bệnh viện tuyến trên, như vậy mới có thể đảm bảo các bệnh viện tuyến trên làm tốt công tác cứu chữa cho các ca bệnh nặng và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.