Tiệc tất niên công ty được tổ chức với nhiều mục đích tốt đẹp như tạo cơ hội cho các nhân viên “xả hơi” sau một năm làm việc đầy áp lực, là dịp để ban lãnh đạo công ty trao thưởng, bày tỏ sự tri ân đến mọi người, tăng cường giao lưu và sự kết nối giữa các thành viên…
Có người không mấy mặn mà với tiệc tất niên công ty nhưng có những người rất hào hứng và chờ mong sự kiện đặc biệt này. Đức Nghĩa (25 tuổi) là một trong số đó. Là người hướng ngoại, anh chưa từng từ chối các bữa tiệc ở cả công ty cũ lẫn công ty mới. Riêng tiệc cuối năm, Đức Nghĩa cho rằng, càng nên tham gia vì đó là “quyền lợi” của nhân viên.
“Đâu phải tự nhiên sinh ra bữa tiệc cuối năm. Công ty bỏ tiền ra tổ chức cũng là để tri ân nhân viên sau một năm làm việc cố gắng, dù không nằm trong danh sách khen thưởng cũng nên tham gia. Đối với mình, tất niên công ty là khoảng thời gian thực sự vui vẻ, nó như “liều thuốc giải độc” cho một năm hộc hơi chạy KPI, doanh số… Gạt bỏ mọi lý do xung quanh đi, chỉ tập trung vào mục đích chính của buổi tiệc này, chúng ta sẽ thấy rất đáng để tham gia”, Đức Nghĩa nói.
6 năm làm việc ở một công ty truyền thông, quảng cáo, Thanh Mai (29 tuổi) nhiều lần “né” tiệc cuối năm của công ty. Nhưng sau một lần bắt buộc tham gia vì nằm trong nhóm lên sân khấu nhận thưởng, cô thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về sự kiện này.
Thanh Mai vốn sống khép kín, không thích xuất hiện ở đám đông, với sếp và đồng nghiệp, cô cũng không mấy thân thiết. Ở nơi cô làm việc, mỗi người có một nhiệm vụ riêng, không phải làm việc nhóm nhiều nên mọi người ít giao tiếp với nhau. Dù ở đây đã lâu, Thanh Mai vẫn chưa thể hoà nhập với mọi người.
Tuy nhiên, bước ra khỏi không gian văn phòng, xuất hiện ở tiệc tất niên 2021, Thanh Mai thấy đồng nghiệp xung quanh mình như biến thành người khác.
“Thường ngày ai cũng lạnh lùng mà lúc đó lại cười nói thả ga, ríu rít buôn chuyện. Mấy chị thấy mình lạc lõng ngồi một góc còn kéo mình đến chung vui. Ngay cả vị sếp khó tính, mặt đầy “sát khí” cũng “quẩy” nhiệt tình khiến mình “mắt tròn mắt dẹt”. Lần đầu tiên mình thấy, sếp và đồng nghiệp cũng dễ thương đấy chứ”, Thanh Mai chia sẻ.
Tiệc tất niên công ty đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho nhiều người (ảnh minh hoạ)
Nói đến tiệc cuối năm công ty, Thiên An (26 tuổi) rất hào hứng. Cô nàng nói, đối với cô và hội chị em, tiệc tất niên là “tiệc giải ế” cực kỳ hiệu quả.
“Nghe tưởng đùa nhưng là thật đấy. Nhờ tiệc tất niên mà nhiều anh chị em trong ty mình “thoát ế” ngoạn mục luôn. Công ty mình tổ chức tiệc cuối năm cho tất cả các văn phòng chi nhánh, mời cả đối tác nên số lượng đông và đa dạng lứa tuổi. Năm nào cũng thế, từ đầu tháng 11, mấy nhóm chat nội bộ đã ngập tràn danh sách khách mời, mặc gì, trang điểm thế nào… Thế nên, tụi mình gọi tiệc này là tiệc “giải ế” chứ chẳng phải để tri ân hay khen thưởng gì cả”, Thiên An cười nói.
Thiên An cho rằng, không có lý do gì để từ chối một sự kiện vui vẻ như tiệc cuối năm công ty. Ở góc nhìn thực tế hơn, tiệc tất niên là cơ hội tuyệt vời để dân văn phòng mở mang mối quan hệ, thắt chặt tình cảm đồng nghiệp và thu hút sự chú ý của các sếp lớn.
“Mình từng chứng kiến hai đồng nghiệp tranh nhau vị trí phó phòng, một người có năng lực nhỉnh hơn hẳn và một người rất giỏi quan hệ. Bữa tiệc tất niên năm đó, anh bạn có năng lực kia cáo ốm không đến, anh còn lại thì góp mặt trong mọi hoạt động của công ty, rồi đem rượu đi chúc mừng sếp này sếp nọ. Cuối cùng, anh đó đã được sếp trao cho chức vụ phó phòng với lý do, vị trí này không chỉ cần năng lực mà còn cần sự hoạt bát, quảng giao. Tất nhiên, câu chuyện mình kể không phải điển hình nhưng để thấy rằng, đôi khi tìm cơ hội để mở rộng mối quan hệ cũng là một cách để thăng tiến”, Thiên An kể.
Thuỳ Linh (27 tuổi) có quan điểm rất rõ ràng về việc tham gia tiệc tất niên công ty. Cô cho rằng, đây là sự kiện mỗi năm mới có một lần, các nhân sự nên tham gia với tinh thần vui vẻ và thoải mái nhất.
“Mình biết, ngay trong công ty mình có nhiều người đăng ký tham gia, giả vờ chuẩn bị như thật nhưng đến gần ngày lại viện cớ trốn tránh. Hành xử kiểu này mình xin đánh giá là không được hay lắm. Đi tất niên đâu nhất thiết phải mua quần áo mới, làm tóc, làm nail này nọ cho tốn kém. Dress code cũng chẳng cầu kỳ đến thế, tự mỗi người làm cho nó phức tạp lên thôi.
Có bạn còn bảo: “Cả năm đi làm có vui vẻ ngày nào đâu mà đi tiệc tất niên”. Thế thì thực sự buồn cho họ, nên kiếm công ty khác thay vì ở đó chống đối mỗi ngày. Việc không đi tiệc cuối năm là lựa chọn mỗi người nhưng hãy hành xử sao cho văn minh, đừng đổ lỗi là công ty tổ chức chán hay gì. Như vậy là kém văn minh lắm”, Thuỳ Linh chia sẻ.