Theo Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR), tài khoản Cuihua đã ghi lại hành trình giảm cân của mình cho hàng chục nghìn người theo dõi trên Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quốc - nhằm truyền cảm hứng giảm cân cho công chúng.
Gần đây, Cuihua đã đăng tải một số video quay cảnh mình đang tập luyện cường độ cao như chạy bộ và nâng tạ, chia sẻ rằng với số cân hiện có là 156 kg, cô đang cố gắng giảm 100 kg.
Hình ảnh Cuihua đang luyện tập giảm cân tại một trung tâm. Ảnh: CNR
CNR đưa tin Cuihua - có tên thật mang họ Zhou - đã tham gia một số trung tâm huấn luyện giảm cân ở nhiều thành phố khác nhau để đạt được mục tiêu cuối cùng và đã giảm được hơn 27 kg trong hai tháng trước khi qua đời. Hai ngày trước khi mất, Cuihua đang tham gia một khoá giảm cân ở một trung tâm tại tỉnh Thiểm Tây.
Theo lời khai của trung tâm huấn luyện, mặc dù họ khuyến khích “các bữa ăn bổ dưỡng, nghỉ ngơi và tập thể dục lành mạnh”, song Cuihua chọn hạn chế chế độ ăn kiêng đồng thời tập thể dục cường độ cao. Hiện các video và hình ảnh về quá trình giảm của Cuihua đã bị xóa khỏi tài khoản.
Các phương tiện truyền thông nhà nước nói rằng gia đình của Cuihua đã nhận được “tiền bồi thường” từ trung tâm giảm cân ở Thiểm Tây, nhưng không nêu rõ số tiền là bao nhiêu.
Chính quyền địa phương cho biết họ đang điều tra cái chết của Cuihua và liệu trung tâm giảm cân có tiến hành đào tạo quá mức hoặc không đúng cách hay không.
Cái chết của Zhou một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về quản lý đối với cả ngành công nghiệp giảm cân và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Tại quốc gia này, cũng như ở phần lớn châu Á, mạng xã hội tràn ngập những xu hướng không lành mạnh và phi thực tế kêu gọi giảm cân cực độ.
Các chuyên gia về rối loạn ăn uống và dinh dưỡng thể thao cảnh báo ngay cả những hành vi có vẻ lành mạnh như tăng mức độ tập thể dục và ăn kiêng cũng có thể gây hại khi được thực hiện ở mức cực đoan. Trong những trường hợp nghiêm trọng, các vấn đề phát sinh có thể vượt xa sức khỏe tâm thần và dẫn đến các biến chứng y tế nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận và các cơ quan khác.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, có không ít các trào lưu thử thách khoe dáng "mình dây". Gần đây nhất là trào lưu đặt tờ giấy phẳng trước bụng để chứng minh vòng eo bé đến mức không thể nhìn thấy một phần cơ thể nào thừa qua tờ giấy. Một số trào lưu phổ biến khác thể hiện sự theo đuổi xu hướng “mình hạc xương mai” như có thể giữ bao nhiêu đồng xu trên xương quai xanh hoặc mặc thử quần áo trẻ em để làm nổi bật vóc dáng nhỏ nhắn cũng được nhiều cô gái trẻ đón nhận.
Bên cạnh đó, mức độ béo phì gia tăng ở Trung Quốc cũng gia tăng áp lực cho nhiều phụ nữ. Dữ liệu khảo sát quốc gia gần đây cho thấy hơn một nửa số người trưởng thành Trung Quốc đang thừa cân hoặc béo phìvà tỷ lệ béo phì dự kiến tăng lên.
Trong khi đó, cũng có những lo ngại rằng một số trung tâm giảm cân đang quảng cáo các chế độ rèn luyện ngày càng cực đoan, không thực tế.
“Các trung tâm huấn luyện giảm cân đang phát triển một cách nhanh chóng, với rất nhiều lời cảnh báo về sức khỏe và quảng cáo sai sự thật. Việc các học viên bị thương, bị bệnh trong quá trình đào tạo không được kiểm soát là chuyện thường xảy ra”, hãng tin nhà nước China News Service cảnh báo.
Cái chết của Cuihua cũng dấy lên hồi chuông báo động về sự giám sát đối với ngành công nghiệp những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nói chung. Trong một vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp này đã bị chính quyền chỉ trích do lối sống xa hoa mà một số người nổi tiếng trên MXH thể hiện và những thử thách ngày càng khắc nghiệt mà họ tham gia để thu hút người theo dõi.
Cuộc tranh luận đã được khơi lại vào tháng trước khi một người có ảnh hưởng được gọi là “Anh Ba Nghìn” đã chết chỉ vài giờ sau khi quay cảnh anh ta uống vài chai Baijiu, một loại rượu mạnh của Trung Quốc có nồng độ cồn từ 30% đến 60%.
Năm ngoái, Cục Quản lý Video và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi quyên góp tiền cho người livestream (phát sóng trực tuyến) và hạn chế quyền truy cập của trẻ em sau 10 giờ tối. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa và Du lịch cũng ra lệnh cấm 31 hành vi sai trái của những người làm livestream.
Nguồn: CNN