Vua phá lưới từ lớp 5
Khác với những bé gái khác, từ bé Huỳnh Như đã có niềm đam mê bóng đá. Không cần mẹ mua cho búp bê, đồ hàng, Như chỉ cần được tặng trái bóng nhựa đủ màu sắc là vui cả ngày. Hàng ngày, đi học về, Như mang bóng ra chợ rủ bọn con trai chơi thi đấu. Đội bóng nhí chợ Cầu Xây ngày ấy toàn nam, chỉ riêng Huỳnh Như là cầu thủ “tóc dài” duy nhất. Như cứ đứng về bên nào là bên đó thắng. Ngỡ rằng đó chỉ là trò chơi thuở bé, ai ngờ nghiệp “quần đùi áo số” lại vận vào cô.
Như đang học lớp 5, xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và những xã lân cận tổ chức giải bóng đá nam. Biết con mê bóng đá, ba mẹ Như giới thiệu cô với Ban tổ chức. Sau khi kiểm tra năng lực, cô được điền tên vào danh sách thi đấu. Năm đó, xã Lương Hòa A vô địch, còn Như đoạt danh hiệu Vua phá lưới đầu đời của mình. “Lúc đó mình vui lắm, ba mẹ cũng mừng nữa. Trận nào có mình thi đấu là cả nhà đều theo cổ vũ” - Như nhớ lại.
Năm 2006, tỉnh Trà Vinh thành lập đội bóng đá nữ. Khi đội tuyển bóng đá của tỉnh chiêu mộ cầu thủ, hàng xóm trong khu đã giới thiệu Như và cô nhanh chóng được chiêu mộ. Vào khuôn khổ tập luyện bài bản, mỗi ngày Như đạp xe 20 cây số từ nhà đến sân tập rồi trưa tiếp tục đi học. Giờ Như nhớ lại vẫn không tưởng tượng được hồi đó sức đâu mà bền bỉ đến vậy, không quản nắng mưa, đường sá xa xôi; chỉ cần được ra sân là bao nhiêu nhọc nhằn đều tan biến. Tuy nhiên, do kinh phí của tỉnh hạn hẹp, đội bóng nhanh chóng tan rã.
Huỳnh Như mang áo số 9 trong màu áo ĐT nữ Quốc gia Việt Nam. Ảnh: CTV
Thấy Như có năng khiếu với môn bóng đá, thầy giáo quyết định đưa cô lên thành phố đào tạo để trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Đang học lớp 12, lẽ ra phải tập trung cho việc học để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng vì mê bóng đá và được ba mẹ ủng hộ, Như quyết định rời quê nhà lên TPHCM theo nghiệp cầu thủ. May mắn đã mỉm cười với cô khi các thầy trong Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1 lựa chọn. Như bảo, khoảnh khắc nhận được điện thoại từ trung tâm thông báo kết quả cô không bao giờ quên. Niềm vui sướng và hạnh phúc vỡ òa.
Không bỏ cuộc
Từ Trà Vinh lên Sài Gòn đô hội, với Như lúc ấy là quá liều, cái gì cũng quá mới mẻ, xa lạ. Lúc quyết định đi, Như không nghĩ gì nhiều, chỉ cần biết được đi chơi bóng là sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu. Nhưng khi gia nhập tập luyện chuyên nghiệp rồi mới biết thực sự khó khăn. Đó không còn là trò chơi ngày bé nữa mà là những ngày khổ luyện thật sự.
Khi mới gia nhập đội bóng nữ CLB TPHCM, Như chỉ là vận động viên thử việc. Không quen ai nên cứ lầm lì, ra sân cũng chỉ biết tập chay một mình. Đi học bổ túc thì lạc đường mấy lần, nhớ nhà không sao kể xiết…
“Nhiều lúc muốn bỏ cuộc về quê cho xong. Sợ con gái xa nhà, không tập trung tập luyện, ba mẹ Như liên tục gọi lên hỏi thăm. Dăm bữa nửa tháng, mẹ lại khăn gói, đem con gà, quả trứng, thức ăn con gái thích, bắt xe đò lên Sài Gòn... Những kỷ niệm đó mình không bao giờ quên”, Như nhớ lại.
Vượt qua mọi khó khăn, Huỳnh Như dần hòa nhập, được đồng đội tin yêu và lối chơi ngày càng thăng hoa. Những năm sau đó, Như chơi bóng bùng nổ trong vai của một tiền đạo ở đội tuyển quốc gia và CLB.
Là đội trưởng, Như luôn biết cách khích lệ, động viên mọi người. Trước mỗi trận đấu, Như thường nhắc nhở đồng đội cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo. Có những trận đấu bị dẫn trước, Như vực dậy tinh thần chị em bằng những lời động viên: “Cố lên cả nhà! Mọi việc chỉ mới bắt đầu, chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc là sẽ làm được”.
Bóng đá là đam mê cuộc đời
Dẫu mang về không ít vinh quang cho Tổ quốc nhưng bóng đá nữ vẫn chưa được quân tâm đúng mức. Chia sẻ về chuyện này, mắt Như có lúc đỏ hoe. Đề cập đến sự phát triển của bóng đá nữ, Như trăn trở vấn đề định kiến xã hội. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhân lực bóng đá nữ ở nước ta ít, cả nước chỉ có 6 đội bóng. Mặt khác, gia đình ngăn cản bởi xót con dầm mưa dãi nắng. Bản thân phụ nữ sợ xấu, sợ mất đi nhan sắc, thanh xuân, khó khăn trong chuyện tìm người yêu, lập gia đình...
“Mình có lời khuyên cho các bạn nữ trẻ nếu muốn theo bóng đá, điều tiên quyết vẫn là năng khiếu và phải đam mê. Đồng thời lường trước những khó khăn. Khi mình vượt qua được những trở ngại đó thì đừng chần chừ đến trung tâm thử sức. Thành công sẽ không bao giờ đến với người chần chừ. Một khi mình có đam mê và ước muốn thì cứ thử và làm nó trước”, Huỳnh Như chia sẻ.
Hiện, Huỳnh Như là sinh viên năm cuối khoa Giáo dục Thể chất trường ĐH Sư phạm TPHCM. Dù phải căng sức thi đấu trên sân bóng với mật độ dày đặc, nữ cầu thủ 9X vẫn không bỏ bê học hành, luôn hoàn thành tốt các học phần.
Không chỉ giỏi bóng đá, Huỳnh Như còn hát hay và đàn giỏi. Cô có thể sử dụng thành thạo đàn Ukulele, thuộc nhiều bài nhạc trẻ và còn thích trổ tài bếp núc mỗi khi có dịp. Như còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, tham gia các giải đấu gây quỹ từ thiện cho những vận động viên khó khăn.
“Nếu được lựa chọn lại, mình vẫn chọn bóng đá vì đó là đam mê của cuộc đời rồi. Như vẫn mong muốn được cống hiến cho bóng đá sau khi giải nghệ và muốn đưa bóng đá nữ về với miền Tây quê hương mình”, Huỳnh Như quả quyết.
Huỳnh Như từng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cô cũng từng nhận Giải thưởng Quả bóng Vàng, Quả bóng Bạc và Quả bóng Đồng Việt Nam. Cô là Vua phá lưới 2 năm liền (2016, 2017) và là Cầu thủ xuất sắc nhất Giải bóng đá nữ Vô địch quốc gia năm 2018 và 2019. Với một loạt thành tích nổi bật, năm 2019 cô được bình chọn là Công dân tiêu biểu TPHCM. Mới đây cô được đề cử là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 ở lĩnh vực thể dục thể thao. |