SuperCub 50 có thiết kế 3 bánh, nặng 32 kg với 1 chỗ ngồi.
Tháng 5/2019, Supercub 50 tham dự cuộc thi Châu Á Shell Eco Marathon, đãgiành vị trí thứ 4, với thành tích chạy 1.095 km chỉ với 1 l xăng.
Trước đó, SuperCub 50 từng vô địch cuộc thi “Lái xe sinh thái - tiết kiệm nhiên liệu” các năm 2013, 2016, 2017 dành cho khối các trường đại học trong nước. Năm 2016, tại cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu được tổ chức tại Philippines, Supercub 50 giành giải 3 trong hạng mục xe sử dụng tiết kiệm nhiên liệu.
Trên cơ sở động cơ 50cc, nhóm sáng chế đã cắt bỏ những bộ phận không cần thiết để phù hợp với xe sinh thái như cánh tản nhiệt, hộp số để giảm trọng lượng và phù hợp với tỉ số truyền.
Bên cạnh đó, nhóm đã lắp thêm bugi để tăng hiệu suất đánh lửa. Động cơ được tối ưu hóa tỉ số nén để đảm bảo công suất động cơ lớn nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất. Để người lái theo dõi được thông số của áp suất khí khi điều khiển bơm xăng, trên hệ thống còn bố trí các đồng hồ theo dõi áp suất.
Bạn Phùng Văn Linh - một thành viên của nhóm chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ trước thềm cuộc thi Châu Á Shell Eco Marathon là chiếc xe chạy thử nghiệm bất ngờ bị gãy, hỏng. Chỉ còn 2 tuần nữa là cuộc thi bắt đầu, khi đó cả đội lo âu cực độ.
"Được thầy giáo động viên, chúng em lại tiếp tục vào nghiên cứu nhưng không ai có hy vọng nhiều. Nhưng thật bất ngờ sản phẩm của nhóm lại đứng thứ 4 trong 100 đội dự thi", Linh cho biết.
Trưởng nhóm Lý Xuân Thanh chia sẻ, tham gia đội sáng chế xe sinh thái - tiết kiệm nhiên liệu, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ thuật xuất sắc, các thành viên cần phải có niềm đam mê đặc biệt để bền bỉ vượt qua những khó khăn, thử thách. Nhiều khi các thành viên phải tranh cãi nảy lửa mới đi tới thống nhất về thiết kế.... để chiếc xe cuối cùng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất và đi vào hoàn thiện.
Thanh mong muốn mẫu xe của nhóm có thể được ứng dụng ra thực tế vào một ngày không xa và Việt Nam sẽ có những dây chuyền sản xuất riêng cho dòng xe tiết kiệm nhiên liệu này.
Để có được một chiếc xe SuperCub50 hoàn chỉnh, cả nhóm đã mất không ít công sức (từ phác thảo hình dáng, tìm kiếm linh kiện cho đến vận hành thử nghiệm...).
Nhiên liệu được bơm tay vào một bình nhỏ trong xe.
Phần "vô lăng" vẫn mang hơi hướng của một chiếc xe máy nhằm tạo ra sự dễ dàng trong điều khiển cho người lái.
Trong khi bánh xe được chọn là loại có đường kính nhỏ nhằm giảm tải trọng và ma sát.
Xe cũng được lắp thêm gương chiếu hậu nhằm giúp người lái quan sát dễ dàng hơn.