Từ năm 2025, con người sẽ chịu ảnh hưởng gì khi Cực Bắc từ của Trái Đất bị lệch 175 km?

Ít ai biết rằng, việc Cực Bắc từ của Trái Đất dịch chuyển đã âm thầm diễn ra suốt hàng nghìn năm, thậm chí còn dẫn tới 184 lần đảo cực trong lịch sử. Trong suốt giai đoạn đó, con người sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?

Vào ngày 17/12 vừa qua, Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NCEI) phối hợp với Cục Khảo sát Địa chất Anh (BGS) đã công bố phiên bản cập nhật Mô hình Từ trường Thế giới (WMM) dành cho năm 2025.

Điểm nhấn đáng chú ý trong bản cập nhật này là sự thay đổi vị trí của cực Bắc từ trường trên Trái Đất, khi nó đã di chuyển xa hơn 175 km khỏi vị trí được ghi nhận trong lần cập nhật gần nhất vào năm 2020. Cụ thể, cực từ này tiếp tục rời khỏi Canada và tiến dần về phía Nga, minh chứng rõ ràng cho sự vận động không ngừng của từ trường Trái Đất.

Hóa ra Cực Bắc từ vẫn âm thầm dịch chuyển bấy lâu nay

Để hiểu rõ hơn về cực Bắc từ, trước tiên cần phân biệt giữa các khái niệm liên quan đến "cực Bắc." Có ba loại cực Bắc mà các nhà khoa học thường quan tâm: Cực Bắc địa lý, Cực Bắc địa từ và Cực Bắc từ. 

Từ năm 2025, con người sẽ chịu ảnh hưởng gì khi Cực Bắc từ của Trái Đất bị lệch 175 km?- Ảnh 1.

Cực Bắc từ và Cực Bắc Địa lý lệch nhau 11,5 độ. (Ảnh: popularmechanics.com)

Trong đó, Cực Bắc địa lý là điểm cực bắc nằm trên trục quay tưởng tượng của Trái Đất, còn Cực Bắc địa từ liên quan đến trung tâm của từ trường toàn cầu do chuyển động của sắt nóng chảy trong lõi Trái Đất. Cực Bắc từ là vị trí mà các đường sức từ trường đi vào Trái Đất một cách vuông góc với bề mặt, và đây chính là nơi mà kim la bàn hướng về.

Cực Bắc từ không phải là một điểm cố định, mà nó liên tục dịch chuyển do sự vận động phức tạp trong lõi ngoài của Trái Đất. Vào năm 1590, nhà triết học người Anh William Gilbert là người đầu tiên tính toán sự tồn tại của Cực Bắc từ, và đến năm 1831, sĩ quan Hải quân Anh James Clark Ross đã tiếp cận được vị trí thực tế của nó. 

Trong hơn một thế kỷ sau đó, các quan sát cho thấy cực Bắc từ luôn thay đổi vị trí, chủ yếu uốn lượn quanh vùng bắc Canada trước khi dịch chuyển nhanh hơn về phía Nga trong những thập kỷ gần đây.

Trái Đất từng xảy ra 184 lần đảo cực, gần nhất là 786.000 năm trước

Kể từ cuối thế kỷ 19, cực Bắc từ đã có xu hướng di chuyển về hướng Bắc-Tây Bắc, với tốc độ khoảng 8 km/năm trong những năm đầu thế kỷ 20. Đến giữa thế kỷ, tốc độ này đã tăng lên đáng kể và đạt đỉnh vào những năm 1970. Sự tăng tốc trong di chuyển này khiến các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng đây có thể là tín hiệu ban đầu của một hiện tượng lớn hơn: sự đảo cực từ. Trong quá trình này, hai cực từ Bắc và Nam sẽ đổi chỗ cho nhau.

Từ năm 2025, con người sẽ chịu ảnh hưởng gì khi Cực Bắc từ của Trái Đất bị lệch 175 km?- Ảnh 2.

Kể từ những năm 1900, Cực Bắc từ đã dịch chuyển về phía Bắc. (Ảnh: oceannavigator.com)

Hiện tượng đảo cực không phải là mới mẻ; trong 83 triệu năm qua, các nhà khoa học đã ghi nhận ít nhất 184 lần đảo cực, mỗi lần kéo dài từ vài nghìn đến hàng chục nghìn năm. Lần đảo cực gần nhất xảy ra cách đây 786.000 năm và các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này có thể lặp lại trong khoảng thời gian của một đời người.

Việc đo đạc và cập nhật sự thay đổi của cực Bắc từ là nhiệm vụ chính của Dự án Mô hình Từ trường Thế giới (WMM), được thực hiện bởi BGS và NOAA. Họ sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh như sứ mệnh Swarm của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, đồng thời kết hợp với các thiết bị đo từ trường trên mặt đất để xây dựng một mô hình chính xác về từ trường toàn cầu. Mô hình này được tinh chỉnh định kỳ mỗi 5 năm để đảm bảo tính cập nhật.

Vậy con người chịu tác động thế nào nếu Cực Bắc từ của Trái Đất bị lệch 175 km?

Hiện giờ chưa ai biết liệu hai cực từ của Trái Đất sẽ đổi chỗ cho nhau hay từ trường sẽ trở lại ổn định như trước. Cả hai trường hợp đều từng xảy ra trong lịch sử và không ảnh hưởng gì nhiều đến các loài sinh vật. Chủ yếu, ảnh hưởng chỉ nằm ở khía cạnh định hướng.

Mặc dù các hệ thống GPS hiện đại đã thay thế phần lớn các thiết bị định vị truyền thống, từ trường Trái Đất vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. La bàn từ vẫn được sử dụng trong các môi trường không thể kết nối GPS, như dưới lòng đất hoặc dưới nước. Bất kỳ sự thay đổi nào về vị trí của cực Bắc từ đều có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của các thiết bị này. Trong trường hợp cực từ tiếp tục dịch chuyển nhanh, các hệ thống định vị hiện đại sẽ cần phải hiệu chỉnh lại dữ liệu để đảm bảo hoạt động ổn định.

Theo dự đoán, đến năm 2025, cực Bắc từ sẽ lệch đi khoảng 175 km so với vị trí hiện tại. Điều này đòi hỏi các ứng dụng định vị dựa vào dữ liệu WMM, từ hệ thống GPS trên máy bay và tàu thuyền đến các ứng dụng bản đồ như Google Maps hay Apple Maps, phải được cập nhật để duy trì độ chính xác. Các chuyên gia từ BGS đã đưa ra cảnh báo rằng, nếu không thực hiện các cập nhật này, một chuyến bay tự động từ Nam Phi đến Anh có thể bị chệch hướng tới 150 km.

Từ năm 2025, con người sẽ chịu ảnh hưởng gì khi Cực Bắc từ của Trái Đất bị lệch 175 km?- Ảnh 3.

Tuy nhiên, với người dùng thông thường, những ảnh hưởng này gần như không đáng kể. Sai số trong việc xác định vị trí chủ yếu xuất hiện ở các khu vực gần cực, nơi sự khác biệt giữa cực Bắc địa lý và cực Bắc từ rõ rệt hơn. Với những vùng có vĩ độ thấp hơn, như Việt Nam, người dân hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Ngay cả ở các quốc gia vĩ độ cao hơn như Nga hay Na Uy, các cơ quan chức năng, chính phủ và các công ty công nghệ sẽ tự động cập nhật dữ liệu WMM vào các thiết bị, giúp người dân không phải thực hiện thêm bất kỳ thao tác nào.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, với hầu hết người dùng, sự khác biệt nhỏ này không gây ra bất tiện đáng kể. Brown, một nhà nghiên cứu từ BGS, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ đảm nhận trách nhiệm cập nhật dữ liệu. Quá trình này chỉ mất một khoảng thời gian ngắn và những thay đổi thường rất nhỏ, đến mức hầu hết mọi người không thể nhận ra."

Sự dịch chuyển của cực Bắc từ là một phần trong sự vận động tự nhiên của Trái Đất. Mặc dù có thể gây ra những thách thức trong việc định vị và điều hướng, nó cũng mở ra cơ hội để chúng ta hiểu rõ hơn về cấu trúc và hoạt động của hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.

 (Tổng hợp)