Ngày 16/1, cung điện Kensington gây ngỡ ngàng cho cả thế giới khi phát đi thông báo Vương phi Kate đã nhập viện để thực hiện ca phẫu thuật "đã được lên kế hoạch trước".
Có lẽ, công chúng đã quá quen với việc theo dõi tin tức về Vương thất Anh gần như hàng ngày. Các hãng tin tức trên toàn cầu nồng nhiệt đưa tin về từng bước đi của các thành viên Vương thất Anh, từ các bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước đến các sự kiện từ thiện, các chuyến du lịch quốc tế cho đến các cuộc dạo chơi ở địa phương.
Một số cư dân mạng đã chỉ trích Vương phi Kate vì chưa chịu quay trở lại với công việc sau 2 tuần nằm viện để thực hiện ca phẫu thuật vùng bụng.
Vô số bức ảnh về gia đình nổi tiếng nhất thế giới này tràn ngập trên mạng, khiến những nhân vật dù chưa từng được gặp mặt giống như một sợi chỉ gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mọi người. Đây chính là nguyên nhân khiến "sự biến mất đột ngột" của Vương phi xứ Wales thu hút nhiều sự chú ý đến vậy.
Những lời đoán già đoán non, bàn tán xôn xao là không thể tránh được, dù Kate đã nói rõ rằng cô muốn giữ sự riêng tư và cuộc sống diễn ra bình thường với các con của mình.
Sau khi Kate trở về nhà để phục hồi sức khỏe, đã có vài thông tin cho biết Kate làm việc trên giường và đảm bảo công việc sẽ tiếp tục được thực hiện, chỉ là không xuất hiện trước công chúng.
Mặc dù điều đó nghe có vẻ là một quyết định hợp lý và cần thiết nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhưng lời chỉ trích Kate "lười biếng" và "thiếu trách nhiệm làm việc".
Đúng, Kate là một thành viên cấp cao của hoàng gia, cô phải gánh vác nhiều trọng trách nhưng những lời chỉ trích và kỳ vọng đối với việc cô ấy phải vượt qua cơn ốm đau bệnh tật này nói lên nhiều điều về cách xã hội mong đợi ở phụ nữ.
Kỳ vọng đó cần phải thay đổi!
Người lao động lý tưởng
Tracey Adams, giáo sư xã hội học tại Đại học Western (Canada), cho biết bà bất ngờ về những lời chỉ trích nhắm vào Vương phi Kate. Bà nghĩ rằng những kỳ vọng của mọi người về việc phải làm việc cả khi bị ốm đã thay đổi do đại dịch Covid-19.
Trong thời gian Covid-19 hoành hành, mọi người không được làm việc trực tiếp với nhau. Bên cạnh đó, số trường hợp kiệt sức ở nhân viên y tế gia tăng đáng kể. Từ đó, người đã dần chấp nhận chuyện mọi người ưu tiên sức khỏe hơn.
Tôi đã hy vọng mọi người nhìn thấy được rằng áp lực xã hội về việc ốm vẫn phải nai lưng đi làm đã giảm đi rõ rệt.
Covid-19 đã góp phần "bình thường hóa" việc làm việc tại nhà và nghỉ khi bị bệnh nhưng không phải đối với tất cả mọi người và không phải lúc nào cũng vậy.
Chuyên gia khẳng định, áp lực xã hội này bắt nguồn từ nam giới. Bà giải thích: "Người ta thường có khái niệm 'người lao động lý tưởng'. Đó là người luôn sẵn sàng làm việc khi cần thiết và sẽ ưu tiên công việc hơn mọi thứ khác trong cuộc sống. Mặc dù những đặc điểm của 'người lao động lý tưởng' có thể khác nhau giữa các ngành nghề, nhưng có một điều vẫn tồn tại đó là kỳ vọng chung rằng công việc sẽ là ưu tiên hàng đầu".
"Thực tế là, chính nam giới trong xã hội đã đặt ra tiêu chuẩn 'lao động lý tưởng' ở hầu hết các khía cạnh, bao gồm cả vấn đề sức khỏe. Do những định kiến về ý nghĩa của sự nam tính và việc ốm đau có thể bị coi là dấu hiệu của sự yếu đuối, nên dần dà người ta cho rằng 'nếu đàn ông bị ốm, họ nên 'gạt nó đi' và tiếp tục làm việc bất chấp", Adams tuyên bố.
Kỳ vọng này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai nghỉ việc khi ốm đau có thể bị coi là "chậm chạp", thiếu trách nhiệm hoặc không "đủ mạnh mẽ" đảm đương công việc của họ - kể cả phụ nữ.
Câu chuyện của bà mẹ tên Carolina Gonzaga, ở Toronto, Canada, là một ví dụ.
Năm 2019, Carolina mang thai. Khi ấy cô đang làm quản lý tại một cộng đồng hưu trí. Ngay từ đầu, cô dự định chỉ nghỉ sinh con 4 tháng. Không hẳn vì sếp của cô đã ra thời hạn rõ ràng, mà bởi vì cô cảm thấy gắn bó mật thiết với công việc của mình.
Carolina Gonzaga đã chia sẻ cởi mở về quyết định nghỉ thai sản ngắn ngày để không phải bỏ lỡ công việc.
"Trong suốt một thời gian dài, công việc ấy đã định hình danh tiếng của tôi", Carolina thừa nhận với tờ tin tức Yahoo Canada. "Điều quan trọng hơn là tôi biết mình là ai và cảm thấy thoải mái khi làm việc".
Vậy nhưng, khi con gái chào đời, Carolina nhận ra mình cần thêm thời gian nghỉ ngơi. Cô trở lại làm việc sau 7 tháng, chồng cô ở nhà trong 5 tháng tiếp theo. Cô nói: "Tôi quá sợ hãi khi nghĩ đến việc xin nghỉ thêm, mặc dù không ai ép tôi phải đi làm luôn".
Trách nhiệm cá nhân có thể ảnh hưởng đến thu nhập của phụ nữ như thế nào?
Đối với một số phụ nữ ở Canada, 72% bà mẹ từ 25 đến 54 tuổi quay trở lại lực lượng lao động sau khi có con. Điều này có nghĩa là họ không chỉ phải tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân để đủ sức làm việc mà còn phải chăm lo cho con cái.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây nhận thấy khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020, phụ nữ có con dưới 5 tuổi phải tăng thời gian nghỉ phép, từ 4,7 ngày vào năm 2019 lên 9,2 ngày vào năm 2020. Con số này không hề giảm kể từ đó.
Việc sinh con ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của phụ nữ và cả thăng tiến trong sự nghiệp. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2015, việc có con làm giảm thu nhập của phụ nữ Canada 5% một giờ so với những đồng nghiệp không có con.
Trách nhiệm của phụ nữ đặt ra những thách thức đặc biệt khi nói đến sự thăng tiến trong công việc.
Ngay cả với người phụ nữ không có con, những giả định về năng lực và sự "cứng rắn" trong công việc vẫn ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Một báo cáo năm 2022 của Phó giáo sư Danielle Li, tại MIT (một viện đại học nghiên cứu có quy mô lớn ) phát hiện ra rằng nhân viên nữ có khả năng được thăng chức thấp hơn 14% so với đồng nghiệp nam.
Một phần nỗi lo sợ của Carolina về việc không dám nghỉ thai sản lâu là do tình huống xảy ra với một đồng nghiệp trước đây đã nghỉ đủ 12 đến 18 tháng. Cô đã bị thay thế vị trí ngay ngày đầu tiên trở lại sau thời gian nghỉ thai sản vì vai trò đã thay đổi. "Tôi đã thấy điều đó xảy ra nhiều lần", cô nói.
Cần phải làm gì để tạo ra sự thay đổi cho phụ nữ đi làm?
Mặc dù Kate cuối cùng sẽ trở lại làm việc và mọi thứ sẽ trở lại bình thường nhưng Giáo sư Tracey Adams cho biết cần phải có sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận về thời gian nghỉ và những người được nghỉ.
Cô nói thêm: "Nên tránh đặt ra điều phụ nữ nên làm mà tập trung nhiều hơn vào việc thay đổi thái độ xã hội. Nghỉ ốm không phản ánh sự yếu đuối. Phần thưởng trong công việc nên dựa trên hiệu suất thay vì sự hiện diện ở công ty hoặc thời gian làm việc dài".
Hơn 4 năm kể từ khi quay trở lại làm việc, Carolina cho biết cô không hối hận về quyết định của mình vì nó đã cho chồng cô cơ hội dành thời gian cho con gái trong những ngày đầu đời, nhưng nó đã có tác động rõ rệt.
Nếu cô có thêm một đứa con nữa, cô sẽ làm theo cách khác; nghỉ đủ 12 tháng và sau đó sẽ tới lượt chồng cô. Tuy nhiên, điều này khó thành hiện thực bởi Carolina không có ý định sinh thêm con thứ 2.
Nguồn: Yahoo Style