Thực trạng hệ thống quản lý sức khỏe tâm thần trong ngành giáo dục
Vụ việc bé gái bị đâm tử vong bởi giáo viên tại một trường tiểu học ở Daejeon ngày 10/2 vừa qua đã làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt nghiêm trọng trong hệ thống quản lý sức khỏe tâm thần và các quy định pháp lý bảo vệ giáo viên tại Hàn Quốc.
Theo các báo cáo, cô giáo này trước đó đã có dấu hiệu trầm cảm và từng có hành vi hung hăng với một đồng nghiệp, làm dấy lên suy đoán rằng vấn đề tâm lý có thể là yếu tố góp phần dẫn đến vụ tấn công.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc vội vàng quy kết trầm cảm là nguyên nhân chính có thể tạo ra định kiến, khiến những người mắc bệnh tâm lý bị kỳ thị như những mối đe dọa tiềm ẩn.
Nguồn tin từ ngành giáo dục Hàn Quốc cho biết, hiện không có quy định pháp lý hay biện pháp bắt buộc nào để tách biệt giáo viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần khỏi học sinh, dù có dấu hiệu cảnh báo, không chỉ trong quá trình tuyển dụng mà cả trong suốt thời gian giảng dạy.
Giáo viên gây án tại Daejeon từng xin nghỉ ốm sáu tháng vào tháng 12 năm ngoái vì trầm cảm. Tuy nhiên, chỉ sau 20 ngày, cô đã quay lại làm việc sau khi nộp giấy chẩn đoán từ bệnh viện.
Theo quy định hiện hành về chế độ nghỉ phép và bổ nhiệm lại giáo viên cũng như quy tắc công vụ quốc gia, một giáo viên có thể trở lại công tác chỉ bằng cách nộp giấy xác nhận của bác sĩ mà không cần trải qua thêm bất kỳ cuộc đánh giá nào.
![Từ vụ bé gái 8 tuổi bị giáo viên tấn công: Giật mình con số “ẩn” đẩy hệ thống giáo dục Hàn Quốc vào cơn hỗn loạn- Ảnh 1. Từ vụ bé gái 8 tuổi bị giáo viên tấn công: Giật mình con số “ẩn” đẩy hệ thống giáo dục Hàn Quốc vào cơn hỗn loạn- Ảnh 1.](https://kenh14cdn.com/203336854389633024/2025/2/13/a97a0b51-01e9-4966-8c09-8c4986d9c65b-17394154494511660203165-1739419510448-1739419510611859653653.jpg)
Các giáo viên từ trường tiểu học ở Daejeon, nơi xảy ra vụ giáo viên đâm tử vong một học sinh, đứng chờ trước nhà tang lễ để tiễn đưa Kim Ha-neul, bé gái xấu số
Trước khi xảy ra vụ việc, giáo viên này đã có hành vi bạo lực với một đồng nghiệp khi được hỏi thăm tình trạng sức khỏe, chỉ 4 ngày trước vụ tấn công. Ngoài ra, cô còn đập phá máy tính của trường vào ngày hôm trước, phàn nàn về tốc độ truy cập chậm của cổng thông tin giáo dục.
Trường học đã báo cáo những sự việc này lên Sở Giáo dục Thành phố Daejeon. Một thanh tra của sở đã đến kiểm tra và khuyến nghị tạm thời tách giáo viên khỏi công việc giảng dạy. Tuy nhiên, không có hành động nào được thực hiện do sự từ chối của cả giáo viên và nhà trường. Cuộc điều tra cũng không diễn ra trực tiếp, và bi kịch đã xảy ra ngay sau đó.
Giáo sư Paik Jong-woo, chuyên ngành tâm thần học tại Trường Y thuộc Đại học Kyung Hee, bày tỏ sự thất vọng trước việc không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, dù đã có những cảnh báo trước đó. "Tôi cho rằng có một sự tiếc nuối rất lớn về việc liệu kết cục có thể khác đi hay không nếu có một bác sĩ tâm thần đủ chuyên môn tham gia và thực hiện đánh giá sức khỏe tâm thần một cách đầy đủ”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng tất cả các biện pháp xử lý trong vụ việc này đều do các chuyên gia giáo dục thực hiện, trong khi lẽ ra cần có sự tham gia của các chuyên gia y tế chuyên sâu về tâm thần học.
Gần 10.000 giáo viên tiểu học đã điều trị trầm cảm
Mặc dù tất cả các sở giáo dục cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đều đã thành lập các ủy ban chuyên trách để đánh giá khả năng làm việc của giáo viên mắc bệnh tâm thần hoặc thể chất, nhưng theo các chuyên gia, các ủy ban này hầu như không mang lại hiệu quả.
Theo quy định của Sở Giáo dục Daejeon, nếu một trường hợp liên quan đến giáo viên có vấn đề về sức khỏe được báo cáo thông qua khiếu nại, thanh tra hoặc yêu cầu từ hiệu trưởng, hoặc nếu vấn đề được phát hiện nội bộ, tổng giám đốc giáo dục có trách nhiệm mở cuộc điều tra.
Tuy nhiên, do sự phản đối mạnh mẽ từ các bên liên quan và quyền hạn hạn chế theo quy định địa phương, các quyết định hiếm khi được đưa ra, và ngay cả việc tổ chức các cuộc họp của ủy ban cũng gặp nhiều khó khăn.
![Từ vụ bé gái 8 tuổi bị giáo viên tấn công: Giật mình con số “ẩn” đẩy hệ thống giáo dục Hàn Quốc vào cơn hỗn loạn- Ảnh 2. Từ vụ bé gái 8 tuổi bị giáo viên tấn công: Giật mình con số “ẩn” đẩy hệ thống giáo dục Hàn Quốc vào cơn hỗn loạn- Ảnh 2.](https://kenh14cdn.com/203336854389633024/2025/2/13/0c0d113f-b324-41ba-8a12-9ba4b7ef2e26-17394155176441145895654-1739419511096-173941951136888934608.jpg)
Một quan chức nhà trường và người dân dùng ô che những bó hoa và thư do người viếng để lại dọc hàng rào của trường tiểu học ở Daejeon vào thứ Tư, nơi xảy ra vụ sát hại thương tâm
Trong hai năm qua, ủy ban tại Daejeon chưa xem xét bất kỳ trường hợp nào. Tương tự, Sở Giáo dục Thành phố Seoul cũng chưa tổ chức bất kỳ cuộc đánh giá nào kể từ năm 2021.
Dữ liệu cho thấy sức khỏe tâm thần của đội ngũ giáo viên ngày càng đáng báo động. Theo số liệu do nghị sĩ Jin Sun-mee thuộc Đảng Dân chủ đối lập chính cung cấp, trong năm 2023, có 9.468 giáo viên và nhân viên trường tiểu học đã điều trị trầm cảm. Tỷ lệ giáo viên mắc trầm cảm trên 1.000 nhân sự trong các trường tiểu học là 37,2 - hơn gấp đôi so với mức 16,4 của năm 2018.
Xu hướng này đã làm dấy lên lời kêu gọi về một giải pháp quản lý sức khỏe tâm thần cho giáo viên ở cấp quốc gia.
Giáo sư Paik nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống cho phép nhà trường tìm kiếm hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý trong việc giải quyết những vấn đề này. "Đây không chỉ là vấn đề của riêng trường học. Nó có thể trở nên trầm trọng hơn do các trường thiếu hệ thống hỗ trợ phù hợp”.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo không nên quy kết nguyên nhân các vụ việc hoàn toàn do trầm cảm. Các chuyên gia lập luận rằng trầm cảm chủ yếu là một tình trạng gây hại cho bản thân, chứ không phải một bệnh lý thường dẫn đến hành vi bạo lực đối với người khác.
"Dù rõ ràng vụ việc ở Daejeon xuất phát từ những động cơ bất thường, nhưng phần lớn những người mắc trầm cảm có xu hướng tự làm hại bản thân hơn là tấn công người khác”, giáo sư Paik nói.
Ông cảnh báo rằng việc đổ lỗi hoàn toàn cho tiền sử bệnh lý tâm thần là một sự quy chụp quá mức, có thể làm gia tăng định kiến xã hội, khiến những bệnh nhân trầm cảm cần được điều trị lại càng gặp nhiều rào cản hơn.
Nguồn: Korea Times