Chuẩn bị trước không bao giờ thừa
Tuyệt chiêu "nhỏ mà có võ" khi đi du lịch teen cần nhớ đó là nguyên tắc "3 trước", tức là luôn luôn chuẩn bị trước, hỏi trước và đặt trước. Bởi lẽ lượng khách du lịch mùa cao điểm hoặc trong các dịp lễ Tết thường rất đông. Để yên tâm, chúng mình nên đặt phòng sớm để có thể chọn được những phòng đẹp, chất lượng dịch vụ tốt và không bị ép giá.
Đối với những bạn du lịch tự túc, việc lựa chọn một chỗ ở phù hợp giữa "cả rừng" homestay, khách sạn không phải chuyện dễ dàng. Nhưng đừng vì thế mà teen hoang mang rồi chép miệng "cứ xách ba lô lên, đến thấy homestay nào ưng thì vào nghỉ"! Thay vào đó, bạn nên ghé fanpage của homestay, khách sạn để đọc hết những mô tả, giới thiệu về địa điểm. Xem album ảnh để biết không gian và dịch vụ tiện ích nơi đây có thích hợp với mình không. Đừng quên xem cả những review về chất lượng dịch vụ của các du khách đã từng ở homestay để có những đánh giá khách quan và chân thực nhất.
Tránh trường hợp như nhóm bạn trẻ trong vụ việc xả rác ở khách sạn Vũng Tàu nhằm trả đũa, theo lời bà chủ khách sạn thì "nhóm người này đã đi nhiều nhà nghỉ xung quanh nhưng không thuê mà vào khách sạn chúng tôi", phải chăng các bạn không hề có kế hoạch trước hay book phòng mà đến nơi mới tìm chỗ nghỉ, để rồi sau đó xảy ra những bất đồng không đáng?!
Hình ảnh bạn trẻ xả rác ra khắp phòng khách sạn để "trả đũa" gây bão mạng. (Ảnh cắt từ clip)
Trước khi chuyển khoản đặt phòng giữ chỗ, bạn nhớ hỏi rõ chủ khách sạn về giá cả, giờ check-in/ check-out, phí phụ thu trong trường hợp check-in sớm/ check-out muộn hoặc phát sinh thêm người ở, việc hỗ trợ cho thuê xe máy, chỗ để xe qua đêm... Đừng quên thắc mắc những vấn đề nhỏ liên quan đến nội quy của homestay như có được mang theo thú cưng hay không, việc tự nấu ăn như thế nào (nếu có), WC chung hay riêng, giờ homestay mở/ đóng cửa…
"Đi đu đưa" ở nơi phù hợp
Ngày càng có nhiều diễn đàn về du lịch, khách sạn để bạn tham khảo, tuy nhiên không phải thông tin nào chúng mình cũng tin được 100%. Đừng ham rẻ mà đặt phòng với những lời quảng cáo về giảm giá, ưu đãi “khủng”, bởi không loại trừ trường hợp họ đã hét giá lên gấp bội rồi giảm xuống, hoặc tính thêm nhiều các chi phí phát sinh về sau. Tốt nhất teen nên chọn những khách sạn có giá niêm yết rõ ràng, hoặc liên hệ trước với homestay qua inbox fanpage hoặc gọi điện (muốn an tâm hãy ghi âm cuộc gọi) để yên tâm về vấn đề giá cả.
Ngoài ra, việc lựa chọn homestay hay khách sạn khi đi du lịch cũng là câu hỏi khiến nhiều người phân vân. Cân nhắc những ưu, nhược điểm của từng loại hình sẽ giúp teen đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất. Khi lưu trú tại homestay, ưu điểm đó là chúng mình sẽ được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người bạn ở mọi miền, đặc biệt là những homestay có khu vực nấu nướng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ chung. Các homestay cũng thường có view đẹp, thiết kế phong phú và đặc biệt phù hợp cho việc chilling, "sống ảo cháy máy" của teen mình.
Nếu bạn ở phòng dorm (phòng chung), việc bảo quản đồ cá nhân cũng là vấn đề cần lưu ý.
Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình này đó là thường không đầy đủ về cơ sở vật chất như ở khách sạn, Một số homestay thường cách âm khá tệ và hơi bất tiện nếu khu vệ sinh, nấu nướng là sử dụng chung. Nếu bạn ở phòng dorm (phòng chung), việc bảo quản đồ cá nhân cũng là vấn đề cần lưu ý.
Vì vậy, homestay là lựa chọn lưu trú khá lý tưởng cho dân đi phượt, nhóm bạn trẻ hoặc những bạn đi du lịch một mình, tự túc và muốn có nhiều trải nghiệm phong phú cùng người dân địa phương. Còn nếu chúng mình ưa không gian yên tĩnh, đi du lịch cùng gia đình hoặc muốn ở ngay giữa trung tâm thì nên chọn các loại hình lưu trú như khách sạn nhé!
Người quay clip vụ việc ở khách sạn Vũng Tàu lên tiếng giải thích. (Ảnh chụp màn hình)
Xem kỹ hoá đơn và tính toán lại
Vào mùa cao điểm du lịch, du khách vô cùng đông đúc và nhiều chủ hàng quán, dịch vụ có thể lợi dụng cơ hội này để tính gian, ăn chặn bớt tiền. Nếu không chú ý kiểm tra lại các hóa đơn, chúng mình có thể bị mất tiền oan mà không hay biết. Do vậy, khi đi du lịch và sử dụng các dịch vụ ăn uống, khách sạn, tour tham quan... teen cần kiểm tra kĩ lại thông tin, số lượng và tự tính toán chi phí trước khi thanh toán nha!
Ngoài ra, chúng mình cần ghi lại số điện thoại hay đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi bạn đến. Rất có thể bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của họ trong trường hợp bị chặt chém hoặc vướng phải những trải nghiệm đáng tiếc khi đang vi vu khám phá đấy!
Nhất là khi đi du lịch một mình "đơn phương độc mã", chúng mình nên kết thân với người dân địa phương hoặc trò chuyện với chủ homestay, tài xế để được tư vấn những nơi nên đến hoặc không nên đến, cách mua bán và trả giá. Bạn cũng có thể nhờ họ đi cùng khi mua sắm nếu họ cảm thấy không ngại, thêm bạn thêm vui lại không lo bị "chặt chém giá trên trời"!
Vụ "bóc phốt" homestay ở Đà Lạt đuổi khách giữa đêm từng gây tranh cãi khắp MXH 1 năm trước. Ảnh chụp màn hình
Giữ bình tĩnh khi bị "chặt chém"
Dù đã rất cẩn thận để tránh bị "chặt chém" nhưng xui rủi nếu vẫn "quay vào ô mất lượt", teen đừng vì quá bực bội, rối trí mà có những hành xử không đẹp nha! Việc đầu tiên chúng mình cần làm đó là kiểm tra lại tất cả những liên lạc (cuộc gọi, inbox, tin nhắn), giấy tờ liên quan (hóa đơn) để tìm ra vấn đề khúc mắc ở đâu, ai đúng ai sai thay vì mất thời gian phân bua, tranh cãi nhé! Nếu vấn đề liên quan đến việc thanh toán hóa đơn hay thái độ dịch vụ, chúng mình có thể đề nghị chủ khách sạn cho check camera để có bằng chứng xác minh. Nếu sự việc nghiêm trọng hơn, chúng mình có thể nhờ cơ quan chức năng vào cuộc giúp đỡ.
Teen yên tâm là việc gì cũng có hướng giải quyết nên chúng mình đừng vì nóng giận nhất thời mà tìm cách "trả đũa", "ăn miếng trả miếng". Chưa rõ ai đúng ai sai nhưng việc chúng mình làm vô tình có thể làm mất điểm hình ảnh của bản thân khi đi du lịch đó!