Đến với Đời Nghệ Sỹ, Tuấn Hiệp mang theo những câu chuyện giản dị nhưng đầy hấp dẫn về hành trình theo đuổi đam mê của mình. Bên cạnh đó, nam ca sĩ cũng có những chia sẻ đầy ấn tượng về ân tình của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, với vô vàn chuyến đi miệt mài, mang lời ca tiếng hát đến những nơi xa xôi nhất.
Trước khi theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, Tuấn Hiệp theo học chuyên ngành kinh tế. Tại đây, anh có cơ hội tham gia nhiều phong trào ca hát. Từ đó, niềm đam mê âm nhạc trong Tuấn Hiệp ngày một lớn lên. Sau đó, anh theo học tại Nhạc viện và được NSND Quang Thọ nhận làm học trò. Miệt mài tập luyện và tham gia nhiều cuộc thi, Tuấn Hiệp may mắn giành được một số giải thưởng nhất định như: giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hải Dương 2001, giải nhì Tiếng hát Hà Nội 2001.
Sau quá trình học tập, rèn luyện gian khó, Tuấn Hiệp thừa nhận bản thân gặp khá nhiều may mắn và thuận lợi trên bước đường phát triển sự nghiệp. Không quá ồ ạt nhưng Tuấn Hiệp vẫn là nghệ sĩ có show diễn để hoạt động nghệ thuật liên tục. Nam ca sĩ chia sẻ, cuộc sống của anh không thể thiếu âm nhạc. Mỗi ngày, nếu không đàn hát với guitar thì Tuấn Hiệp cũng phải dành chút thời gian để đọc sách, tích lũy cho mình những kiến thức về quá trình phát triển của nền âm nhạc trong nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau.
Tuấn Hiệp thừa nhận, anh là một ca sĩ có cá tính rõ rệt. Trong quãng đời làm nghệ thuật của mình, anh may mắn được nhiều nghệ sĩ tìm đến mình trước. Tuấn Hiệp kể, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng bay ra Hà Nội chỉ để tìm Tuấn Hiệp – người nghệ sĩ hát bài Tiếng hát lạc loài.
Cố nhạc sĩ Phú Quang cũng vậy, ông từng chủ động mời Tuấn Hiệp thu đĩa, tham gia những chương trình ca nhạc của ông: “Khi nhạc sĩ Phú Quang mất rồi, Tuấn Hiệp mới thấy rằng cái kiêu hãnh của mình đôi khi làm mình thiệt thòi. Đó là một điều dại khờ của tuổi trẻ”.
Tuấn Hiệp bồi hồi kể: “Có một lần, nhạc sĩ Phú Quang mời Tuấn Hiệp đi ăn và bàn bạc về một sản phẩm âm nhạc. Nhưng vì nhạc sĩ Phú Quang sai hẹn nên từ đó Tuấn Hiệp giận dỗi. Show cuối cùng nhạc sĩ Phú Quang liên lạc và đề nghị Tuấn Hiệp hát ba bài hát thích nhất, nhưng vì bận đi diễn ở nước ngoài nên Tuấn Hiệp không thể tham gia”.
Nhớ lại những kỷ niệm với cố nhạc sĩ Phú Quang, Tuấn Hiệp chia sẻ: “Tính tự ái đôi khi làm cho bản thân mình thiệt thòi”. Nam ca sĩ kể thêm, khi anh tìm đến nhạc sĩ Phú Quang để đóng phí tác quyền, cố nhạc sĩ đã nói: ‘Riêng mày đưa bao nhiêu cũng được. Mày chỉ cần mời chú cà phê”.
Không chỉ hoạt động trong nước, Tuấn Hiệp còn là ca sĩ chăm chỉ hoạt động ở thị trường nước ngoài, phục vụ cho cộng đồng người Việt xa xứ. Nam ca sĩ chia sẻ, anh thường hát cho hội đồng hương các tỉnh nghe. Trong một lần hát cho hội đồng hương Nam Định tại Nga, Tuấn Hiệp hát đến 60 ca khúc. Nam ca sĩ cho biết đây là lần đầu tiên anh hát nhiều đến thế trong suốt cuộc đời đi hát.
Trước tình cảm và sự yêu mến của khán giả khắp mọi nơi dành cho mình, Tuấn Hiệp luôn ý thức được bản thân phải không ngừng trau dồi, học hỏi và cố gắng mỗi ngày, đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho đồng bào khắp mọi nơi: “Tuấn Hiệp luôn luôn đau đáu, đi đến đâu có người Việt Tuấn Hiệp sẽ hát những bài hát gợi nhớ về quê hương để được mọi người yêu mến mình hơn nữa”.