Thời gian gần đây, Doãn Quốc Đam trở nên cực kỳ đắt show ở vũ trụ phim VTV, vẫn đang lăn lộn làm Tuấn “nháy” của “Đấu trí”, anh đã khiến khán giả cười nghiêng ngả trong vai quần chúng là một người đàn ông mù trong “Ga-ra Hạnh Phúc”.
Ở Nhà hát Kịch Hà Nội (đơn vị công tác của Doãn Quốc Đam) anh cũng tới lui với các vai diễn. Đặc biệt, dù nổi tiếng và là một cái tên được trưng ra để bán vé, nam diễn viên vẫn không nề hà nhận những vai diễn thậm chí không rõ mặt mũi, hình hài.
Mới đây nhất, khi xem kịch “Làng song sinh”, mặc dù đã thấy tên Doãn Quốc Đam trên bảng phân vai chính, tôi vẫn mất rất nhiều thời gian để nhận ra anh trong hình hài một bào thai song sinh quấn vải trắng toát từ đầu tới cuối. Hỏi đạo diễn Trung Hiếu làm thế không phải là “ngược đãi” diễn viên nổi tiếng à, anh cười: diễn viên chuyên nghiệp là dạng vai nào cũng “cân” tất.
Doãn Quốc Đam trong "Làng song sinh"
Ở nhà hát Kịch Hà Nội, Doãn Quốc Đam được đồng nghiệp đánh giá là một diễn viên lăn xả và không ngại xấu, không ngại khổ. Trên phim, Doãn Quốc Đam từng vào vai Chí Phèo thời 4.0 - anh Mến “trọc” ở “Phố Trong Làng”. Để vào được vai Mến, Doãn Quốc Đam đã thẳng tay cạo sạch mái tóc của mình, tập dáng đi hơi khập khiễng, biểu cảm ánh mắt dại đi, ẩn chứa “máu điên” cục súc. Mến nát rượu, vũ phu nhưng sâu bên trong lại rất thương yêu vợ con. Mến của “Phố trong làng” chỉ là một vai phụ nhưng lại là điểm sáng về diễn xuất xuyên suốt bộ phim.
Mến trọc trong "Phố trong làng"
Ngay sau đó Doãn Quốc Đam phải đội tóc giả để vào vai nghệ sĩ Đông Phong tài hoa, lãng tử ở “Thương Ngày Nắng Về”. Qua “Đấu trí”, để tìm ra nét đặc biệt cho vai Tuấn, Doãn Quốc Đam đã tìm cho nhân vật này một đặc trưng không trộn lẫn, đó là “Nháy”. Khi trò chuyện, Tuấn có tật nháy mắt liên tục, vì thế Tuấn “Nháy” đã bước lên màn ảnh với một diện mạo diễn xuất mới của Doãn Quốc Đam.
Cái hay của Doãn Quốc Đam là dù có trùng thời điểm xuất hiện, nhưng anh lại có cách để khán giả nhớ đến vai diễn của mình mà không phải nhầm lẫn Mến với Đông Phong hay Tuấn “nháy”.
Đông Phong lãng tử trong "Thương ngày nắng về".
Chính sự “biến hóa thần sầu”, qua tài diễn xuất dày dặn kinh nghiệm, có “màu sắc” riêng mà Doãn Quốc Đam lọt top đề cử Nam diễn viên ấn tượng năm 2019 giải thưởng VTV Awards; đoạt giải Cánh Diều Vàng hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyền hình năm 2020.
Doãn Quốc Đam sinh năm 1988 tại Thái Nguyên, từng là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh. Doãn Quốc Đam tham gia đóng phim từ năm 2011, nhưng phải đến vai Trần Tú trong “Người phán xử” năm 2017 anh mới bắt đầu ghi dấu ấn với khán giả, và vụt sáng năm 2018 với vai Cảnh ở “Quỳnh Búp Bê”.
Ngoài diễn xuất, Doãn Quốc Đam còn có khả năng ca hát.
Mặc dù tình trường trên phim rất phức tạp, ngoài đời, Doãn Quốc Đam lại “noi gương” nhiều đàn anh, thu xếp cuộc sống cá nhân rất êm ấm. Nhiều lần từ chối trả lời phỏng vấn về đời tư, vợ con, khán giả chỉ biết, Doãn Quốc Đam đã có gia đình, bà xã anh cũng là một người đẹp nổi tiếng.
Doãn Quốc Đam nói rằng, ngoài công việc, anh muốn giữ cho cuộc sống của vợ con bình yên, không bị truyền thông và dư luận chú ý.
Đồng nghiệp ở nhà hát Kịch Hà Nội tiết lộ, Doãn Quốc Đam đã kết hôn 8 năm, gia đình yên ấm, vợ đẹp con khôn. Vợ anh không tham gia nghệ thuật mà kinh doanh ở Thái Nguyên. Cô là hậu phương vững chắc cho chồng theo đuổi đam mê.
Doãn Quốc Đam và vợ.
Rất ngầu trên phim, thậm chí nhờ tạo hình “đểu” Doãn Quốc Đam hay bị khán giả gắn mác lăng nhăng, đào hoa, thậm chí thô lỗ. Thực tế, bạn diễn nữ của anh xác nhận: Doãn Quốc Đam ngoài đời là người lịch sự, cá tính và giản dị. Anh chuộng lối ăn mặc hầm hố, thích ngồi cà phê vỉa hè và chọn lối sống chậm ở tỉnh lẻ thay vì dinh cả nhà xuống Thủ đô chen chúc chật chội.
"Đểu" trên phim, ngoài đời Doãn Quốc Đam là một ông chồng quốc dân.
Hiện, “anh công nhân” của màn ảnh Việt tuy làm việc ở Hà Nội nhưng vẫn thường xuyên về Thái Nguyên. Khi có lịch quay phim dài ngày mới ở lại Hà Nội, bình thường anh sẽ luân chuyển giữa hai nơi. Nam diễn viên cảm thấy thoải mái với cuộc sống như vậy, để vừa đảm bảo hoàn thành công việc vừa có không gian tái tạo năng lượng, để sức sáng tạo không bị bào mòn.