Tôi biết, chuyện đã xảy ra rồi thì không thể thay đổi được nữa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu vợ tôi chịu khó giải thích và nhượng bộ chồng, tôi đã chẳng phải đuổi cô ấy đi như vậy.
Để lấy được nhau, vợ chồng tôi đã gặp phải không ít trắc trở. Tôi sinh ra là con nhà nghèo. Phấn đấu mãi mới được đi học đại học. Đến khi ra trường, mặc dù được làm việc cho một tập đoàn nước ngoài nhưng tôi vẫn còn khó khăn lắm. Ngược lại, vợ tôi xuất thân từ một gia đình khá giả. Từ nhỏ đến lớn, cô ấy đã được ăn ngon mặc đẹp, chẳng bao giờ phải lo đến chuyện tiền bạc.
Khi biết chúng tôi yêu nhau, gia đình nhà cô ấy đã kịch liệt phản đối. Thậm chí, mẹ vợ tôi khi ấy còn đến tận nhà tôi để nói rõ quan điểm của mình. Nhưng vì quá yêu nhau, vợ tôi đã lén bố mẹ đi đăng ký kết hôn. Thấy chúng tôi quyết liệt, nhà vợ đành nhượng bộ và đồng ý tổ chức đám cưới. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể quên những gì mà họ đã đối xử với mình.
Khi biết chúng tôi yêu nhau, gia đình nhà cô ấy đã kịch liệt phản đối. (Ảnh minh họa)
Thấm thoắt cũng 7 năm. Giờ đây, tôi đã có sự nghiệp của riêng mình. Bố mẹ tôi nhờ vậy mà nở mày nở mặt. Ngược lại, nhà vợ tôi bị thất thế. Đến nỗi tháng nào vợ tôi cũng phải lén lút gửi tiền về cho bố mẹ. Thật tình thì tôi biết chứ, nhưng vì chỉ có vài triệu nên đành nhắm mắt làm ngơ.
Bình thường, vợ tôi có mua quà cáp gì cho bên ngoại, tôi cũng không ý kiến vì số tiền khá nhỏ. Cho đến hôm vừa rồi, tôi về nhà và thấy mấy cây nhân sâm đặt trên bàn. Tết gần đến rồi, tôi đoán đó là quà biếu Tết. Hàng ngày, bố vợ tôi thích ăn sâm và ngâm rượu sâm lắm. Thành ra khi nhìn những cây sâm ấy, tôi liền chắc nịch số quà ấy là vợ mua để mang về nhà mình. Lúc ấy, tôi định bỏ qua nhưng khi nhìn thấy hóa đơn gần 30 triệu, tôi không kìm nổi sự tức giận nữa.
Vợ vừa về đến nhà, tôi liền quát tháo dù chưa hỏi số quà ấy là biếu nhà nội hay ngoại. Nói qua nói lại, vợ tôi hét lên:
“Nếu đây là quà của bên nội thì anh sẽ không bảo gì đúng không? Tại sao anh lại có tiêu chuẩn kép như vậy nhỉ?”.
“Đúng. Bố mẹ em đã bao giờ tốt với anh đâu mà anh phải rút máu để biếu bố mẹ em món quà giá trị như thế? Còn em bất mãn thì về đó mà ở”.
Vừa nghe đến đó, vợ tôi vơ hết đồ rồi đưa 2 đứa con về nhà mẹ đẻ. Tôi cũng giận nên không hỏi han gì. Đàn ông mà, khi tính sĩ diện đã nổi lên thì cho dù không muốn vợ con bỏ đi, tôi vẫn vờ như không quan tâm. Cho tới chiều nay, mẹ đẻ tôi qua chơi. Thấy mấy cây sâm, bà nói:
“Mẹ nhờ cái Hiền mua sâm mà mãi chẳng thấy nó mang sang. Thì ra nó để ở nhà. Vậy mà con không nói trước”.
Vừa nghe đến đó, vợ tôi vơ hết đồ rồi đưa 2 đứa con về nhà mẹ đẻ. (Ảnh minh họa)
Đến lúc này tôi mới biết mình đã trách lầm vợ rồi. Cũng tại cô ấy không chịu thanh minh. Nhưng khi tôi thuật lại mọi chuyện, mẹ liền dí đầu tôi trách móc vì đã quá nóng vội. Bà còn nói:
“Mấy năm qua vợ con ăn ở thế nào, bố mẹ đều thấy cả. Con bé hết lòng với nhà chồng. Còn con, vì chuyện quá khứ mà ám ảnh mãi không thôi. Dù sao bố mẹ vợ con cũng vì muốn con gái được gả vào nơi tốt nên mới như vậy. Con cũng có con gái, đáng lẽ phải hiểu điều cơ bản này chứ”.
Nghe mẹ nói, tôi như được thông suốt. Nhưng buồn một điều là dù đã nhắn tin và gọi điện xin lỗi, vợ tôi cũng không chịu quay về. Cô ấy còn bảo Tết này sẽ không về đón Tết với tôi nữa. Tôi nên làm gì để vợ chịu bỏ qua đây?