Ðặt mình vào vị trí của học sinh
Từ khi còn là sinh viên ĐH Đồng Tháp, anh Huỳnh Phú Sĩ (SN 1988) đã ấp ủ xây dựng một trang tổng hợp kiến thức toán phổ thông phục vụ miễn phí cho học sinh. Tuy nhiên, sau nhiều lần tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, anh nhận thấy trang web có tính bảo mật không cao. Sau này, khi sử dụng điện thoại thông minh, anh bắt đầu nảy ra ý tưởng xây dựng một ứng dụng toán học trên điện thoại di động.
Trở thành giáo viên dạy môn toán tại trường THPT Mỹ Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), chứng kiến học sinh vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đã thôi thúc thầy Sĩ quyết tâm xây dựng ứng dụng học toán miễn phí.
“Học toán phải rèn luyện nhiều mới giỏi được nhưng lại khô khan. Tôi trăn trở rất nhiều, làm sao xây dựng được một ứng dụng toán học có chất màu tươi trẻ để mỗi học sinh truy cập vào đó thấy được không khí vui vẻ, gần gũi, học bài một cách thoải mái nhất”, thầy Sĩ chia sẻ.
Mất một thời gian dài ấp ủ lên kế hoạch, tháng 5/2019, thầy Huỳnh Phú Sĩ bắt tay vào thiết kế, xây dựng ứng dụng toán học, mang tên: “Toán Học Tiểu Toàn Thư” trên hệ điều hành Android. Ứng dụng thống kê, tổng hợp tất cả kiến thức về toán học từ lớp 6 đến lớp 12. Học sinh có nhu cầu tìm lại các kiến thức cũ từ cấp học trước đó chỉ cần vào ứng dụng gõ từ khóa sẽ hiện ra kết quả nhanh chóng. Hầu hết các nội dung đều có hình ảnh, ví dụ minh họa và các từ khóa nhằm liên kết đến các nội dung liên quan.
Thầy Sĩ cho biết, ứng dụng được thiết kế với màu sắc bắt mắt phù hợp với lứa tuổi học sinh, cùng với đó là nhiều tính năng hữu ích được anh dày công xây dựng. Ứng dụng có các phần: Từ điển toán phổ thông; ngân hàng bài tập; trắc nghiệm thí nghiệm phòng; đấu trường; ngân hàng đề; video bài giảng. Phần đấu trường được vận dụng tính năng của trò chơi game thông qua việc giải bài toán, nhằm kích thích sự hứng thú, tham gia của học sinh.
Để có một ứng dụng khá hoàn thiện đến thời điểm này, thầy giáo trẻ Huỳnh Phú Sĩ phải đánh đổi nhiều đêm thức trắng bên chiếc điện thoại và ngân hàng dữ liệu, bài tập, đề thi toán. Thầy Sĩ luôn tâm niệm phải đặt mình vào vị trí của học sinh để thiết kế bài học sao cho gần gũi, dễ hiểu nhất.
Dùng điện thoại “cùi bắp” xây dựng ứng dụng
Một trong những nội dung tốn nhiều tâm sức nhất của thầy Sĩ là ngân hàng bài tập. Thầy Sĩ vừa tổng hợp ngân hàng bài tập, bài giải từ những nguồn uy tín, vừa tự ra bài tập đưa lên ứng dụng.
Ngân hàng bài tập là kho bài tập tự luận được phân loại theo chuyên đề và theo chương bài trong sách giáo khoa để người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và tham khảo. Mỗi bài tập đều có ghi mức độ khó, lời giải và cho phép bình luận theo thời gian thực. Đặc biệt, hệ thống còn có thể tự lọc ra các bài tập tương tự, giúp người dùng có thể tham khảo thêm. Đây là tính năng mà chưa ứng dụng nào có.
“Tất cả các bài đưa lên ứng dụng tôi đều tự gõ lại chủ yếu bằng các mã lệnh và trình bày một cách ngắn gọn để sao cho phù hợp với màn hình điện thoại. Có những bài có bài giải dài, tôi phải nghiên cứu làm bài giải sao cho súc tích, dễ hiểu nhất, công đoạn này rất gian nan. Tôi thiết kế thêm các hình minh họa sao cho bài học mềm mại, gần gũi nhất. Tuy vất vả nhưng học sinh hào hứng đón nhận, học bài có hiệu quả, tôi rất vui, hạnh phúc”, thầy Sĩ chia sẻ.
Hiện ứng dụng “Toán Học Tiểu Toàn Thư” đã được đưa vào sử dụng tại trường THCS&THPT Mỹ Thuận, với lượng truy cập học bài thường xuyên của hơn 700 học sinh. Theo thầy Sĩ, thời điểm từ tháng 3/2020, học sinh phải nghỉ học do dịch COVID-19, hầu hết học sinh của trường Mỹ Thuận đều vào ứng dụng học bài. Đặc biệt, với Chương học về số phức, dù các em chỉ học và làm trên ứng dụng nhưng khi đi học trở lại, hầu hết các học sinh đều nắm vững kiến thức, thầy chỉ cần hệ thống, ôn lại.
Mới đây, thầy Huỳnh Phú Sĩ mang ứng dụng “Toán Học Tiểu Toàn Thư” tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, được nhiều người biết đến, đánh giá cao. Trước một số ý kiến cho rằng ứng dụng có hạn chế là không dùng được trên hệ điều hành iOS, thầy Sĩ cho biết, do điều kiện kinh tế thầy phải dùng một chiếc điện thoại “cùi bắp” giá rẻ có hệ điều hành Android để xây dựng, thiết kế nên ứng dụng này.
“Tôi sẽ mua chiếc điện thoại có hệ điều hành iOS làm thêm phiên bản cho tất cả học sinh đều được dùng. Về mặt kỹ thuật lập trình, trên điện thoại Iphone, hệ điều hành iOS dễ hơn, bảo mật tốt, lập trình dễ hơn. Nếu ứng dụng “Toán Học Tiểu Toàn Thư” được sử dụng rộng rãi cho đông đảo học sinh, tôi vẫn miễn phí hoàn toàn”, thầy Sĩ nói thêm.