Vàng, trang sức trôi dạt vào bãi biển, người dân đổ xô đi nhặt

Không chỉ nhặt được những hạt vàng nhỏ, người dân địa phương còn phát hiện những món đồ trang sức nguyên vẹn hoặc những miếng vàng lớn.

Mới đây, một hiện tượng lạ đã thu hút sự chú ý lớn khi người dân đổ xô ra bãi biển Uppada, thuộc quận Đông Godavari, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) để săn lùng vàng.

Những hạt vàng lấp lánh được sóng cuốn vào bãi biển, tạo nên một cuộc "săn kho báu" quy mô lớn.

Không chỉ tìm thấy những hạt vàng nhỏ, người dân địa phương còn phát hiện những món đồ trang sức nguyên vẹn hoặc những miếng vàng lớn.

Vàng, trang sức trôi dạt vào bãi biển, người dân đổ xô đi nhặt- Ảnh 1.

Người dân trong vùng có tục lệ chôn những hạt vàng nhỏ khi xây nhà và đền thờ.Những hạt vàng này thường trôi ra biển khi các công trình bị xói mòn rồi trôi dạt vào bờ.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng phần lớn vàng tìm thấy trên bãi biển này là từ những ngôi đền cổ đã chìm xuống biển từ lâu. Nhiều thế kỷ qua, các ngôi đền cổ, nhà cửa trong khu vực đã bị sóng biển cuốn trôi, mang theo cả những món đồ bằng vàng.

Giờ đây, mỗi khi sóng lớn khuấy động đáy biển, đặc biệt là sau các cơn bão, những hạt vàng và đồ trang sức được đẩy trở lại vào bờ.

Ông Surada Raju (52 tuổi) ở làng Uppada đã chứng kiến nhiều cơn sốt vàng từ khi còn nhỏ. Ông từng tìm được những món đồ trị giá 1.000 Rupee (khoảng 298.000 đồng).

Ông kể trước đây nhiều đợt có đến 300 người, cả đàn ông và phụ nữ, tham gia cuộc tìm vàng trên bãi biển.

Cơn sốt vàng gần đây bắt đầu nổi lên sau khi cơn bão Nivar tấn công bờ biển Uppada vào tháng 11. Ngư dân địa phương là những người đầu tiên phát hiện ra "kho báu" này.

Kể từ đó, tin tức về kho báu lan rộng, thu hút người dân và du khách từ các khu vực khác kéo nhau đến đây để tìm vàng. Cảnh tượng người dân đông đúc, hăng hái tìm kiếm vàng dưới ánh mặt trời đã trở thành hình ảnh đặc trưng của bãi biển Uppada trong thời gian qua.

Dù vậy, một số người phản đối việc sàng lọc cát để tìm vàng và các đồ vật có giá trị khác, tin rằng điều đó mang lại bất hạnh cho ngôi làng.