Bé Adik Missclyen (3 tuổi) sống tại Bintulu, Borneo, Malaysia mắc chứng tăng lông bẩm sinh (hypertrichosis). Đây là một tình trạng hiếm gặp, được Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa là "sự phát triển quá mức của lông ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể".
Cha của bé, anh Roland Jimbai (47 tuổi) cho biết bé Adik cũng sinh ra mà không có lỗ mũi.

Bé Adik Missclyen mắc bệnh tăng lông khiến gương mặt em như "người sói"
Bên cạnh hội chứng "người sói", một cái tên khác của hypertrichosis, thì căn bệnh này cực kỳ hiếm gặp với chưa đến 100 trường hợp được ghi nhận kể từ thời Trung cổ.
Tuy nhiên, điều này không ngăn cản cô bé với ngoại hình đặc biệt sống vui vẻ và trưởng thành khoẻ mạnh. Em thậm chí còn được Quốc vương và Hoàng hậu Malaysia trìu mến gọi là "anak syurga", có nghĩa là "đứa trẻ đến từ thiên đường" khi gia đình có dịp được gặp gỡ gia đình hoàng gia vào cuối năm 2024 vừa qua.

Bé gái đặc biệt được Quốc vương và Hoàng hậu Malaysia gọi bằng cái tên trìu mến
Anh Jimbai xúc động chia sẻ: "Thật xứng đáng với thời gian chờ đợi khi Quốc vương Abdullah, Hoàng hậu Azizah và các con của họ đã gặp gỡ gia đình chúng tôi và chụp ảnh với Missclyen. Tôi vô cùng hạnh phúc khi có cơ hội được gặp Quốc vương và Hoàng hậu."
Anh Jimbai bày tỏ mong muốn được gặp lại Hoàng gia nếu có thể, đồng thời cho biết thêm: "Quốc vương đã dặn tôi hãy chăm sóc Missclyen vì con bé là món quà của Chúa."
Tuy nhiên, cuộc sống thường ngày của Adik không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cha của bé cho biết nhiều người lạ thường nhìn con gái anh với ánh mắt kỳ thị, thậm chí còn gọi bé là bằng những biệt danh kỳ thị ngoại hình. "Ban đầu, chúng tôi thực sự bị tổn thương và cảm thấy căng thẳng. Chúng tôi rất buồn và bắt đầu tránh đưa con bé đến những nơi công cộng, ngoại trừ việc đến bệnh viện tái khám. Chúng tôi rất sợ những gì mọi người sẽ nói." - Anh Jimbai tâm sự.

Căn bệnh của em hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn
May mắn thay, hội chứng "người sói" của Adik không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, mặc dù gia đình vẫn thường xuyên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn chứng tăng lông. Những người mắc bệnh chỉ có thể kiểm soát tình trạng lông mọc quá mức bằng cách tẩy trắng, cắt tỉa, cạo, tẩy lông bằng laser và các phương pháp triệt lông khác.
Trường hợp của Adik không phải là trường hợp nổi tiếng đầu tiên về chứng tăng lông. Căn bệnh có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc khi trưởng thành. Hội chứng này nổi tiếng là đã ảnh hưởng đến một số "người kỳ dị" trong rạp xiếc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đáng chú ý nhất là Julia Pastrana, một nghệ sĩ người Mexico được biết đến với cái tên "người phụ nữ gấu" trong giới biểu diễn vì khuôn mặt rậm rạp của cô. Một ví dụ gần đây hơn là trường hợp vài năm trước, một số trẻ em ở Tây Ban Nha đã mọc lông khắp cơ thể sau khi vô tình được cho dùng thuốc trị rụng tóc để chữa chứng khó tiêu.
Nguồn: NYPost