Vì sao đa số vụ ly hôn do người vợ nộp đơn?

2/3 số vụ ly hôn ở Mỹ do phụ nữ đệ đơn, tương đương tỷ lệ 70% ở Việt Nam nhưng theo chuyên gia lỗi không phải của riêng người chồng.

Nhà trị liệu hôn nhân gia đình nổi tiếng thế giới Michele Weiner-Davis, sáng lập trung tâm Trung tâm Divorce Busting (Mỹ) cho biết luôn có nhiều trường hợp ngoại lệ, nhưng bà thấy có một mô hình phổ biến, mang tính khuôn mẫu về giới.

Những năm đầu hôn nhân thường tốt đẹp. Vợ chồng tập trung vào điểm chung, tận hưởng cuộc sống không trách nhiệm, không con cái. Họ dành nhiều thời gian bên nhau để xây dựng mối quan hệ.

Nhưng cuộc sống thay đổi. Trách nhiệm tăng lên. Sở thích cá nhân trở nên quan trọng. Các mối quan hệ không còn được ưu tiên. Sự gần gũi về tình cảm và thể xác bắt đầu giảm.

Phụ nữ sẽ chủ động làm ấm lại mối quan hệ. Cô ấy đề nghị có thêm thời gian bên nhau và có những cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn. Nhưng đa số đàn ông phớt lờ.

Một số phụ nữ kiên nhẫn lặp lại yêu cầu. Khi không hiệu quả, họ chuyển những yêu cầu thành lời phàn nàn. Tiếp theo là cay đắng và sự khinh miệt, thứ khó trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực. Vì vậy, đàn ông xa lánh vợ hơn.

Phụ nữ bắt đầu lên kế hoạch ly hôn với các tuyên bố như "Tôi sẽ ly hôn khi các con trưởng thành", ''Tôi sẽ tìm một người mới hiểu mình rồi ly hôn'', ''Khi tự nuôi sống được bản thân, tôi sẽ rời khỏi đây''.

Họ ngừng phàn nàn bởi biết kế hoạch muốn thực hiện phải mất nhiều năm, nên âm thầm chịu đựng.

Đến ngày đạt được mục tiêu, họ tuyên bố ly hôn.

Vì lâu rồi vợ không phàn nàn, người chồng họ nghĩ mọi thứ đều ổn. Khi người phụ nữ thông báo ly hôn, họ bàng hoàng, đau khổ và sẵn sàng làm mọi thứ cứu vãn hôn nhân. Nhưng đã quá muộn màng.

Trong cuốn The Five Love Languages (5 ngôn ngữ tình yêu) của Gary Chapman, tác giả cho biết có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu và thấy được yêu.

Thực tế, là phụ nữ, nhà trị liệu Michele Weiner-Davis thấy được yêu khi đối tác dành thời gian chất lượng cho họ, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa và san sẻ để giảm bớt gánh nặng. Ngược lại, đàn ông thường có ngôn ngữ tình yêu chính là sự đụng chạm.

Không phải là ngôn ngữ tình yêu của vợ chồng khác nhau. Trên thực tế, ngay cả trong những cuộc hôn nhân lành mạnh, hạnh phúc, các cặp đôi thường có ngôn ngữ tình yêu khác nhau.

Vấn đề xảy ra khi người này không nhận ra cách cảm thấy được yêu của người kia và không cố gắng nói ngôn ngữ của họ. Khi một người cảm thấy bị coi thường hoặc không được yêu, anh hoặc cô ấy dần khép kín và từ chối nói ngôn ngữ tình yêu của người kia.

Ví dụ, phụ nữ thường thấy gắn kết với bạn đời trước khi quan tâm đến tình dục hoặc thể hiện tình cảm. Trong khi đàn ông cần cảm thấy gần gũi và gắn kết qua tiếp xúc cơ thể, trước khi quan tâm đến dành thời gian chất lượng cho nhau hoặc chia sẻ gánh nặng.

Khi đàn ông không dành thời gian chất lượng cho vợ, phụ nữ ngừng muốn quan hệ tình dục. Khi phụ nữ ngừng muốn quan hệ tình dục, đàn ông ngày càng ít đầu tư vào mối quan hệ. Vô tình, phản ứng của mỗi người lại khơi dậy điều tồi tệ nhất ở đối tác.

Vì vậy, nhiều năm trước, khi mô tả Hội chứng vợ bỏ đi, chuyên gia Michele Weiner-Davis không nhận ra đàn ông thường tìm kiếm sự gần gũi theo cách khác với vợ.

Đàn ông tán tỉnh. Họ chủ động quan hệ tình dục. Họ muốn âu yếm. Điều này không khác gì phụ nữ yêu cầu đàn ông dành nhiều thời gian hơn cho nhau hoặc nói chuyện.

Cảm giác bị từ chối khi vợ họ không hứng thú tình dục rất tệ với đàn ông. Nó khiến họ cảm thấy không được mong muốn, không được yêu thương, không gợi cảm, không nam tính và không quan trọng.

Vì vậy, theo Michele Weiner-Davis dù đúng là hơn 2/3 ba số vụ ly hôn ở Mỹ do phụ nữ đệ đơn vì chồng không chịu thay đổi, nhưng chính các bà vợ cũng là người có lỗi.