Vì sao nữ bác học Marie Curie được chôn cất trong quan tài lót chì dày 2,5 mm khi qua đời?

Nghiên cứu của nữ bác học Marie Curie về phóng xạ đã thay đổi bản chất của vật lý hiện đại, nhưng cũng để lại cho bà nhiều hậu quả về mặt sức khỏe.

Marie Curie ngày nay được nhớ đến nhờ công trình tiên phong về phóng xạ, vốn không chỉ mang về cho bà hai giải Nobel mà còn giúp nữ khoa học gia được công nhận là "mẹ đẻ của vật lý hiện đại". Mặc dù các nghiên cứu về nguyên tố phóng xạ polonium và radium để lại một di sản khoa học trường tồn, chính những chất phóng xạ này cũng tác động lâu dài tới cơ thể bà, theo IFL Science.

Marie Curie không chỉ là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel mà còn là người phụ nữ duy nhất được trao giải ở hai lĩnh vực khác nhau. Năm 1896, nhà vật lý người Pháp Henri Becquerel đã phát hiện ra rằng muối uranium phát ra các tia tương tự như tia X ở khả năng xuyên qua các vật thể. Phát hiện này đã truyền cảm hứng cho Curie khám phá những phát hiện của Becquerel như một phần trong luận án nghiên cứu của bà.

Cùng với chồng mình là nhà khoa học Pierre Curie, Marie Curie bắt đầu quá trình nghiên cứu và phát hiện ra radium và polonium, hai nguyên tố phóng xạ mới, vào năm 1898. Những kết quả này đã giúp vợ chồng nhà Curie được trao một nửa giải Nobel Vật lý năm 1903. Nửa còn lại thuộc về Becquerel.

Vì sao nữ bác học Marie Curie được chôn cất trong quan tài lót chì dày 2,5 mm khi qua đời? - Ảnh 1.

Marie Curie là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất trong khoa học, nhưng việc bà tiếp xúc với bức xạ đã gây hậu quả chết người. Ảnh: IFL Science

Sau đó, vào năm 1911, sau khi trải qua nhiều biến cố cá nhân (Pierre Curie đột ngột qua đời năm 1906), Marie Curie được trao thêm một giải Nobel Hóa học vì đã phân tách được radium tinh khiết. Bà tiếp tục cống hiến nghiên cứu của mình để nghiên cứu tính chất hóa học của các chất phóng xạ, cũng như ứng dụng của chúng trong y học.

Trên thực tế, nếu không có các thành tựu nghiên cứu của Marie Curie, các phương pháp điều trị ung thư của chúng ta có thể sẽ không phát triển như ngày nay. Đáng nói, mặc dù luôn sử dụng các biện pháp phòng ngừa, việc Marie Curie liên tục tiếp xúc với các chất phóng xạ trong thời gian dài đã khiến bà gặp hậu quả xấu về sức khỏe.

Marie Curie qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1934 do bệnh thiếu máu bất sản do tiếp xúc với bức xạ. Trái ngược với tên gọi, bệnh thiếu máu bất sản không chỉ khiến người bệnh bị thiếu máu. Thay vào đó, đây là một bệnh về máu hiếm gặp, xảy ra khi tủy xương không thể tạo đủ tế bào máu mới để cơ thể hoạt động bình thường. Khi Marie Curie qua đời, thi thể của bà bị nhiễm phóng xạ với mức độ cao đến mức bà phải được an nghỉ trong một chiếc quan tài lót chì. Tuy nhiên, không ai biết điều này cho đến năm 1995 khi quan tài của bà được khai quật.

Vào thời điểm đó, chính quyền Pháp muốn chuyển vợ chồng Marie Curie đến lăng mộ quốc gia của nước này - Panthéon, để vinh danh những đóng góp của họ cho khoa học và là biểu tượng trong lịch sử nước Pháp. Các quan chức chịu trách nhiệm khai quật đã liên hệ với cơ quan bảo vệ bức xạ của Pháp với những lo ngại về bức xạ còn sót lại và yêu cầu hỗ trợ để bảo vệ công nhân trong nghĩa trang.

Khi những người trong nhóm khai quật đến gần ngôi mộ của vợ chồng Marie Curie, họ vẫn ghi nhận ra mức độ phóng xạ bình thường trong không khí. Tuy nhiên, mức độ phóng xạ đã tăng lên khi ngôi mộ được mở ra (mặc dù không phải với lượng lớn).

Lúc đầu, quan tài của Marie Curie dường như được làm bằng gỗ, nhưng khi mở ra, họ thấy nó được lót bằng chì dày 2,5 mm (0,09 inch). Thông thường, quan tài lót chì được dùng để giúp ngăn chặn sự rò rỉ chất phóng xạ hoặc bức xạ có thể có ra lòng đất hoặc đất xung quanh khu chôn cất.

Ngoài ra, chì là một nguyên tố tự nhiên không độc hại và không phản ứng, làm cho nó trở thành một lựa chọn an toàn và hiệu quả cho mục đích này. Mặc dù tất cả các thi thể cuối cùng sẽ bị phân hủy, nhưng quan tài lót chì có thể giúp đảm bảo quá trình này diễn ra an toàn và sạch sẽ nhất có thể cho cả người quá cố và những người xử lý thi thể. Với riêng trường hợp của Pierre Curie, do qua đời vào thời điểm các biện pháp bảo vệ chống lại bức xạ chưa được phát triển, ông được chôn cất trong một quan tài bằng gỗ bình thường, mặc cho cơ thể ông cũng bị nhiễm phóng xạ rất nặng.

Vì sao nữ bác học Marie Curie được chôn cất trong quan tài lót chì dày 2,5 mm khi qua đời? - Ảnh 2.

Nơi yên nghỉ hiện tại của nữ bác học Marie Curie. Ảnh: Internet

Sau đó, cuộc kiểm tra thi hài của Marie Curie cho thấy rằng bà vẫn được bảo quản rất tốt, và chỉ nhiễm bức xạ alpha và beta ở mức độ nhỏ. Theo tạp chí Journal of British Society for the History of Radiology, điều này có thể là kết quả của các biện pháp Marie Curie từng thực hiện để hạn chế tiếp xúc với bức xạ vào những năm cuối đời.

Được biết, sau khi khai quật, các nhà chức trách của Pháp quyết định chuyển thi hài của 2 vợ chồng nhà khoa học Curie vào quan tài bằng gỗ để chôn cất tại Pantheon, do các nhà khoa học không nghĩ rằng lượng radium tìm thấy trên thi hài của họ có thể gây hại cho người tiếp xúc.

Tuy nhiên, điều trái ngược lại diễn ra với các món đồ từng được Marie Curie và chồng sử dụng. Sau 100 năm, nhiều đồ đạc của bà, bao gồm đồ nội thất, sách dạy nấu ăn, quần áo và ghi chú trong phòng thí nghiệm vẫn còn nhiễm phóng xạ cực mạnh. Những thứ sau thực sự được cất giữ trong các hộp lót chì tại Bibliothèque National của Pháp ở Paris. Khi yêu cầu tiếp cận những đồ vật này, khách tham quan phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm pháp lý và mặc quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc với radium-226, vốn có chu kỳ bán rã lên tới khoảng 1.600 năm.

Nguồn: IFL Science