Câu chuyện là của chàng trai tên Tạ Ngạn Ba sinh năm 1966, ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Được biết, Tạ Ngạn Ba sinh ra trong một gia đình tri thức khi có bố là giáo viên còn mẹ là bác sĩ.
Tuy nhiên do công việc của cặp vợ chồng quá bận rộn không có thời gian bên con nên bố mẹ cậu đã gửi cậu về quê để bà ngoại nuôi dưỡng.
Có lẽ vì thiếu thốn sự quan tâm của bố mẹ từ nhỏ đã hình thành nên tính cách ương ngạnh và ứng xử kém của cậu, thậm chí cậu cũng đã phải nhận hậu quả cho tính cách này.
Khi Tạ Ngạn Ba học lớp 2, bố tình cờ phát hiện cậu có thể giải những bài toán của học sinh lớp 5. Ông hỏi cậu nhóc sao có thể biết những kiến thức này, và cậu bình thản đáp: "Những kiến thức đó, nghe một lần là hiểu".
Lúc này, người bố nhận ra trí tuệ của Ngạn Ba hơn người và bắt đầu đích thân dạy con trai.
Lên 9 tuổi, Tạ Ngạn Ba tự học xong chương trình Toán, Lý, Hóa bậc trung học phổ thông. Đến năm 10 tuổi, cậu học sang hình học và giải tích ở bậc đại học.
Tạ Ngạn Ba trở sớm trở nên nổi tiếng và được Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc chiêu mộ vào lớp ươm mầm tài năng của trường. Lúc này Ngạn Ba chỉ mới 11 tuổi.
Với sự thông minh hơn người, chăm chỉ và kỷ luật, Tạ Ngạn Ba tốt nghiệp đại học sau 4 năm. Cậu tiếp tục ở lại trường và theo đuổi chương trình thạc sĩ Vật lý. Tạ Ngạn Ba nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc ở tuổi 18.
Tạ Ngạn Ba nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc ở tuổi 18. Ảnh: Sina
Đạt được nhiều thành tựu khi còn quá trẻ, Tạ Ngạn Ba được rất nhiều trường ngỏ ý mời về học hệ tiến sĩ tại trường nhưng cậu quyết định nộp đơn xin học bổng tại Đại học Princeton, Mỹ. Đây cũng chính là nơi Tạ Ngạn Ba thực hiện nghiên cứu lý thuyết Vật lý chất rắn dưới sự hướng dẫn của giáo sư Philip Anderson - người từng đoạt giải Nobel năm 1977.
Đến xứ sở cờ hoa học tập, Ngạn Ba rất nổi tiếng và được mọi người quý mến, thậm chí nhiều phương tiện truyền thông còn giành nhau đưa tin về cậu. Không ít bài viết tâng bốc cậu như: là “thần đồng trí tuệ bậc nhất”, "đứa trẻ thiên tài có nhiều khả năng đoạt giải Nobel nhất trong tương lai".
Nhiều người đồn đoán rằng, việc tìm thấy bến đỗ mới này có thể giúp Tạ Ngạn Ba có cơ hội thắng giải Nobel như người thầy của mình nhưng mọi chuyện không dễ dàng như thế.
Giáo sư Philip Anderson là một người vô cùng thông minh nhưng cũng có nét hao hao như học trò mình, thành danh từ khi còn rất trẻ, có cái tôi rất lớn đôi lúc có thể coi là kiêu ngạo và khi cả hai tiếp xúc với nhau, những mâu thuẫn liên tiếp nổ ra, không ai nhượng bộ ai và chịu cúi đầu.
Trong quá trình làm luận án tốt nghiệp, Tạ Ngạn Ba bác bỏ luận điểm của giáo sư Philip Anderson, khiến ông vô cùng tức giận.
Hiện Tạ Ngạn Ba đang là giảng viên đại học. Ảnh: 163
Tiếp đó, ông Philip Anderson yêu cầu Ngạn Ba thay đổi tên đề tài luận án tốt nghiệp nhưng anh không làm theo. Ngạn Ba liên tục phản bác thầy để bảo vệ luận điểm của bản thân, thậm chí đến cả nhà riêng của vị giáo sư để tranh cãi, yêu cầu thầy phải chấp nhận luận án.
Không lâu sau đó, Tạ Ngạn Ba đã tức giận và bỏ đi, khước từ cơ hội nhận tấm bằng tiến sĩ cùng giải Nobel và trở về quê hương Trung Quốc. Anh vẫn là một người có năng lực và trở thành giảng viên đại học sau đó, Tạ Ngạn Ba cũng như bao người là cưới vợ rồi sinh con nhưng cuộc sống 26 năm kể từ khi anh rời bỏ xứ cờ hoa khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Anh vẫn luôn sống trong cái bóng của quá khứ, sống trong giấc mơ mà mọi người kỳ vọng là đoạt giải Nobel. Tạ Ngạn Ba đã bỏ ra thời gian dài để học tập, nghiên cứu nhưng chỉ vì không biết cách hòa đồng và giao tiếp với người khác khiến xung quanh không muốn ai lại gần với anh, kể cả con trai mình. Tạ Ngạn Ba là thần đồng vì đã vào đại học từ năm 11 tuổi nhưng ở thời điểm đó, dù học hành giỏi giang như thế nào thì tâm sinh lý của Tạ Ngạn Ba vẫn là của một đứa trẻ học lớp 5.
Người thân đã quá quan tâm vào việc giúp anh trau dồi khả năng học tập mà quên mất rằng những kỹ năng sống khác cũng cần được chỉ dạy, trong đó có kỹ năng giao tiếp. Cứ thế, một nhân tài tưởng chừng sẽ mang về vinh dự cho đất nước lại có cuộc sống đơn điệu và nhàm chán như thế, không có bạn bè, không có mối quan hệ và chỉ quanh quẩn với công việc giảng dạy.