Viết tiếp những "truyện cổ tích" về tình người trên đất Sài thành

TP.Hồ Chí Minh - Kim Phượng, 34 tuổi đội nón bước ra khỏi nhà trọ trong một con hẻm của dân ngụ cư ở quận Bình Thạnh. Đứa con gái còn đang gà gật trong xe nôi.

Từ ngày đẻ ra, con bé đã quen với những giấc ngủ gập ghềnh trên những vỉa hè, góc phố Sài Thành. Phượng mang nó cùng đi bán vé số từ ngày đỏ hỏn, giờ cũng đã gần 4 năm. Phượng vuốt phẳng từng tờ hai nghìn đồng, trả tiền đặt cọc, nhận lấy vé số ở đại lý đầu phố rồi đẩy xe nôi nhắm hướng cầu Thị Nghè.

Sáng 26/5, như mọi ngày ở đất Sài Thành, nắng lên chói chang từ sớm. Bảy giờ, số nhà 14 trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhộn nhịp người đứng xếp hàng, xôn xao cả một góc phố.

Trong đám đông ấy, có những phụ nữ như Phượng, đầu đội nón lá, khăn mặt bông bịt mặt, tay cầm xấp vé số, nước da nâu sạm lấm tấm mồ hôi. Cũng có những người đàn ông đầu hoa râm, phe phẩy chiếc mũ tai bèo nhàu nhĩ, đôi tay còn bạc phếch màu vôi vữa. Họ đều đến đợi nhận quà do Công ty Xổ số điện toán Việt Nam – Vietlott và khách hàng trúng thưởng giải Jackpot trao tặng.

Viết tiếp những "truyện cổ tích" về tình người trên đất Sài thành - 1

 “Tặng quà thì quý, nhưng tặng gì cho người lao động khó khăn, mình cũng cần phải nghĩ”, Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc chi nhánh Vietlot tại TP. Hồ Chí Minh băn khoăn. Cùng sự đồng thuận từ mạnh thường quân, chủ nhân của giải Jackpot 1 Power 6/55 trị giá 192 tỷ đồng, Vietlott chuẩn bị 200 suất quà bao gồm các nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, muối, mì, bánh kẹo và một số thực phẩm khô khác, tổng trị giá mỗi phần 200.000 đồng.

Phượng mân mê túi quà đựng trong chiếc túi giấy màu đỏ, mắt rơm rớm. Từ ngày rời quê nghèo miền Tây lên Sài Gòn sinh nhai bằng nghề bán vé số dạo, chục năm nay Phượng chỉ quen trong vai người mang may mắn và cơ hội đến cho người khác, chứ chưa bao giờ được ai tặng lại món quà gì đáng kể. Con bé con vừa tỉnh ngủ, bà mẹ trẻ mở túi quà, bóc một gói bánh cho nó ăn rồi mẹ con lại tấp tểnh mang nhau đi khắp Sài Gòn. Nhưng hôm nay Phượng đỡ lo hơn mọi ngày, vì ít ra, gạo mắm đã đủ đầy.

Trên bất kỳ con phố nào ở Sài Gòn, cũng dễ bắt gặp những người như Phượng. Thành phố có 8.000 người bán vé số dạo, đa số là người già, tàn tật, mất sức, mẹ đơn thân, thất nghiệp, từ quê nghèo lên phố mưu sinh. Họ trông vào 1.000 đồng tiền lời từ mỗi tấm vé số bán được để nuôi con, mua gạo, trả tiền chữa bệnh và trang trải cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Liên, 55 tuổi, quê Tây Ninh mỗi ngày đi bộ khoảng 30 km quanh mọi ngõ ngách Bình Thạnh, cố gắng bán hết trăm tấm vé số mới về, thường là tối muộn. Từ 1/4, toàn quốc ngưng phát hành vé số để ngăn chặn ảnh hưởng của Covid-19. Một tháng thất nghiệp, không thể về quê, là một tháng bữa cơm của lao động di cư như bà Liên chỉ còn màu trắng cơm tẻ và màu xanh rau.

Viết tiếp những "truyện cổ tích" về tình người trên đất Sài thành - 2

Bà Liên cũng là một trong những người đến xếp hàng đợi quà sớm nhất. Dỡ ngay túi quà bên vỉa hè ra xem, bà Liên không biết tổng giá trị, chỉ tròn mắt ước lượng “dễ bằng tiền lời mấy ngày cô đi bán vé số dạo”. Bà cười, “Cô mà là người trúng Vietlott thì cô cũng đi tài trợ thật nhiều chương trình từ thiện, cho người nghèo này, cả bệnh viện nữa”.

200 suất quà lần này “đội quân áo đỏ” Vietlott trao tặng không phải hoạt động thiện nguyện đầu tiên họ từng phối hợp tổ chức cùng người trúng giải.

Năm 2016, tại TP. Vinh, chủ nhân Jackpot đầu tiên, trị giá 92 tỉ đồng đã tặng 1.000 phần quà, tổng trị giá 500 triệu đồng cho người nghèo ở địa phương. Năm 2018, tại Hà Nội, khách hàng trúng Jackpot 304 tỷ đồng đã tặng 3 tỉ đồng làm từ thiện, tài trợ chi phí 100 ca phẫu thuật mắt cho người cao tuổi, tổng trị giá 500 triệu đồng. Năm nay, trong cao điểm dịch bệnh, một người may mắn khác ở Đắk Lắk ủng hộ ngay tại lễ nhận giải, 1 tỉ đồng trong đó, 500 triệu đồng để ủng hộ chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ, hoạt động thiện nguyện đã trở thành “truyền thống” của những người trúng giải, và tận tay mang quà đến với người nhận, cũng trở thành niềm vui của  “đội quân áo đỏ” Vietlott . “Giúp đỡ cộng đồng không bao giờ là đủ. Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng dòng chảy truyền thống này, như một cách trao “cơ hội để tốt hơn” tới những mảnh đời khó khăn”.