Vợ chồng Hà Nội dùng căn hộ 100m2 cho người lạ tránh siêu bão Yagi

Không chỉ dùng nhà riêng giúp đỡ người cần tránh siêu bão Yagi, vợ chồng ở Hà Nội còn sẵn sàng bỏ tiền thuê taxi cho mọi người đến trú tại nhà mình.

Dùng nhà riêng cho người cần tránh bão

“Mình làm việc thiện xuất phát từ cái tâm”, Phương Anh (sinh năm 1994, Hà Nội) – người phụ nữ dùng nhà riêng cho người cần đến trú bão chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, Phương Anh cho hay, gia đình chị có 2 căn hộ chung cư nằm trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Gia đình nhỏ của Phương Anh sống ở căn hộ tầng dưới, tầng trên vẫn đang bỏ trống.

Trưa 7/9, Phương Anh lên kiểm tra căn nhà bỏ trống khi siêu bão Yagi ập đến. Nhìn cảnh mưa giông gió lốc ngoài trời, chị trộm nghĩ: “Không biết người vô gia cư, người sống trong những căn nhà ọp ẹp sẽ thế nào khi bão lớn thế này”. 

Cuối cùng, chị bàn bạc với chồng dùng căn hộ bỏ trống làm nơi trú bão cho những người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị ủng hộ nhiệt tình.

Căn nhà rộng khoảng 100m2, có 3 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh. Phương Anh dự tính nơi này sẽ đủ cho 10-15 người sinh hoạt. 

Cư dân gửi đồ đến nhà hỗ trợ chị Phương Anh tiếp đón mọi người

Cư dân gửi đồ đến nhà hỗ trợ chị Phương Anh tiếp đón mọi người

Chị viết trên trang cá nhân thông báo việc thiện, ngoài ra nhờ một số diễn đàn mạng xã hội đăng tin để những người cần tìm nơi trú bão biết đến.

Chỉ sau ít giờ chia sẻ, Phương Anh nhận được rất nhiều cuộc gọi xin được giúp đỡ. Đến 14h, chị đã đón được 6 người vào nhà. 17h, con số đó đã lên đến hơn chục người.

“Người đến đây trú bão là sinh viên, người lao động... vốn ở những khu trọ cũ. Mọi người kể, nơi họ ở bị tốc mái nhà, rất nguy hiểm nên khi thấy mình đăng tin đã gấp rút liên hệ để có chỗ trú chân”, Phương Anh chia sẻ.

Người đến trú bão tự do nấu ăn trong nhà chị Phương Anh

Người đến trú bão tự do nấu ăn trong nhà chị Phương Anh

Bữa cơm tối ấm áp tình người 

Bữa cơm tối ấm áp tình người 

Không chỉ dùng nhà riêng làm nơi trú bão, Phương Anh còn bỏ tiền túi thuê taxi cho những hoàn cảnh khó khăn tìm đến nhà mình. 

Ngay khi quyết định giúp đỡ mọi người, vợ chồng Phương Anh đã xuống siêu thị mua lương thực nhưng hàng hóa không còn nhiều. Hàng xóm biết chị làm việc tốt đã gửi rất nhiều đồ ăn thức uống đến hỗ trợ. 

17h30, Phương Anh vẫn đang đứng dưới sảnh chung cư nhận cuộc gọi và đón mọi người đến nhà trú bão. Có thể giúp đỡ mọi người, chị rất vui. Chị hy vọng cơn bão sớm tan để mọi người trở về với cuộc sống bình thường.

Dùng cửa hàng làm nơi cho lái xe trú bão 

“Trong bối cảnh cơn bão diễn biến phức tạp, anh chị em nào đang làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) hoặc đi qua địa phận này mà vẫn chưa kịp về nhà, có thể qua cửa hàng nhà mình tránh bão”, dòng tin của chị Nguyễn Phượng (trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội) thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người.

Chị Phượng cho hay, lo lắng người đi đường không kịp về nhà giữa tiết trời mưa gió, vợ chồng chị quyết định đăng tin thông báo dùng nhà hàng cho mọi người trú bão.

Mẩu tin thông báo việc thiện của chị Phượng

Mẩu tin thông báo việc thiện của chị Phượng

Trưa 7/9, chị đã đón được 3 người, trong đó có 1 người già và 2 người trung niên. Sau khi thiết đãi cơm trưa, chị giữ mọi người lại nghỉ qua đêm vì sợ cơn bão diễn biến phức tạp, trên đường về nhà gặp nguy hiểm.

“Mọi người cũng vui vẻ ở lại cửa hàng trú bão. Thú thực, chỗ mình là nhà hàng ăn uống, chỗ ngủ không được chu đáo cho lắm. Mình bảo nhân viên kê bàn, kê ghế sát lại làm chỗ ngủ, cũng gọi là có chỗ để mọi người nghỉ ngơi”, chị Phượng chia sẻ.

Cách đây ít giờ, chị Phượng đã nhận được cuộc gọi của một lái xe 16 chỗ, chở đoàn khách xuất phát từ Ninh Bình mong được trú bão tại cửa hàng của chị. Chị sẵn sàng tiếp đón.

“Mình làm nhà hàng, nước nôi hay đồ ăn thức uống lúc nào cũng sẵn, công đoạn tiếp đón không có gì khó khăn. Mình đã bảo nhân viên mua thêm thức ăn và chuẩn bị chỗ ngủ để sẵn sàng phục vụ mọi người”, chị Phượng nói.

Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, cửa hàng của chị Phượng cũng là nơi trú chân cho nhiều lái xe bị nhỡ đường. Chị Phượng cho họ vào nhà ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi dù dịch bệnh khi đó rất phức tạp. 

Cửa hàng của chị ở cạnh điểm test COVID-19, từng có lúc chị cùng nhân viên xếp 100 chiếc ghế nhựa cho người dân ngồi đợi đến lượt. 

“Mình không nghĩ sâu xa, chỉ nghĩ giúp được ai thì giúp. Lúc trước còn khó khăn, mình cũng được rất nhiều người hỗ trợ, giờ đây, mình làm việc tốt để báo đáp lại ơn nghĩa đó”, chị Phượng chia sẻ. 

Ảnh NVCC